Giải pháp nào để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu?

06-09-2023 06:36 | Y học cổ truyền

SKĐS - Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành…

Nhiều tiềm năng phát triển dược liệu thành một ngành công nghiệp

Với khoảng 5.117 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho con người, như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm…

Ngoài ra, cây dược liệu còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Thực tế, Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp cho lại năng suất cao không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Giải pháp nào để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm dược liệu (Ảnh minh hoạ)

Việc đầu tư phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ xuất phát từ nhu cầu thực tế phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn. Bên cạnh Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dành cho cả nước, phát triển vùng trồng dược liệu quý cũng được xác định là một trong những dự án thiết thực nhằm góp phần hiện thực hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình). Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý là nội dung số 02 của Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình.

Mục tiêu đặt ra là, bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Các dự án phát triển sâm và dược liệu quý có hoạt động ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số (ưu tiên các dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ), do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trong vùng; đồng thời hướng đếm các thôn, xã, huyện, tỉnh là nơi triển khai dự án.

Làm gì để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu?

Theo các chuyên gia, để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu, Việt Nam cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn; phải được quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái và sản xuất dược liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như của các nước nhập khẩu. Trong đó, sâm và dược liệu quý được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được Chính phủ lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án.

Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng gay gắt cùng những khó khăn do suy thoái, bất ổn như hiện nay, để tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư mạnh về khoa học - công nghệ, giống, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu. Theo chương trình, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao. Dự án được kỳ vọng thu hút được doanh nghiệp đầu tư góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với quy mô vùng trồng và sản lượng tính toán, dược liệu quý trong Chương trình còn được kỳ vọng có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà.

Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), Việt Nam có vốn tri thức y học cổ truyền dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm từ dược liệu bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm… Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với 5.117 loài khác nhau, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm. Với đặc điểm địa hình và lợi thế thổ nhưỡng phù hợp trồng nhiều loại dược liệu quý, các vùng núi của Việt Nam là nơi có thể sản xuất được những sản phẩm thảo dược chất lượng cao.


L.U
Ý kiến của bạn