Giải pháp phát triển cây dược liệu ở Hà Giang

24-10-2023 17:19 | Y học cổ truyền

SKĐS - Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu, Hà Giang có một nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú để phát triển kinh tế gắn với cây dược liệu.

Thúc đẩy phát triển kinh tế dược liệu

Hà Giang có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với trên 380.000ha đất có rừng, đây là lợi thế rất lớn để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, thảo dược dưới tán rừng. Bên cạnh đó, Hà Giang còn là địa bàn cư trú của đồng bào 19 dân tộc, mỗi dân tộc lại có vốn tri thức bản địa về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, chế biến và sử dụng dược liệu địa phương.

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu, Hà Giang có một nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú. Toàn tỉnh hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia.

Giải pháp phát triển cây dược liệu ở Hà Giang - Ảnh 1.

Tỉnh Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế gắn với cây dược liệu.

Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, tỉnh Hà Giang đã triển khai chương trình bảo tồn 50 loài thuốc quý với diện tích 1.000 m2 tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, huyện Đồng Văn. Qua các hoạt động này, nhằm bổ sung các chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong quá trình phát triển cây dược liệu; xúc tiến quá trình giao đất cho các dự án phát triển trồng cây dược liệu...

Tỉnh cũng đã triển khai sản xuất giống dược liệu giảo cổ lam với số lượng 50.000 cây; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống giảo cổ lam 3 lá tại huyện Yên Minh và chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây sa nhân tím cho HTX Khuẩy My, xã Phương Độ (huyện Vị Xuyên); thực hiện trồng mới cây phòng phong với diện tích 3 ha; trồng 7 ha cây đương quy tại huyện Đồng Văn.

Thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào ngành dược liệu, tỉnh Hà Giang đã triển khai chuỗi dự án liên kết trồng, chế biến, thương mại hóa các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng. Công ty đã hoàn thiện nhà máy sản xuất các sản phẩm từ thuốc dược liệu và được Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận "Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc".

Cùng với đó, còn có các dự án như: Dự án phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa của Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam; dự án trồng và chế biến dược liệu công nghệ cao của Công ty TNHH Dược liệu Công nghệ cao Hà Giang; dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả theo quy trình VietGAP và dịch vụ thương mại nông nghiệp của Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển nông, lâm nghiệp Bình Minh… đã và đang được triển khai thực hiện. Các dự án này đang mở ra hi vọng khởi sắc của ngành dược liệu ở Hà Giang.

Nhiều thách thức

Ngoài những thuận lợi, việc phát triển dược liệu thành ngành kinh tế còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, kết cấu hạ tầng còn yếu, nhất là hệ thống giao thông, phát triển kinh tế thiếu tính bền vững, hàm lượng kế hoạch công nghệ trong giá trị gia tăng còn thấp, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cũng chưa cao. 

Theo ngành chức năng của tỉnh Hà Giang, một trong những rào cán lớn nhất hiện nay trong việc khơi dậy tiềm năng và lợi thế của ngành dược liệu ở Hà Giang quy chế quản lý giống dược liệu, các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho từng loại dược liệu mang tính đặc thù của địa phương nên việc xây dựng kế hoạch cũng như việc triển khai các quy định liên quan gặp khó khăn.

Giải pháp phát triển cây dược liệu ở Hà Giang - Ảnh 2.

Cần thêm các giải pháp để hỗ trợ phát triển dược liệu ở Hà Giang.

Các cơ sở sản xuất giống dược liệu ở Hà Giang hiện nay phần lớn là gieo trồng từ hạt do người dân thu hái từ tự nhiên, chưa áp dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất nên chất lượng và nguồn cung cấp giống chưa đảm bảo. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu năng lực còn hạn chế, nên nhiều dự án còn hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của các sản phẩm làm ra thấp.

Ngay cả việc liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học – nhà đầu tư và nhà nông chưa thực sự tốt. Do vậy, doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhưng người dân còn e ngại sợ sản phẩm làm ra không bán được nên chưa thực sự tâm huyến chăm sóc, mở rộng vùng nguyên liệu.

Tỉnh Hà Giang đặt ra mục tiêu sẽ phấn đấu trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu. Tuy nhiên với những nền tảng và kết quả hiện có thì mục tiêu này thực sự còn nhiều khó khăn và thách thức.

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn