Giải pháp nào cho người mất ngủ?

21-05-2015 20:03 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngủ không ngon giấc, giấc ngủ không sâu, ngủ dậy thấy mệt hơn chưa ngủ được gọi là tình trạng mất ngủ… Mất ngủ trở thành bệnh lý nếu tình trạng trên xảy ra hơn 3 lần trong tuần và nếu cứ thế kéo dài hơn một tháng.

(SKDS) - Ai cũng hiểu trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng, nếu đêm nào cũng ngủ ngon mới là chuyện lạ. Điều đáng nói ở đây là nhiều người đang là nạn nhân của tình trạng tuy không khó ngủ (thậm chí dễ ngủ vì mệt nhoài sau ngày dài căng thẳng với công việc) nhưng chưa quá nửa đêm thì thức giấc rồi trăn trở đến sáng dẫn tới hậu quả rất mệt mỏi khi thức dậy...

Ngủ không ngon giấc, giấc ngủ không sâu, ngủ dậy thấy mệt hơn chưa ngủ được gọi là tình trạng mất ngủMất ngủ trở thành bệnh lý nếu tình trạng trên xảy ra hơn 3 lần trong tuần và nếu cứ thế kéo dài hơn một tháng. Tiêu chí này sở dĩ được định nghĩa rõ ràng như thế để nếu ai đó mà “gặp hạn thao thức” thì nên nhanh chân tìm đến thầy thuốc chứ không nên tự ý tìm đến thuốc.
Mất ngủ thứ phát có thể xuất phát từ bệnh lý tim mạch.
Mất ngủ có nhiều nguyên nhân. Đối với các trường hợp vì tìm không ra nguyên nhân nên thầy thuốc đành đặt tên là mất ngủ tiên phát, còn mất ngủ của người trước đó thường yên giấc nồng nay lại trăn trở thâu canh thường là hậu quả của một căn bệnh nào khác như trầm uất, bệnh tim, bệnh thận, và nhất là do stress... gọi là mất ngủ thứ phát. Tuy nhiên, mất ngủ không hẳn lúc nào cũng phải có bệnh.
 
Trong nhiều trường hợp, mất ngủ chỉ là hậu quả rất bình thường trong một giai đoạn của đời người. Đó là giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ và mãn dục ở nam giới. Nói cách khác, nhiều người bị mất ngủ không hẳn vì bệnh nào nghiêm trọng mà chỉ vì sự thay đổi của nội tiết tố trước khi các tuyến nội tiết “về hưu”.

Dưới ảnh hưởng của tình trạng dao động rồi đi dần đến thiếu hụt nội tiết tố giới tính, chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể bỗng chạy loạn nhịp khiến bộ não ghi nhận đêm dài chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ. Hậu quả là nạn nhân bị đánh thức lúc nửa đêm vì hệ thần kinh diễn dịch sai là trời đã sáng dù gà vẫn chưa gáy. Éo le chính ở điểm không dễ ngủ lại một khi đã bị thức giấc.

Đương nhiên có thể dùng thuốc ngủ nếu bị mất ngủ và người bệnh sẽ phải đối mặt với những hệ lụy do dùng thuốc, nhất là lạm dụng thuốc như lệ thuộc thuốc. Dựa vào nhiều công trình nghiên cứu đáng tin cậy trong thời gian gần đây đã báo động người bị mất ngủ dùng thuốc an thần quá phổ biến mà không biết đến những tác dụng phụ về rối loạn tâm thần do thuốc gây ra. Đây cũng là đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não.

Một điều đáng lưu ý là khi chữa mất ngủ không được quên vai trò của nội tiết tố. Thay vì chạy ngay đến thầy thuốc ngành thần kinh (với định kiến mất ngủ vì thần kinh đau yếu), nhiều nạn nhân của tình trạng rối loạn giấc ngủ nên gõ cửa nhà điều trị chuyên về nội tiết tố.
 
Theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Hamburg, không mấy khó để điều trị chứng mất ngủ do thay đổi nội tiết. Người bệnh phải kiên nhẫn theo đuổi liệu pháp vài tuần thay vì mua giấc ngủ một cách gượng ép bằng thuốc an thần.
 
Có một điều chắc chắn là cho dù vì bất cứ nguyên nhân nào gây mất ngủ, thuốc ngủ không thể là giải pháp lâu dài.
BS. Lương Lễ Hoàng
(Trung tâm Điều trị ôxy cao áp, TP.HCM)

Ý kiến của bạn