Giải pháp nào để bệnh viện là nơi an toàn cho thầy thuốc?

27-04-2018 10:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Hơn mọi nơi nào, bệnh viện là nơi tin cậy để người bệnh tìm đến được cứu sống và yên tâm về tinh thần. Ở nơi này, y, bác sĩ sẽ chỉ chuyên tâm vào sứ mệnh cao đẹp: cứu người.

Và hẳn nhiên, vì lý do đó, thầy thuốc sẽ không phải phân tâm trước bất cứ mối lo nào. Nhưng, trái lại bệnh viện lại đang là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả bệnh nhân và thầy thuốc. An ninh bệnh viện hiện đang là vấn đề nóng cần có giải pháp bảo đảm ổn định lâu dài.

Thầy thuốc liên tiếp bị hành hung

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, tại các bệnh viện trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ lộn xộn liên quan tới an ninh trong bệnh viện. Liên tiếp trong thời gian qua, những vụ việc như: người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, côn đồ gây rối trật tự bệnh viện, côn đồ xộc vào bệnh viện thanh toán ân oán với bệnh nhân... vẫn xảy ra.

Chỉ xin điểm lại những vụ gần đây nhất, ngày 31/3 (thứ 7), hai nữ y, bác sĩ của BVĐK tỉnh Bắc Kạn bị chồng của bệnh nhân hành hung. 14h cùng ngày, bệnh nhân nữ tên là L.T.H.T. (35 tuổi, trú tại Sông Cầu, Bắc Kạn) được đưa vào Khoa Nội tổng hợp BVĐK tỉnh Bắc Kạn, với triệu chứng đau đầu, nôn. Trước khi vào bệnh viện, bệnh nhân cũng đã nằm điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn. Một lúc sau, bệnh nhân có biểu hiện tê tay. Khi đo huyết áp, các thầy thuốc thấy huyết áp bệnh nhân bình thường, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện được nhưng người chồng vẫn to tiếng và đánh 2 nữ y, bác sĩ vì cho rằng người nhà anh không được cứu chữa kịp thời.

Giải pháp nào để bệnh viện là nơi an toàn cho thầy thuốc?

Ngày 13/4, một bác sĩ của BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội) trong khi đang trao đổi với bố của bệnh nhi đã bị người này đánh liên tục vào đầu... Và gần đây nhất, vào lúc 11h 52 phút trưa 23/4, Khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Hồ Ngọc Tú Trinh, 22 tuổi, ở phường Thạch Linh - thành phố Hà Tĩnh bị tại nạn giao thông, chấn thương vùng mặt với thai 32 tuần. Tuy nhiên, trước khi bệnh nhân vào viện khoảng 10 phút, xuất hiện 2 người đàn ông lạ mặt, trong đó có một người cầm theo 2 con dao, dài khoảng 30-40cm xông vào khoa cấp cứu chống độc, tạo sức ép đối với nhân viên y tế, yêu cầu xử lý nhanh cho bệnh nhân.

Gốc rễ của những vụ hành hung thầy thuốc

Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng thầy thuốc bị người nhà bệnh nhân hành hung, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trước tiên là do cả hai phía: thầy thuốc và bệnh nhân chưa đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của nhau. Phía người bệnh là phía đòi hỏi dịch vụ và phía thầy thuốc là phía cung cấp dịch vụ. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, nó đụng chạm đến từng con người, đến việc sống còn của mỗi người bệnh. Và hơn nữa, nó lại đụng chạm trong hoàn cảnh đặc biệt khi con người ta đau khổ nhất, hung hãn nhất.

Từ phía người bệnh, thực chất, họ vẫn chưa hiểu công việc của người thầy thuốc và trút nóng giận lên người thầy thuốc. Chẳng hạn, một người được đưa vào trong tình trạng bề ngoài nguy kịch, máu chảy ròng ròng, tưởng rằng tính mạng treo đầu sợi tóc nhưng thực ra, lại không nguy hiểm bằng những bệnh nhân khác không máu chảy, không xây xát mà nằm im lìm vì chấn thương sọ não, hay tai biến. Thêm nữa, phía người bệnh còn bị chi phối bởi yếu tố kinh tế rất nhiều. Bởi muốn chữa bệnh, người thầy thuốc yêu cầu người bệnh phải đóng các khoản phí. Người thầy thuốc không quyết định được về kinh tế nên không thể bỏ tiền túi ra để chi trả. Và như vậy, người bệnh dễ cho rằng, có sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Còn về phía người thầy thuốc cũng có thiếu sót. Thiếu sót đầu tiên trong kỹ năng giao tiếp. Thầy thuốc chưa dành thời gian thỏa đáng để nói cho người bệnh hiểu được quy trình khám chữa bệnh thì không thể nhận được sự thông cảm. Và đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, thù lao chưa thỏa đáng, áp lực công việc nặng nề nên dẫn tới những bức xúc ở người thầy thuốc vượt quá sức chịu đựng của họ. Trong khi đó, người bệnh đòi hỏi và đòi hỏi không ngừng. Thường những sự va chạm hay xảy ra nửa đêm về sáng, thầy thuốc đã mệt mỏi.

Một nguyên nhân nữa, đó là kỹ năng xử lý tình huống trong sai sót y khoa của cá nhân mỗi thầy thuốc cũng như của tập thể bệnh viện còn là tự phát, chưa chuyên nghiệp, chưa chú ý đến vấn đề đối ngoại với người bệnh.

Theo BS. Võ Xuân Sơn, dù bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể không có sai sót. Sai sót y khoa là một vấn đề mà không riêng gì Ngành y Việt Nam mắc phải và cũng không riêng gì bệnh nhân Việt Nam phải gánh chịu.

Giải pháp nào để bệnh viện là nơi an toàn cho thầy thuốc?Thầy thuốc liên tiếp bị hành hung, vì thế an ninh bệnh viện đang là vấn đề nóng cần có giải pháp lâu dài để thầy thuốc yên tâm cống hiến.

Bác sĩ Sơn cho biết, đa phần do sợ ảnh hưởng tới danh dự, giải quyết các vụ việc bằng thỏa thuận: “thủng đâu khâu đấy”. Việc vội vàng xử ép cấp dưới của một số lãnh đạo bệnh viện, hoặc dùng tiền để khỏa lấp với người bệnh, hoặc tìm cách đổ lỗi quanh co đều là các cách làm sai, mang lại hậu quả xấu. Lối giải quyết manh mún, sự việc này sẽ liên tục trở thành những vết xe đổ cho nhiều vụ việc tiếp sau và làm xấu đi hình ảnh của người thầy thuốc.

Tuy vậy, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thầy thuốc là người được đào tạo các kỹ năng cứu người chứ không phải để đánh người. Khi bạo hành xảy ra, thường xu hướng của thầy thuốc là né tránh, thậm chí bỏ chạy. Tuy nhiên, khi đó những bệnh nhân nặng, cần cứu chữa sẽ là người chịu thiệt thòi, thậm chí nguy hiểm. Việc bạo hành y tế không chỉ ảnh hưởng đến thầy thuốc mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các bệnh nhân đang cấp cứu điều trị. Hành hung thầy thuốc chính là người bệnh đang tự tước đi quyền được cứu chữa của chính bản thân mình.

Xây dựng luật bảo vệ người thầy thuốc và bệnh viện chuyên nghiệp

An ninh trong bệnh viện không phải nhiệm vụ của người thầy thuốc. Người thầy thuốc cũng chỉ là người thụ động, chịu ảnh hưởng của môi trường bệnh viện do các nhà quản lý đưa ra. Vì vậy, các nhà quản lý bệnh viện cần đưa ra những giải pháp tốt.

Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức muốn làm tốt an ninh bệnh viện, cần phải từ xây dựng thiết kế bệnh viện chuyên nghiệp, an toàn. Ở Việt Nam chưa có bệnh viện nào xây dựng được hình thức chuyên nghiệp. Cần phải thiết kế đường đi của người nhà bệnh nhân và thầy thuốc khác nhau, không để gặp gỡ hỗn độn, đường giao tiếp chỉ là ở giữa. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân đưa vào cấp cứu, người nhà cứ thấy áo trắng, cho đó là bác sĩ và phải có trách nhiệm trả lời tất cả các câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ đó đang cấp cứu cho một ca khác nguy kịch hơn nên không thể trả lời những câu hỏi của người nhà. Vậy là kết luận, bác sĩ gì mà thái độ thế, vậy là xung đột, bực cái thái độ và xông vào hành hung bác sĩ.

Điểm mấu chốt nữa là người thầy thuốc cần nâng cao chuyên nghiệp trong giao tiếp, hiểu tâm lý người bệnh, có kỹ năng giải thích cho bệnh nhân thấu đáo, công bằng, dễ hiểu, tránh sự bức xúc, hiểu lầm từ phía người bệnh.

Theo PGS. Hùng, phải làm người bệnh hài lòng và tin tưởng từ khâu đón tiếp khám bệnh, cấp cứu. Điều này, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện nhiều năm. Việc đón bệnh nhân từ xe cáng để bệnh nhân và người nhà cảm nhận được sự quan tân, tin cậy. Đặc biệt, làm tốt việc phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng, nhẹ ngay ban đầu. Cách phân loại rất đơn giản, nhanh. Phân loại bệnh nhân thành 3 nhóm và đưa vào các phòng theo dõi khác nhau. Bệnh nhân nặng được dán giấy đỏ ngay trên người, giấy vàng, giấy xanh để y tá, bác sĩ, điều dưỡng ai cũng biết được để có biện pháp ứng cứu nhanh.

Đối với người bệnh, khắc phục hậu quả và những thiệt hại cho người bệnh là việc đầu tiên cần làm. Trong trường hợp chưa rõ ràng có sai sót hay chưa có kết luận của Hội đồng khoa học hoặc khi người bệnh và thân nhân chưa hiểu rõ những vấn đề chuyên môn, cần tránh những tranh cãi gây ảnh hưởng đến tâm lí của cả bệnh nhân và nhân viên y tế.


Bùi Loan
Ý kiến của bạn