Những thách thức khi điều trị đồng nhiễm HIV/HVC
Viêm gan C nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng virus, nhưng nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đối với bệnh nhân tuân thủ điều trị và đáp ứng thuốc tốt thì thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn khoảng 3 tháng. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia cần tăng cường điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV để duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV.
Tuy nhiên, theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch hội Gan mật Việt Nam - nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, viêm gan C có diễn tiến âm thầm. Ở giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng gì đặc biệt, đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng mới có các hiểu hiện cụ thể.
Thông thường, sau khi virus viêm gan C xâm nhập vào cơ thể, sẽ ủ bệnh khoảng 12 - 40 ngày. Sau đó nhân lên nhanh chóng và phá hủy tế bào gan. Những người nhiễm HIV sẽ làm tăng nhanh quá trình tiến triển đến xơ gan so hơn so với người không nhiễm HIV. Ngay cả ở những người đã được điều trị bằng thuốc ARV và có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan do HCV vẫn cao hơn ở người không nhiễm HIV, vì vậy khó khăn trong điều trị đồng nhiễm HIV/HCV là cấp số nhân.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể nhờ việc mở rộng điều trị thuốc ARV, nhưng tỷ lệ tử vong ở nhóm người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C không giảm, do người bệnh gặp nhiều rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C.
Từ năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn xét nghiệm viêm gan C để cán bộ y tế ở tuyến huyện có thể thực hiện sàng lọc, xét nghiệm viêm gan C. Các hướng dẫn điều trị cũng liên tục được cập nhật, trong đó có phần hướng dẫn chẩn đoán điều trị đồng nhiễm HIV/HCV.
Tuy nhiên, đến nay phần lớn xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên, trong khí giá thành điều trị viêm gan C ở Việt Nam còn cao và bảo hiểm y tế chỉ thanh toán cho các trường hợp điều trị viêm gan C từ tuyến tỉnh trở lên.
Đây là rào cản rất lớn đối với người bệnh đồng nhiễm HIV/HCV. Do phần lớn những bệnh nhân này có điều kiện kinh tế khó khăn và đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện. Vì thế vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa tiếp cận được với điều trị viêm gan C do bảo hiểm y tế chi trả. Những rào cản này là những khó khăn cho nhiều bệnh nhân trong việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán và điều trị đồng nhiễm HIV/HCV.
Đề xuất giảm thiểu gánh nặng kép đồng nhiễm HIV/HCV
Hiện nay chưa có vaccine để phòng chống HIV/HCV nên cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh là tránh các hành vi nguy cơ lây nhiễm bệnh và thực hiện xét nghiệm viêm gan C định kỳ mỗi năm 1 lần để phát hiện sớm căn bệnh này.
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/HCV và đề xuất đưa điều trị đồng nhiễm HIV/HCV vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả ở tuyến quận, huyện.
Trong những năm gần đây, chi phí thuốc điều trị viêm gan C đã bắt đầu được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với tỉ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%. Từ năm 2021, thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ sofosbuvir và daclatasvi cũng được Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét hỗ trợ. Theo đó đã triển khai điều trị cho khoảng hơn 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/HCV của 32 tỉnh/thành trên cả nước. Người bệnh đồng nhiễm HIV/HCV được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.
Bên cạnh đó, người bệnh đồng nhiễm HIV/HCV sẽ được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.
Mời độc giả xem thêm video:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm tuổi thanh thiếu niên.