Giải pháp khả thi trong triển khai hệ thống bác sĩ gia đình

12-11-2017 16:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bài toán triển khai hệ thống y học gia đình để chăm sóc sức khỏe toàn diện, suốt đời cho người dân, nâng cao tuổi thọ và giảm nhập viện, và đâu là giải pháp?

Các chuyên gia từ Vương quốc Bỉ chia sẻ kinh nghiệm tối ưu hóa vai trò của bác sĩ gia đình trong phối hợp làm việc nhóm đẩy lùi các bệnh mạn tính

Hội thảo về “Phát triển y học gia đình tại Việt Nam, Tối ưu hóa làm việc nhóm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu” vừa mới diễn ra tại Đại học Y dược Hải Phòng vào ngày 9-10/11 với sự phối hợp của Wallonie-Bruxelles và Đại học Liege, Bỉ. Hội thảo có sự góp mặt của PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ Trưởng Bộ Y tế và bà Anne Lange, Trưởng phái đoàn Wallonie-Bruxelles. Tham dự hội thảo còn có đại diện các sở y tế Hải Phòng, Lai Châu, Lào Cai; GS.Didier Giet từ Vương quốc Bỉ, TS.Jeffrey Markuns từ ĐH Boston; đại diện các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Huế,  ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Thái Nguyên....

Hội thảo đã cập nhật về phát triển và đào tạo trong y học gia đình, trình bày và tổng kết các ca lâm sàng,... Hai chủ đề chính được thảo luận là “Phát triển Y học gia đình (YHGĐ) tại Việt Nam” và “Tối ưu hóa làm việc nhóm trong chăm sóc bệnh mạn tính”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Trưởng phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại hội thảo y học gia đình

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Trưởng phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại hội thảo “Phát triển y học gia đình tại Việt Nam, Tối ưu hóa làm việc nhóm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu”

Với chủ đề “Phát triển YHGĐ tại Việt Nam, các đại biểu đã bàn bạc để đưa ra các giải pháp khả thi về một số khó khăn và thách thức chính khi triển khai mạng lưới YHGĐ không những ở những thành phố lớn mà còn ở những vùng nông thôn, miền núi. Các chuyên gia từ Bỉ đã chia sẻ kinh nghiệm thông qua giải quyết một ca bệnh mẫu về vấn đề tối ưu hóa làm việc nhóm trong chăm sóc bệnh nhân, phối hợp BSGĐ, điều dưỡng viên, phục hồi chức năng, tư vấn tâm lý và dược sĩ,...Để phát triển mô hình chăm sóc nhóm đòi hỏi phải có những qui chế về phối hợp điều phối, qui chế phân chia tài chính, sự giám sát và chi trả của BHYT với các hoạt động thăm khám tại nhà…

Bài toán nhân lực làm việc trong hệ thống bác sĩ gia đình (BSGĐ)

Theo số liệu thống kê của cục QLKCB tại hội nghị sơ kết Đề án thí điểm Bác sĩ gia đình – BSGĐ (giai đoạn 2013-2015) và xây dựng Đề án nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, hiện đã có khoảng 700 BSGĐ; cả nước hiện cũng có 240 phòng khám BSGĐ, khám hơn 800 ngàn lượt bệnh nhân, 3.800 lượt cấp cứu, 12 ngàn lượt thủ thuật, chuyển tuyến hơn 14 ngàn lượt, đến khám tại nhà hơn 3.000 lượt... Nhìn chung, so với nhu cầu người bệnh, lượng khám chữa bệnh tại các phòng khám BSGĐ còn rất thấp. Để giải quyết khó khăn này đòi hỏi phải giải quyết 2 vấn đề lớn đó là đẩy mạnh công tác đào tạo BS YHGĐ tại các Trường đại học Y đã có bộ môn YHGĐ song song với việc tuyên truyền thu hút các BS đang hoạt động tại các phòng khám tư nhân đồng ý triển khai khám chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ.

Bài toán về trình độ BS tuyến đầu

Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện chúng ta có khoảng 12 ngàn trạm Y tế phủ khắp các địa phương do đa phần là BSĐK hệ 4 năm, thậm chí có nơi vẫn do y sĩ đảm nhiệm cộng với trang thiết bị thiếu thốn. Điều này dẫn tới chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến đầu là không cao; không đáp ứng được nhu cầu của người dân khiến cho người bệnh thường lên tuyến trên khám chữa bệnh và kiểm tra sức khỏe; họ chỉ đến trạm để lĩnh thuốc…

Thu hút bác sĩ về với thôn bản

Thu hút bác sĩ về với thôn bản

Vậy câu hỏi đặt ra là phải có chính sách làm thế nào để thu hút BS được đào tạo bài bản, bác sĩ mới ra trường về nông thôn và vùng sâu, vùng xa làm về YHGĐ đồng thời nâng cao tay nghề thông qua đào tạo liên tục cho tuyến dưới. Trước mắt BYT đã có giải pháp ưu đãi đối với BS Nội trú về tuyến huyện làm việc bên cạnh việc khuyến khích các BS Trạm YT tham gia các lớp đào tạo 3 tháng–6 tháng về YHGĐ. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có giải pháp bền vững hơn.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc ở các làng bản miền núi

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc ở các làng bản miền núi

Đại diện của Lào Cai đã trình bày về công tác phát triển y học gia đình tại huyện Sa Pa, Lào Cai, trong đó kiến nghị, để phát triển tốt mô hình Bác sĩ gia đình tại tuyến huyện cần phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, triển khai đồng bộ, tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các bác sĩ về Trạm y tế xã làm việc. Nếu chỉ triển khai thêm mô hình BSGĐ cho các Trạm y tế xã mà không tính toán xem bác sĩ ở đây sẽ làm việc đó như thế nào, chỉ đơn thuần là giao thêm việc thì đối với bác sĩ thực hiện sẽ thêm một gánh nặng mà mức lương giữ nguyên thì không thể khuyến khích được bác sĩ làm việc tốt được.

Giải pháp chăm sóc ngoại viện & giám sát phòng khám BSGĐ

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã trình bày về Giải pháp chăm sóc ngoại viện-Vai trò của BSGĐ trong tối ưu hóa làm việc nhóm. Trong đó, tăng kinh phí cho y tế cơ sở (trạm y tế phường xã), Chương trình quốc gia theo chiều dọc (tiêm chủng, Lao, HIV, sức khỏe bà mẹ-trẻ em), giải quyết tốt ở tuyến cơ sở giúp người dân khỏe mạnh, giảm nhập viện tuyến trên, đồng thời chăm sóc sức khỏe toàn diện và suốt đời.

tăng kinh phí cho y tế cơ sở

Tình trạng hiện nay, hầu hết bệnh nhân lên tuyến trên để khám điều trị, nếu có mạng lưới BSGĐ sẽ giảm được nhiều trường hợp phải nhập viện. Mô hình YHGĐ Việt Nam sẽ giúp người dân khỏe mạnh thông qua chăm sóc ban đầu, tổng quát, toàn diện, phối hợp với y tế công cộng (tầm soát dự phòng), y học cổ truyền, ngoại khoa, nhi,....; chăm sóc sức khỏe người dân liên tục và kéo dài (từ khi sinh ra cho tới khi trưởng thành, về già tới lúc qua đời). Trong đó giải pháp chăm sóc ngoại viện với y học gia đình đóng vai trò trung tâm giúp người khỏe, hạn chế nhập viện.

chăm sóc phối hợp sử dụng hợp lý các nguồn lực y tế

Khi bệnh nhân đến với phòng khám BSGĐ họ sẽ được nhiều cái lợi. Thứ nhất là được BS khai thác kỹ về tiền sử bệnh (từ lúc tiêm chủng, sinh thường hay khó, gia đình có ai bị bệnh mãn tính di tuyền)... Thứ hai, được tư vấn, tổ chức khám sàng lọc, quản lý bệnh, hướng dẫn phương pháp điều trị, lối sống, thuốc men và thời giam khám bệnh từ 10-15 phút, điều mà tại các BV không có được. Thứ ba, nếu bệnh nhân bị bệnh nặng thì phòng khám BSGĐ sẽ chuyển lên tuyến trên nhanh chóng, kịp thời và theo dõi xuyên suốt...

PGS. Trịnh Thị Lý–Trưởng bộ môn YHGĐ của ĐH Y dược Hải Phòng đã đề cập tới giám sát phòng khám BSGĐ, theo dõi, xem xét đánh giá, các phòng khám bác sỹ gia đình về tuân thủ các quy định của nhà nước ; chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình. Theo đó, 1 BSGĐ có thể quản lý tổng số khoảng 2000 bệnh nhân, khám tối đa 30 bệnh nhân/ngày,.... Áp dụng bệnh án điện tử, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tại các phòng khám BSGĐ. Quản lý yếu tố nguy cơ, yếu tố gia đình (béo phì, hút thuốc lá, uống rượu, ít hoạt động thể lực, ăn mặn, tiền tăng huyết áp,....đặc biệt là nhân tố dự phòng, điều trị không dùng thuốc : chế độ ăn, hoạt động thể lực, vật lý trị liệu, chăm sóc điều dưỡng,...Tư vấn tâm lý và giáo dục sức khỏe, giám sát hồ sơ sức khỏe cá nhân....

giám sát phòng khám bác sĩ gia đình

số lần tái khám bệnh mạn tính (bác sĩ gia đình áp dụng bệnh án điện tử)

Lập hồ sơ quản lý sức khỏe hộ gia đình

Bộ môn YHGĐ, Trường Đại học Y Hà Nội đã trình bày về triển khai hoạt động YHGĐ tại tuyến YTCS, với ví dụ minh họa từ TTYT Sóc Sơn, Hà Nội. Trong đó đề cập tới quy trình lập hồ sơ quản lý sức khỏe hộ gia đình (SK HGĐ) đã cho ra kết quả chất lượng khám chữa bệnh nâng cao, giảm chuyển tuyến rõ rệt, đồng thời tăng quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT,...

Với cách thức lập hồ sơ quản lý sức khỏe hộ gia đình, có thể giúp hệ thống y học gia đình (gồm trạm y tế xã phường, bác sĩ gia đình) quản lý bệnh mạn tính hiệu quả nhờ hiểu rõ tiền sử bệnh trong gia đình, yếu tố nguy cơ, hướng dẫn cách phòng bệnh qua thay đổi lối sống.

Trong vòng 3 năm (từ 2014-2016), tỷ lệ chuyển tuyển giảm rõ rệt từ 18,4% xuống còn 8%.

Số lượt khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở tăng chóng vánh, gấp đôi vào năm 2017 (trên 212 nghìn lượt chỉ trong 6 tháng đầu 2017) so với khoảng 205 nghìn lượt của cả năm 2013.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới thăm Tổ y tế xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm Tổ y tế xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội

Ứng dụng y học bằng chứng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu
Hội thảo "Ứng dụng của y học bằng chứng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu" diễn ra tại Đại học Dược Hà Nội vào hai ngày 11-12/11. Nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực của cán bộ giảng dạy, thực hành dược trong chăm sóc sức khỏe ban đầu" trong chương trình hợp tác với Wallonie Bruxelles giai đoạn 2016-2018. 40 đại biểu tham dự từ các trường đại học y dược, cán bộ y tế tại một số bệnh viện, các dược sĩ tại một số nhà thuốc ở Hà Nội,....

Tại hội thảo, GS. Thierry Van Hees từ Đại học Liege, Vương quốc Bỉ đã chia sẻ kinh nghiệm: Giảng dạy Y học bằng chứng (EBM) trong quá trình học Dược tại Bỉ. Trong đó ông nhấn mạnh tới việc tìm bài báo gốc đánh giá về tác dụng và hiệu quả để có thể đưa ra các quyết định điều trị phù hợp, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Ths. Nguyễn Vĩnh Nam chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy y học bằng chứng trong đào tạo dược sĩ của bộ môn Quản lý và Kinh tế dược, trong đó khuyến khích dược sĩ và sinh viên dược tìm kiếm và đọc các bài báo gốc để phục vụ cho công tác chăm sóc dược. Bên cạnh đó,  GS.Thierry còn chia sẻ về chăm sóc dược trong dược cộng đồng: bằng chứng và cơ hội, thạc sĩ Geraline Paulus từ ĐH Liege chia sẻ ứng dụng EBM đối với bệnh lý hô hấp,...

Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn