Cát xây dựng ở Việt Nam có nguy cơ cạn kiệt
Theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWW) tại Việt Nam, lượng cát từ thượng nguồn sông Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền và sông Hậu ước tính 2-4 triệu m3/năm. Lượng cát đổ ra biển Đông là từ 0-0,6 triệu m3/năm. Trong khi đó, lượng cát khai thác hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn 2017-2022 là 35-55 triệu m3… Trữ lượng cát đáy sông ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt vào năm 2035.
Nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện tại trữ lượng cát đáy sông sẽ chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Nếu giảm lượng khai thác thêm 5% mỗi năm, trữ lượng này có thể duy trì đến năm 2040, ngược lại, sẽ cạn kiệt vào năm 2035.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì việc hút cát quá mức đã khiến nhiều nơi trên sông Hồng và các sông dọc theo hướng Bắc - Nam bị hạ thấp và giảm mực nước. Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm, đồng thời độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn.
Khi đó, một số cây trồng ở hai bên sông có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Đồng thời, việc mực nước ngầm bị hạ thấp còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng. Ngoài ra, việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông. Do dòng sông bị xói sâu ở một điểm, lượng cát từ thượng nguồn về sẽ đọng lại mà không chuyển được về cho hạ du.
Trong khi đó nhu cầu xây dựng, nhất là tại các công trình giao thông trọng điểm ngày càng tăng. Mặc dù các Bộ, ngành đã đưa ra các giải pháp, các địa phương cũng có cam kết việc đảm bảo nguồn cung cát sông cho các công trình trọng điểm cũng như quản lý việc khai thác hợp lý hơn. Tuy nhiên, đến năm 2025, ĐBSCL cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc, cần tới 39 triệu m3 cát san lắp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn. Nếu tiếp tục khai thác quá mức sẽ gây sạt lở, sụt lún.
Dùng cát biển thay thế cát sông
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta có bờ biển dài hơn 3.200 km, có tiềm năng cát biển lớn. Theo số liệu điều tra, đến nay các cơ quan đã khoanh định được 9 vùng triển vọng cát biển làm vật liệu xây dựng loại A và 58 vùng loại B. Tuy nhiên, không phải cả 9 vùng này có thể khai thác được ngay. Tuy nhiên, mỗi vùng biển muốn khai thác cát trước tiên phải nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường sinh thái. Trong đó, cần đánh giá rõ biến đổi địa hình đáy biển, xói lở bờ biển, ô nhiễm nước biển, hệ sinh thái vùng biển trước khi khai thác.
Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo an toàn, chỉ nên khai thác cát biển ở vùng biển có độ sâu lớn hơn 10 m, cách xa bờ biển, đảo hơn 20 km, độ sâu khai thác vào đáy biển dưới 10m. Việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác cát biển phải do cấp trung ương thực hiện (không phân cấp cho địa phương như trên đất liền) mới đảm bảo công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Nguyên nhân là khai thác ở biển đòi hỏi sử dụng thiết bị công suất lớn (tàu lớn), độ sâu nhỏ nên diện tích thăm dò, khai thác phải đủ lớn mới đáp ứng hiệu quả đầu tư (diện tích 100-200 km2). Ngoài ra, trước mỗi dự án triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ ngành, địa phương để cùng đưa ra đánh giá.
Việc sử dụng cát biển thay thế dần cát sông ở nước ta là xu hướng tất yếu. Từ năm 2010, chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích nghiên cứu, sử dụng cát biển thay thế cát sông. Đã có nhiều công trình nghiên cứu bước đầu cho thấy có thể sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng.
Ông Võ Tấn Dũng, người sáng chế máy tuyển cát đồi núi sông suối, cát biển xây dựng, san lấp…, cho rằng vật liệu thay thế cát sông đó chính là cát biển. Theo ông Dũng, cát biển nếu khai thác đúng luồng lạch sẽ hạn chế sạt lở bờ biển, cát tại các cồn ở biển có ít tạp chất hữu cơ.
Nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những vết nứt tạm thời, có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, khi xử lý được thì loại cát ra được cũng như cát sông. Thậm chí một số nhà khoa học có những nghiên cứu cho thấy cát biển còn tốt hơn cát sông.
"Hệ thống thiết bị mà chúng tôi đang làm đã loại bỏ hết muối, chất lượng được bảo đảm. Thiết bị có thể cho sản xuất lượng cát đáp ứng công trình với khối lượng 1.000 - 2.000 m3, thậm chí 5.000 -10.000 m3. Thành phẩm sau khi qua thiết bị chúng tôi đảm bảo được tiêu chuẩn của Mỹ. Chúng tôi đã nghiên cứu, phân tích, nếu đưa được cát biển vào xây dựng, san lấp thì còn rẻ hơn cát sông, có thể giảm trên 100.000 đồng/m3, trong khi khai thác cát sông nhiều gây sạt lở" - ông Dũng khẳng định.
Theo các chuyên gia, tình trạng khai thác cát trái phép quá mức và thiếu kiểm soát ở nhiều nơi thời gian qua không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho Nhà nước mà đang trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy kép. Việc khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định gây tác động rất lớn đến hệ thống sông ngòi. Ở nhiều dòng sông, mực nước đã và đang có xu hướng hạ thấp mà một trong những nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi gây xói mòn lòng sông và xói lở bờ bãi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ Y tế đã trình cơ chế tháo gỡ nhằm bảo đàm nguồn cung thuốc hiếm | SKĐS