Hà Nội

Giải pháp nào cho bãi đỗ xe không phép?

30-09-2019 10:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Hình ảnh bãi xe không phép tồn tại ngang nhiên không phải là mới ở một số thành phố lớn trong đó có Hà Nội.

Nó diễn ra ngày này qua tháng khác và không thể kiểm soát. Phải chăng là lợi nhuận quá lớn từ những bãi xe kiểu này đang khiến chủ các bãi xe bất chấp các quy định của pháp luật

Việc thiếu bãi đỗ xe trên địa bàn một số thành phố đã dẫn đến hình thành hàng loạt bãi trông giữ xe tự phát. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, cần được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chấn chỉnh. Mặc dù việc hình thành các bãi giữ xe tự phát phần nào đáp ứng nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các bãi trông giữ xe này cũng cần được kiểm soát chặt chẽ.

Thật không khó để tìm thấy một bãi trông giữ xe tự phát ở bất cứ một quận nội thành nào tại Hà Nội. Và câu hỏi mà rất nhiều người dân Thủ đô đã từng hỏi các cơ quan chức năng trong rất nhiều năm qua là những bãi đỗ xe vi phạm theo kiểu này không hiểu vì lý do gì vẫn cứ tồn tại?

Những bãi xe tự phát này thường thu tiền cao quá giá quy định; biến vỉa hè, lòng đường thành bãi trông xe... đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng việc xử lý như cóc bỏ đĩa, vi phạm vẫn tái diễn.

Hiện nay, tồn tại hai hình thức trông xe sai phép, một loại chỉ hoạt động những ngày nghỉ lễ, cuối tuần và loại thường xuyên hoạt động. Đơn cử, tại các điểm trông giữ xe tự phát chỉ hoạt động vào ngày nghỉ lễ như 30/4, 1/5 vừa qua - xuất hiện nhiều ở khu vực công viên, trung tâm thương mại, phố đi bộ... chuyện khách hàng bị “chặt chém” diễn ra phổ biến. Tại khu vực trước cổng Công viên Thủ Lệ (quận Cầu Giấy) như đầu đường Bưởi, Đào Tấn, Kim Mã đều có các điểm trông giữ xe tự phát do người dân tự căng dây hoặc trông tại trước cửa nhà. Nhiều người vì không còn chỗ gửi xe nên phải gửi vào bãi tự phát có giá 15 nghìn đồng/xe máy, biết là đắt nhưng không gửi thì không biết gửi xe ở đâu. Tương tự, quanh không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các điểm trông xe không phép ở phố Cầu Gỗ, hay phố Hàng Dầu mặc dù không căng dây, không chỉ dẫn, vé xe nhàu nát... nhưng vẫn thu của khách 20 nghìn đồng/xe máy. Lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý bãi đỗ xe này và lập biên bản xử phạt hành chính. Thế nhưng cứ sau mỗi lần bị xử lý, ngày hôm sau bãi đỗ xe lại hoạt động như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Không chỉ xuất hiện xung quanh các điểm vui chơi, các bãi xe tự phát còn mọc lên như nấm xung quanh các công trường xây dựng hay những dự án chưa thi công, quanh các tòa nhà cao tầng. Nhiều tòa nhà cao tầng ở quận Thanh Xuân, do nhu cầu trông giữ xe lớn. bản thân tòa nhà không đáp ứng được nên bãi giữ xe này sử dụng luôn phần diện tích vỉa hè dành cho người đi bộ để dựng xe thành những hàng dài và phát vé thu tiền.

Còn về phía các chuyên gia giao thông, bãi xe tự phát trở nên không thể kiểm soát được là do sự yếu kém trong vấn đề quản lý quy hoạch và xây dựng mạng lưới giao thông tĩnh trong hàng chục năm qua tại Hà Nội. Có cầu thì có cung, thậm chí ở chiều ngược lại, trong thời gian qua, có nơi như khu chung cư HH Tây Nam Linh Đàm (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) là điểm “nóng” khi người dân tập trung phản ứng việc bãi giữ xe tự phát tại đây bị đóng cửa. Khu chung cư Linh Đàm có cả vạn người dân sinh sống nhưng chỉ có một tầng hầm để xe máy, toàn bộ khu không có điểm đỗ ôtô. Một số doanh nghiệp tư nhân sau khi thỏa thuận với chủ sở hữu đã tận dụng các bãi đất trống của dự án chưa triển khai để cải tạo làm nơi đỗ xe có thu phí phục vụ người dân trong vùng. Bãi xe không đủ tiêu chuẩn trông giữ xe, không được Sở Giao thông Vận tải cấp phép nên bị xóa bỏ.

Hiện Hà Nội có gần 800 nghìn ôtô, 6 triệu xe máy với 13 đơn vị được cấp phép trông giữ xe nhưng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu người dân... nghĩa là 90% còn lại phải dựa vào các bãi đỗ xe không phép và người dân tự giải quyết. Trong khi tốc độ tăng trưởng của ô tô là gần 11%/ năm, còn quỹ đất dành cho giao thông tĩnh tăng không đến 1%/ năm. Theo các kiến trúc sư, mặc dù bãi đỗ xe tại Hà Nội mới đáp ứng 8-10% nhu cầu, tuy nhiên, nhiều chỗ được quy hoạch làm bãi đỗ thì chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích. Những chỗ không được phép trông coi như gầm cầu, vỉa hè, đất dự án khác thì lại ngang nhiên bị biến thành bãi đỗ. Trong khi đó, hàng loạt dự án bãi đỗ ngầm, nổi thì lại bị đắp chiếu cả chục năm nay. Phần lớn không gian đô thị bị sử dụng sai mục đích: vỉa hè, lòng đường, công viên, công sở, trường học, không gian công cộng hay tất cả phần còn lại của thành phố thành nơi đỗ xe. Đây là tài sản công nhưng bị chiếm dụng, dùng riêng và không đóng góp trở lại chi phí đầu tư.

Ngành xây dựng, quy hoạch kiến trúc đô thị thì chưa xác định quá trình phát triển đô thị là tạo không gian hoạt đông thuận lợi, công bằng cho hoạt động của chuỗi kinh tế đa ngành, có tính tương tác cao... nên các tài liệu quản trị đô thị vẫn thô sơ, chỉ nặng về vẽ vời, dễ dàng thay đổi/thỏa hiệp các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong các hồ sơ nhằm có lợi cho phát triển bất động sản tư nhân trong điều kiện hạ tầng công cộng thiếu hụt, chất lượng không gian đô thị và môi trường sống suy giảm.

Như vậy, có thể thấy hạ tầng giao thông luôn hụt hơi và không thể bắt kịp tốc độ phát triển phương tiện. Vậy thì thật dễ hiểu vì sao bãi đỗ xe không phép vẫn tồn tại... Đơn giản vì nó đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.


Lê Thủy
Ý kiến của bạn