1/3 số ngày trong năm có chất lượng không khí kém và xấu
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến 2035 để ứng phó tình trạng "chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí trung bình năm tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3). Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí kém và xấu chiếm 30,5%, một số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu.
Báo cáo chỉ ra giai đoạn 2019-2020, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Trong đó, nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì).
Nồng độ PM 2.5 trong mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng và khí quyển không ổn định, làm hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm. Vào mùa hè, chất lượng không khí thường có xu hướng tốt hơn khi mưa cuốn trôi ô nhiễm không khí và gió đông nam (từ Biển Đông) có khả năng vận chuyển, khuếch tán chất ô nhiễm cao.
Đến nay, Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới cho thấy bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống), PM 10 (10 micron trở xuống) có nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường. Trong đó, nguồn giao thông chiếm 66,3% đối với PM 2.5 và hơn 54% đối với PM 10.
Ngoài ra, đốt rơm rạ ngoài trời và hoạt động công nghiệp cũng được xác định là nguồn phát thải lớn hai loại bụi này. Thành phố đang phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, chủ yếu do bụi PM 2.5, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế. Trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện.
Báo cáo cũng chỉ ra giai đoạn 2011-2015 chi phí khám, chữa bệnh hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm đối với dân cư nội thành là hơn 1.500 đồng mỗi người một ngày, tương đương 2.000 tỷ đồng một năm với 3,5 triệu dân nội thành.
Theo Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi PM2.5 gây ra đang ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế cho người dân thủ đô. Bên cạnh các gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn gây ra các thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám chữa bệnh, chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của người bệnh và người chăm sóc.
Trrong suốt mùa đông năm nay (từ tháng 10/2023 đến nay), Hà Nội nhiều lần được AirVisual ghi nhận là thành phố ô nhiễm. Kết quả về mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội do Air Visual công bố tương đồng với kết quả quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các hệ thống quan trắc độc lập như PAM Air, đại sứ quán Mỹ.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay cho đến mùa mưa (khoảng tháng 5), Hà Nội có thể tiếp tục đối mặt với các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thường tập trung vào thời kỳ không khí lạnh suy yếu, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra khiến chất ô nhiễm không phát tán được.
Giải pháp cải thiện chất lượng không khí
Hà Nội đặt mục tiêu kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát, cảnh báo chất lượng không khí để cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động đến kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, thành phố phấn đấu đến năm 2030, 75%-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình.
Theo chuyên gia tư vấn môi trường Đào Nhật Đình, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài từ năm 1998 đến nay. Dù chính quyền Hà Nội đã dời các nhà máy như điện Yên Phụ, thuốc lá Thăng Long, cao su Sao Vàng ra khỏi nội ô, đồng thời chuyển tiêu chuẩn khí thải ôtô từ Euro 0 lên Euro 4, xăng đang chuyển từ dùng xăng có chì sang dùng xăng không chì, đường phố đã sạch hơn..., tóm lại Hà Nội đã làm được nhiều việc để cải thiện môi trường nhưng ô nhiễm không khí không giảm.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, để cải thiện chất lượng không khí, trước hết, chúng ta phải có số liệu đầy đủ và cập nhật về khí thải của các cơ sở sản xuất để nắm được ngành nào, cơ sở nào, ở đâu, mức độ, nguyên nhân ô nhiễm để có giải pháp. Qua đó công khai trách nhiệm của các bên trong việc để xảy ra ô nhiễm.
Với nguồn giao thông, không nên chần chừ việc kiểm soát khí thải xe máy chạy xăng ở thành phố lớn, thí điểm ngay cơ chế hạn chế phương tiện giao thông chạy xăng, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy điện. Kết hợp với các thiết bị kỹ thuật số như camera thông minh, phương pháp xử lý và dự báo bằng trí tuệ nhân tạo để biết lượng phát thải từ phương tiện tham gia giao thông, sự chuyển biến trong việc áp dụng các chính sách, biện pháp quản lý kỹ thuật để tiếp tục tìm ra chính sách phù hợp, hiệu quả hơn.
Trong xây dựng, các đơn vị thi công nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng cần lắp camera truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý để theo dõi biện pháp chống bụi theo quy định.
Để giảm thiểu việc đốt rơm rạ, cần có cơ chế hỗ trợ bà con nông dân ngay từ khi trồng cho đến khi thu gom, xử lý, coi đó là trách nhiệm của chính quyền các cấp (hỗ trợ kinh phí, chế phẩm sinh học, cung cấp thông tin, tạo thị trường mua bán rơm rạ và các sản phẩm từ rơm rạ…).
Để hạn chế đốt rác tự nhiên, cần có hệ thống quản lý việc thu gom vận chuyển để nắm được số lượng rác các loại, nơi đổ rác, nơi trung chuyển, vận chuyển rác hàng ngày; chia sẻ trao đổi giữa người dân, chính quyền cấp xã phường và đơn vị thu gom vận chuyển rác.
Đặc biệt cần thay đổi tư duy, từ chỗ chung chung dàn trải nặng về tiền kiểm sang hậu kiểm, trách nhiệm cụ thể rõ ràng của các chủ thể (doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người dân), tập trung nguồn lực, chính sách biện pháp giải quyết nhanh, kịp thời và hiệu quả ô nhiễm, dự báo được những xu hướng ô nhiễm để có các biện pháp ngăn ngừa.
Cụ thể, cần có các cơ quan chuyên môn quản lý chất lượng không khí ở cấp Bộ và một số tỉnh/thành. Một số thủ tục như đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường cần được phân cấp và cải tiến đơn giản mạnh mẽ theo hướng đơn giản cụ thể với từng loại ngành, mạnh dạn chuyển sang hậu kiểm theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hệ thống quan trắc chất lượng không khí xung quanh cần được ưu tiên đầu tư để nắm rõ hiện trạng và dự báo chất lượng không khí.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc không khí để có biện pháp chủ động giảm thiểu thiệt hại. Với những ngày ô nhiễm không khí từ ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế vận động tập thể dục, lao động ngoài trời.