Hà Nội

Giải pháp nào cứu vãn tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ?

02-02-2018 10:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ đã tồn tại nhiều năm qua, đặc biệt tại các đoạn sông chảy qua khu dân cư, các khu đô thị lớn.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp được triển khai, tuy nhiên, thực tế tại nhiều nơi, người dân vẫn chưa được “giải cứu” khỏi tình trạng ô nhiễm nặng nề từ các dòng sông mang lại.

Hệ lụy từ nước thải

Theo kết quả phân tích của Sở TN&MT Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ diễn biến nhanh và phức tạp. Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chưa qua xử lý hoặc đã được xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép, đổ ra sông. Tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông càng làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm... Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, theo cơ chế tự làm sạch, chất lượng nước sông Nhuệ sẽ được cải thiện khi được nước sông Hồng bổ cập thường xuyên ở thượng nguồn. Tuy nhiên, từ năm 2003, số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, mực nước sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức thấp hơn so với yêu cầu của thiết kế (có thời điểm mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 0,1m). Đặc biệt, vào mùa khô, chỉ khi có các đợt xả từ các hồ Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình, mới có thể duy trì mực nước trên 2m tại Hà Nội để đáp ứng yêu cầu mực nước tối thiểu. Với mực nước đó, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ không thể lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc bằng hình thức tự chảy theo nhu cầu. Và có thời điểm, mực nước sông Hồng thấp hơn sông Nhuệ, nên phải thực hiện việc đóng cống để giữ nước trong sông Nhuệ phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực. Do không được sông Hồng bổ cập nước thường xuyên và sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch làm nguồn nước sông Nhuệ thêm ô nhiễm.

Giải pháp nào cứu vãn tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ?Cá chết nổi trên mặt nước đen kịt do ô nhiễm từ nguồn nước sông Nhuệ.

Chất lượng nước sông Nhuệ tại cống Liên Mạc từ sông Hồng chảy vào tương đối tốt, song đoạn đầu sông Nhuệ (18km đầu, từ cống Liên Mạc đến Hà Đông) phải tiếp nhận một số nguồn thải từ nước sinh hoạt và một số nguồn thải từ các làng nghề, nên chất lượng nước bị ô nhiễm khi hàm lượng các chất nitrit, N-NH3 vượt quá quy chuẩn Việt Nam. Khi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu hợp lưu và đổ vào sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt, sông Nhuệ phải tiếp nhận thêm một khối lượng lớn nước thải sinh hoạt cũng như nước thải công nghiệp, làm cho hàm lượng các chất ô nhiễm tăng đột ngột. Đoạn sông từ đập Thanh Liệt trở đi, nước sông Nhuệ ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của dân cư hai bên bờ sông.

Mới đây, vào khoảng đầu tháng 1/2018, cả đoạn sông ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nổi bọt trắng xóa như tuyết khi ngành nông nghiệp bơm nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Duy Tiên. Ông Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, thực trạng sông Nhuệ ô nhiễm nặng với nguồn nước đen đặc là vấn đề lâu nay. Nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ chảy từ Hà Nội về, vào mùa cạn thì nguồn ô nhiễm rất nặng. Vừa qua, khi ngành nông nghiệp bơm nước sông Nhuệ vào phục vụ đổ ải, tại một số trạm bơm, khi bơm nước vào sông của huyện thì xuất hiện những đoạn nổi bọt trắng kéo dài. Huyện Duy Tiên đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về chuyện ô nhiễm sông Nhuệ qua địa phận Hà Nam nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý.

Từng bước khắc phục ô nhiễm

Từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nói chung (trong đó có địa bàn tỉnh Hà Nam) và đoạn chảy qua địa phận Hà Nội nói riêng, những năm qua, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về chủ trương, chính sách, kỹ thuật - hạ tầng xử lý ô nhiễm trên lưu vực sông.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã triển khai Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 11/7/2016 thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 trên địa bàn thành phố; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo;... Đồng thời, tập trung nguồn lực chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị đầu tư xây dựng và vận hành các trạm, nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt quy mô lớn; các trạm XLNT làng nghề, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường;... Theo ông Lê Tuấn Định, một số dự án, nhiệm vụ trong số đó đã và đang được triển khai thi công, một số gặp khó khăn do thiếu vốn hoặc vướng khi giải phóng mặt bằng. Ông Định cho rằng, việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành. Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy phải xuất phát từ quan điểm tổng thể, đồng bộ trên toàn lưu vực, kết hợp chặt chẽ với việc bảo vệ trữ lượng nguồn nước và chất lượng nước của dòng sông; và nhất thiết phải được sự ủng hộ cao của người dân trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Liên quan đến việc khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam, đối với các đoạn sông đang bị ô nhiễm phải tạm thời dừng các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho mục đích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho đến khi chất lượng nước được cải thiện, rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2018. Chỉ đạo rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy, xử lý nghiêm những cụm, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép.

Đối với UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng đề nghị đơn vị quản lý phải chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ cho mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung nhằm làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và làm loãng nồng độ độc các chất ô nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải và cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi trên sông Nhuệ - sông Đáy, thanh tra, kiểm tra các nguồn xả thải ngăn chặn không cho xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ.


Hà Đăng
Ý kiến của bạn