Giải pháp khả thi giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh

10-12-2022 22:33 | Y tế

SKĐS - Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại rất nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế, xã hội. Việc giải quyết vấn đề này không chỉ có một cấp, một ngành, mà cần sự vào cuộc của nhiều phía.

Tại Hội thảo về chấm dứt tâm lý ưa thích con trai, hạ thấp giá trị con gái, và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, Giám đốc Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bjorn Andersson cho biết, hiện nay có khoảng 140 triệu bé gái được cho là "không được sinh ra" trên khắp thế giới do tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Đây là biểu hiện phổ biến của bất bình đẳng giới và phân biệt giới tính.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra, cho thấy mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao. Trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh cao nhất hiện nay là 114,6 tại Azerbaijan trong khi tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam cao thứ ba châu Á, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, tỉ lệ sinh "tự nhiên" là 105 - 106 trẻ trai/100 trẻ gái. Phần lớn các nước trên thế giới có tỷ số giới tính khi sinh  ở mức bình thường. Bất kì sai lệch nào so với tỷ số giới tính khi sinh tự nhiên này có thể phản ánh sự tồn tại của việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Giải pháp khả thi giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh
 - Ảnh 1.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: HV

Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi bạo lực giới trên cơ sở định kiến giới, cần có sự can thiệp của pháp luật.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định, mặc dù vấn đề bình đẳng giới ở Việt nam đã được cải thiện nhiều, nhưng bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái, vẫn là những vấn đề nổi cộm và đang tiếp diễn.

"Việc "thích con trai hơn con gái" vốn là một tư tưởng cũ truyền thống không hề tốt đẹp, chính là một sản phẩm của hệ tư tưởng định kiến giới, hệ tư tưởng đã trao cho đàn ông và trẻ em trai địa vị xã hội cao hơn và thiên vị các bé trai so với các bé gái", bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Giải pháp nào làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Ðề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030... nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Giám đốc Văn phòng UNFPA khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bjorn Andersson đánh giá, Việt Nam đã đạt được thành tích rất tốt trong việc giải quyết "tình trạng ưa thích con trai" và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trong suốt 15 năm qua.  Việt Nam có nhiều mô hình hiệu quả, kể cả trong lĩnh vực xây dựng chính sách, sửa đổi pháp luật như Luật Dân số, Luật Bảo hiểm xã hội và các chương trình sáng tạo như chương trình Làm cha trách nhiệm. Đây là một mô hình sáng tạo thu hút sự nam gia của nam thanh niên trong xây dựng hiifnh tượng nam giới tích cực và quan hệ gia đình lành mạnh.

Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, có 3 nhóm giải pháp để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đó là truyền thông, vận động người dân thay đổi nhận thức về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.  Nhóm giải pháp thứ 2 là thực thi pháp luật, tức là cần xây dựng chính sách và pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhóm giải pháp thứ 3 là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ,  tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có vị thế cao hơn trong xã hội, đặc biệt là vấn đề kinh tế xã hội và việc làm.

Một trong những biện pháp quan trọng cần thực hiện để làm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước như Pháp lệnh Dân số năm 2003, các Nghị định của Chính phủ về cấm lựa chọn giới tính thai nhi, Luật Bình đẳng giới….

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm hạn chế và đi đến loại trừ lựa chọn giới tính thai nhi. Cần tập trung truyền thông cho  các đối tượng là phụ nữ và nam giới trẻ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người đã có 2 con gái, người cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.

Có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, nêu cao vai trò và những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Cần có các giải pháp thực sự hiệu quả để răn đe mọi hành vi tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn và xác định giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Cuối cùng, để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, hội đoàn, các chuyên gia cùng với ngành y tế để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh.

Minh Tuấn
Ý kiến của bạn