Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, đã ứng dụng thành công phương pháp mới điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống thắt lưng, đau thần kinh tọa... cho nhiều trường hợp bằng thiết bị silicon (DIAM) giúp cột sống vững chắc, tránh cho bệnh nhân khỏi bị liệt, gù, hết đau và cử động bình thường. Đây là một phương pháp tiên tiến, hiện đang áp dụng nhiều ở các nước trên thế giới như: Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á... Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật này.
TS. Thạch cho biết các bệnh lý cột sống nếu được phát hiện sớm bệnh có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc kết hợp các bài tập phục hồi chức năng, điều chỉnh những thói quen trong sinh hoạt ảnh hưởng đến bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân bị bệnh thường cố gắng chịu đựng, chỉ khi không thể chịu nổi họ mới tìm đến bệnh viện, khi đó bệnh đã nặng, có thể đã xuất hiện nhiều biến chứng. Việc điều trị nội khoa lúc này không đạt hiệu quả mà phải tính đến giải pháp can thiệp bằng phẫu thuật. Thành công của phương pháp điều trị mới này hy vọng sẽ là một giải pháp tốt cho nhiều người bệnh.
Sau nhiều năm sống chung với chứng đau lưng và đau bại một bên chân, bệnh nhân Ngô Thanh V., 54 tuổi (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) chạy chữa nhiều phương pháp nhưng chẳng đỡ được là bao. Gần đây, bệnh nhân đau nhiều và khó khăn trong việc đi lại. Kết quả chiếu chụp cho thấy bệnh nhân bị hẹp ống sống L4-L5 và hẹp thân đốt sống L3 bị phù nề. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức quyết định dùng phương pháp cố định động cột sống liên gai sau bằng thiết bị silicon (còn gọi là DIAM) để xử trí những đau đớn cho bệnh nhân V. Chỉ sau vài ngày đặt DIAM, bệnh nhân đã giảm đau rất nhiều và đi lại được.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống cho biết, trước đây đối với các trường hợp này thường được mổ mở giải hẹp, rồi nẹp vít để cố định cột sống. Tuy bệnh nhân cũng hết đau nhưng nẹp vít lại khiến bệnh nhân rất khó cử động, chỉ có ưỡn mà không thể gập được người. Hơn nữa, qua thời gian có thể mòn và gãy dễ gây tai biến, còn các trường hợp bị xẹp do loãng xương hoặc vừa loãng xương vừa chấn thương do thoát vị đĩa đệm... thì phải sống chung với đau đớn suốt phần đời còn lại do xương của bệnh nhân giòn, dễ vỡ. Còn DIAM là loại dụng cụ được đưa vào khe giữa hai mỏm gai sau đốt sống thắt lưng nhằm làm giãn và cố định động 2 đốt sống. Ưu điểm của phương pháp này không những cố định được cột sống và giải ép các nguyên nhân chèn ép thần kinh mà còn đảm bảo độ mềm dẻo của cột sống, giúp bệnh nhân cúi và ưỡn thoải mái. Đặc biệt, DIAM còn có tác dụng hữu hiệu khi phối hợp với vít cố định cột sống hoặc trên các bệnh nhân bị lấy nhân đĩa đệm... giúp bệnh nhân khỏi bị xẹp đĩa đệm, làm chậm quá trình thoái hoá diện khớp và đĩa đệm liền kề chỗ cố định. Với phương pháp này, bệnh nhân hầu như không còn cảm thấy đau, rất ít biến chứng, có thể đi lại sau 1 - 2 ngày phẫu thuật.
Theo TS. Thạch, phương pháp này ít gây tai biến cho bệnh nhân vì silicon tương thích với cơ thể con người, có độ đàn hồi tốt nên hiếm khi gây ra các biến chứng như tuột hoặc đứt.... Hơn nữa, đây là dạng phẫu thuật can thiệp tối thiểu không đụng chạm trực tiếp đến cấu trúc thần kinh vào rễ thần kinh tủy sống nên không gây ảnh hưởng đến chức năng quan trọng của vùng cột sống và phần mềm ít bị phá huỷ. Tuy nhiên, theo TS. Thạch, không phải ai cũng thực hiện được kỹ thuật này. Để tiến hành, cần phải có phẫu thuật viên chuyên khoa, được đào tạo bài bản. Kỹ thuật này không áp dụng được đối với các bệnh nhân bị trượt đốt sống mất vững, gãy đốt sống, khuyết hở eo đốt sống, vẹo cột sống bẩm sinh, khối u vùng cột sống. Trong 1 - 2 tháng đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân cần làm việc nhẹ nhàng, không mang vác nặng.
Phẫu thuật cố định cột sống ở BV Việt Đức. |
Các bệnh lý cột sống đang ngày càng trở nên phổ biến
Các chuyên gia về cột sống cho hay, các bệnh lý liên quan đến cột sống rất phổ biến, đặc biệt là người luống tuổi, bị loãng xương gây hẹp ống sống. Ống sống là khoang rỗng của đốt sống, trong đó có tuỷ sống và các rễ thần kinh. Nếu ống sống bị hẹp sẽ chèn ép rễ tủy sống và các rễ thần kinh tương ứng gây ra nhiều biến chứng. Chẳng hạn hẹp ống sống thắt lưng sẽ gây đau lưng và đau dây thần kinh hông to lan xuống cả hai chân gây phản ứng dị cảm, đôi khi liệt cơ và rối loạn cơ tròn... Trong khi đó, có rất nhiều nguyên nhân gây hẹp ống sống thắt lưng như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống bẩm sinh, loạn dưỡng sụn, dị dạng đốt sống, hẹp ống sống nguyên phát, quá ưỡn cột sống thắt lưng, gai đôi cột sống, trượt đốt sống, hẹp ống sống sau chấn thương, biến đổi thoái hoá... Ngoài ra, hẹp ống sống có thể do xương (cung, thân đốt sống), cũng có thể do tổ chức mềm gây nên (đĩa đệm, tổ chức liên kết). Tùy theo nguyên nhân, hẹp ống sống có thể ở từng đoạn hay cả toàn bộ ống sống. Khi bị hẹp ống sống thắt lưng, bệnh nhân thường đau lưng, đau dây thần kinh hông to trong nhiều năm và đã điều trị nhiều không khỏi. Đau đa dạng, trải qua đau mạn tính lan sang 2 bên đùi, xuống chân, gây liệt. Hơn nữa, trong quá trình bị bệnh duỗi cột sống quá sẽ gây đau nên bệnh nhân có tư thế đi hơi ngả người về phía trước và xảy ra hiện tượng gù... Các tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến sự vận động của các bệnh nhân mà liệt và gù còn là gánh năng cho gia đình và xã hội.
Bài và ảnh: Hà Anh