Giải pháp nào cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện?

03-11-2017 07:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện càng được dư luận quan tâm khi Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện ưu tiên số một cho phong trào vệ sinh bệnh viện.

Người đứng đầu ngành y tế đã đưa ra lời “tuyên chiến” với nhà vệ sinh bệnh viện tại cuộc hội nghị “Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện” các tỉnh phía Bắc hồi tháng 6/2016.

Những vấn đề gây bức xúc của nhà vệ sinh trong bệnh viện

Mùi hôi thối, nhà vệ sinh bị tắc nên phân không thoát được, phân và nước tiểu tràn ra ngoài, nền nhà ướt nước, bẩn thỉu, giấy vệ sinh thiếu hoặc vứt lung tung, không có nước dội, không có xà phòng rửa tay, cửa nhà vệ sinh bị gãy, mục nát, tường bị bôi bẩn, ruồi nhặng nhiều...

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do:

Thiếu về số lượng do quá tải bệnh nhân so với thiết kế ban đầu;

Kém về chất lượng do xây dựng, kiểu nhà vệ sinh không phù hợp với điều kiện, phong tục địa phương, do chất lượng sản phẩm vệ sinh;

Bị hư hỏng do người sử dụng chưa có ý thức hoặc cố tình phá hoại;

Không có người dọn vệ sinh hoặc dọn không sạch, không chuyên nghiệp;

Xây nhà vệ sinh tự hoại nhưng không cấp đủ nước dội.Nhà vệ sinh cho người khuyết tật tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Nhà vệ sinh cho người khuyết tật tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Các công văn đã được ban hành để xây dựng “Bệnh viện vệ sinh”

Ngành y tế đã phát động phong trào bệnh viện vệ sinh với các nội dung cơ bản như tăng cường tuân thủ vệ sinh tay; tăng cường cải tạo, xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh để bảo đảm người bệnh được chăm sóc an toàn, tiện nghi thoải mái khi tới khám và điều trị tại bệnh viện. Công văn Số 288/KCB-ĐD ngày 25/3/2015 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh về thực hiện phong trào “Bệnh viện vệ sinh”. Theo đó, để bảo đảm cho người bệnh, nhân viên y tế được khám bệnh, chữa bệnh trong một môi trường bệnh viện tiện nghi, vệ sinh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh, ngày 26/12/2014 Bộ Y tế đã phát động phong trào “Bệnh viện vệ sinh”. Nhằm thực hiện tốt phong trào này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tốt các nội dung:

Xây dựng kế hoạch và phát động phong trào “Bệnh viện vệ sinh” tại đơn vị;

Triển khai đánh giá “Bệnh viện vệ sinh” theo các tiêu chí gửi kèm Công văn;

Trong bảng Nội dung tiêu chí “Bệnh viện vệ sinh” kèm theo Công văn 288/KCB-ĐD khi đánh giá nhà vệ sinh có các tiêu chí đánh giá cụ thể: Có nhân viên làm vệ sinh theo quy trình và lịch do bệnh viện quy định, ghi nhật ký thời gian làm vệ sinh và ký tên theo quy định của bệnh viện. Buồng vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh cho người bệnh sử dụng. Buồng vệ sinh có bồn rửa tay có nước sạch, thường xuyên có xà phòng, khăn lau tay. Buồng vệ sinh có đủ ánh sáng (có đèn điện chiếu sáng). Buồng vệ sinh có quạt hút mùi hoặc thông khí tự nhiên. Nền nhà buồng vệ sinh luôn khô, sạch và không có mùi hôi. Điểm thưởng cho: Có nhà vệ sinh cho người tàn tật ở nơi cần thiết. Điểm trừ cho: Thực hiện thu phí vệ sinh tại bệnh viện.

Như vậy chúng ta thấy rằng về mặt văn bản tiêu chuẩn và văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về chất lượng nhà vệ sinh trong bệnh viện về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện các tiêu chí và quy định của Bộ Y tế ở nhiều bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ y tế và dư luận không tốt về chất lượng bệnh viện.

Cần một chiến lược ngắn và dài hạn

Để xây dựng một Bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế thì chúng ta cần có một chiến lược bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn.

Cần có một kế hoạch cụ thể để triển khai công tác tăng cường chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện. Kế hoạch này phải do lãnh đạo Bộ Y tế ban hành, có cử đơn vị chuyên trách theo dõi. Bộ phận chuyên trách có thể lồng ghép vào Văn phòng Phong trào Vệ sinh yêu nước đặt tại Cục Quản lý môi trường y tế.

Có sự phối hợp các đơn vị quản lý, thực hiện và giám sát. Có thể giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra vệ sinh bệnh viện cho các Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Viện Pasteur Nha Trang phụ trách các tỉnh duyên hải miền Trung từ Ninh Thuận đến Quảng Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phụ trách các tỉnh Tây Nguyên và Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh phụ trách các tỉnh phía Nam. Các Viện sẽ cùng nhau thiết kế một thang điểm cụ thể để hướng dẫn các bệnh viện tự chấm điểm và cho Viện đi kiểm tra. Thang điểm phải được thông qua Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế và phổ biến đến tất cả các bệnh viện.

Tăng cường công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật. Công tác vệ sinh bệnh viện định kỳ cần được tổ chức kiểm điểm đánh giá. Các bệnh viện làm tốt cần nêu gương điển hình. Cấu phần vệ sinh trong bảng đánh giá chất lượng bệnh viện cần tăng lên mức điểm cao hơn. Các bệnh viện có nhà vệ sinh bẩn, kém chất lượng cũng cần được phê bình.


PGS.TS. Nguyễn Huy Nga
Ý kiến của bạn