Vé máy bay 'cõng" trên 20 loại phí
Vé máy bay tăng quá cao thời gian gần đây ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch và nhu cầu đi lại của người dân. Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức do mức thu thuế, phí hiện nay. Hiện tại các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước phải nộp hai loại phí là 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.
Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá. Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý là ACV, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối... Người dân vào sân bay còn phải nộp thêm các loại phí như phí vào sân bay, phí đỗ xe...
Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong cơ cấu giá vé máy bay hiện nay, chỉ có 2 mục các hãng hàng không thu hộ ACV là phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách, hành lý theo quy định tại Thông tư 53. Các hãng hàng không thu hộ giá dịch vụ này và được hưởng hoa hồng thu hộ là 1,5% doanh thu.
Ngoài ra, ACV đang thu của các hãng hàng không giá dịch vụ sân đậu tàu bay, cho thuê cầu dẫn khách, thuê quầy làm thủ tục hành khách, cho thuê băng chuyền hành lý và xử lý hành lý tự động… Mức thu các dịch vụ này cũng thực hiện theo khung giá quy định. Cùng đó, ACV đang thu là giá dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Cụ thể, tại các cảng hàng không chi nhánh trừ 4 Cảng hàng không lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, ACV đang thực hiện cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho các hãng hàng không và thu tiền theo chuyến bay.
Liên quan đến phản ánh giá vé máy bay tăng cao, ngày 7/5, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa phát đi thông cáo đề nghị các cá nhân, tổ chức, khách hàng mua vé máy bay các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua (nhất là từ đầu năm 2024 đến nay) phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải mua vé máy bay giá cao so với quy định.
Cần phải bỏ nhiều loại phí vô lý
Các chuyên gia cho rằng, thay vì phân loại quá nhiều loại phí, Việt Nam chỉ cần quy định gọn 2 loại, gồm phí theo chuyến bay là phí cất hạ cánh tại sân bay và phí phục vụ hành khách tại sân bay, đồng thời có thể loại bỏ phí vào sân bay. Hiện trên thế giới không có nước nào thu phí vào sân bay. Các sân bay trên thế giới chỉ thu phí đỗ ở sân bay nên Việt Nam cần có quy định khi vào sân bay bao lâu sẽ không mất phí để giảm gánh nặng cho người dân.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, trong bối cảnh ngành hàng không đang gặp khó khăn chung, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải có sự sẻ chia khó khăn với nhau. Mức phí sân bay hiện nay cần được giảm để giảm bớt gánh nặng cho các hãng hàng không và cho chính người dân đi máy bay.
Trên thực tế, năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép ACV giảm 50% mức giá cất hạ cánh nội địa nhưng ACV vẫn có doanh thu đủ bù đắp chi phí khai thác và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, khi phí sân bay quá nhiều, quá cao như hiện nay, giá vé máy bay buộc phải đẩy cao lên, khách đi máy bay, khách du lịch cả trong nước và quốc tế vì thế cũng ít đi. Điều này không chỉ khiến các hãng hàng không thiệt hại mà chính cảng hàng không cũng thâm hụt nguồn thu. Hơn nữa, vé máy bay cao, khách du lịch giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung.
Nhìn ở góc độ chi phí vé máy bay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ,, theo cách tính của một số chuyên gia hàng không, với cùng một chặng bay, trung bình người Việt mất tới 12 ngày làm việc; Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày và Australia là 0,6 ngày. Như vậy, giá vé hiện nay là quá đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam.
Các chi phí vé máy bay gồm: Chi phí sân đỗ, đường băng sân bay, xăng dầu, thuê máy bay, lương phi công... đều tính bằng USD. Việc trượt giá của các đồng ngoại tệ cũng là một phần khiến giá vé máy bay tăng.
"Các hãng hàng không đều phải dùng USD để chi tiêu cho các chi phí hoạt động hàng không, từ thuê máy bay, sân đỗ, cất hạ cánh, điều hành bay... để đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế quy định. Do đó, khi mở bán vé máy bay, hãng hàng không cũng phải tính theo USD để quy đổi ra giá tiền Việt Nam đồng, nên giá vé máy bay cao", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Nói về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, thay vì phân loại quá nhiều loại phí, chúng ta chỉ cần quy định gọn 2 loại. Đó là phí theo chuyến bay gồm phí cất hạ cánh tại sân bay và phí phục vụ hành khách tại sân bay. Hiện nay, nhằm khuyến khích ngành hàng không, Chính phủ một số nước đã hỗ trợ miễn phí cất hạ cánh tại sân bay. Trong điều kiện của Việt Nam, nếu làm được việc này thì rất tốt.
Trong điều kiện chưa thực hiện được, Việt Nam có thể áp dụng trước tại 4 sân bay lớn là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Cam Ranh. Ngoài ra, cần loại bỏ phí vào sân bay. Hiện nay, trên thế giới không có nước nào thu phí vào sân bay. Các sân bay trên thế giới chỉ thu phí đỗ ở sân bay. Do đó, Việt Nam cần có quy định khi vào sân bay bao lâu sẽ không mất phí để giảm gánh nặng cho người dân.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 10/5 | SKĐS