Giải pháp nào quản lý thị trường thực phẩm chức năng?

17-08-2015 07:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ đầu năm 2015 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt 119 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt 119 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng. Con số này cho thấy, sự quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc xử lý vi phạm về ATTP nói chung, thực phẩm chức năng (TPCN) nói riêng, tuy nhiên con số này cũng phản ánh thị trường TPCN luôn tiềm ẩn nhiều sai phạm. Vậy, đâu là giải pháp để quản lý thị trường TPCN? Để giải đáp vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP.

TS. Nguyễn Thanh Phong.

PV: Thưa ông, được biết hiện nay có khoảng hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu hành trên thị trường, ông đánh giá như thế nào về chất lượng của những sản phẩm này?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả). Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50-60% trong số đó là “sống” được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là “tự diệt” vì không được người tiêu dùng ưu chuộng.

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của TPCN, nhưng cũng không được “thần thánh hóa” sản phẩm này và cũng không nên tẩy chay TPCN. TPCN có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh tật và hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh. Ai cũng có thể sử dụng TPCN. Tuy nhiên, người dân luôn cần hiểu rằng, TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ điều trị, chứ không phải thuốc. Khi mắc bệnh, tuyệt đối không được bỏ thuốc điều trị để dùng TPCN.

PV: Đã có không ít người tiêu dùng vì tin tưởng vào quảng cáo như “thần dược” của TPCN mà tiền mất, tật mang vì mua phải sản phẩm làm giả hay sản phẩm không có công dụng như quảng cáo?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Quy luật chung trên thị trường là khi nhu cầu về sản phẩm nào đó càng lớn, được ưa chuộng thì sẽ xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất hàng giả, hàng nhái. TPCN cũng không nằm ngoài quy luật này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm.

Theo quy định, trước khi quảng cáo, nội dung phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn bán nhiều sản phẩm thu lợi nhuận nên đã bất chấp sai phạm, cố tình quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong số những vi phạm về TPCN thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm về TPCN là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt).

Gần đây tình trạng bị làm giả, nhái ngày càng nhiều. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt một số vụ sản xuất, kinh doanh TPCN giả lớn.

Từ đầu năm 2015 đến nay, riêng Bộ Y tế đã xử lý 119 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó có 100 cơ sở vi phạm về quảng cáo TPCN bị xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Thu hồi 11 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, thu hồi 5 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các công ty vi phạm về TPCN. Tạm dừng lưu thông 33 lô sản phẩm, thu hồi tiêu hủy 2 sản phẩm vi phạm về chất lượng và ghi nhãn. Chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp.

PV: Thưa ông, có những ý kiến cho rằng, một số doanh nghiệp xin cấp phép thuốc thì rất khó khăn nên chuyển sang làm TPCN. Bởi quy trình, công bố, quảng cáo sẽ dễ dàng hơn nhiều. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Trước hết, tôi khẳng định ngay, quan niệm này hoàn toàn sai. Cấp phép lưu hành thuốc có quy định, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cụ thể. Đối với TPCN cũng vậy, từ vấn đề công bố, kiểm nghiệm, ghi nhãn, điều kiện vệ sinh cơ sở, tài liệu khoa học chứng minh tác dụng của thành phần trong sản phẩm rất chặt chẽ. Các quy định này được quy định chặt chẽ, chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đó mới được phép lưu hành. Ngay cả khi được phép lưu hành, TPCN vẫn phải lưu sản phẩm để lấy mẫu và kiểm nghiệm theo định kỳ và lấy mẫu kiểm tra đột xuất.

Với TPCN nhập khẩu để được lưu hành tại Việt Nam, sản phẩm đó phải được cơ quan chức năng tại nước sở tại cấp phép sử dụng tại nước đó. Sản phẩm được lưu hành tại Việt Nam phải có doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm công bố chất lượng sản phẩm đó đồng thời từng lô sản phẩm khi về Việt Nam phải được kiểm tra đối chiếu so sánh với dữ liệu công bố.

Điều này cho thấy, không phải nhập khẩu TPCN là đơn giản và không phải khi thấy khó khăn trong đăng ký sản phẩm thuốc thì quay sang đăng ký TPCN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Nguyễn (thực hiện)

 

 

 

 


Ý kiến của bạn