Mối đe dọa kháng kháng sinh thời COVID-19
Trong một thông cáo báo chí của WHO cho biết, tỷ lệ kháng kháng sinh (AMR) cao trong số các kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh tiêu chảy. Tình trạng này báo động nguy cơ thế giới đang dần hết cách hiệu quả để điều trị các loại bệnh này. Tại 33 quốc gia ghi nhận báo cáo, tỷ lệ kháng với ciprofloxacin, một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, dao động từ 8.4% đến 92.9%.
Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch COVID-19. Trong khi chỉ có một phần nhỏ bệnh nhân COVID-19 cần tới kháng sinh để điều trị việc nhiễm khuẩn.
Chúng ta đều biết, COVID-19 là do SARS-CoV-2 gây ra, vì vậy kháng sinh không có tác dụng chống lại virus. Mặc dù một số bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị bằng kháng sinh, nhưng đó là biện pháp dùng để điều trị các nhiễm trùng cơ hội hay còn gọi là biến chứng do nhiễm khuẩn bội nhiễm. Nhưng các trường hợp này, việc dùng kháng sinh phải được khuyến nghị bởi các thầy thuốc, dựa trên tình trạng bệnh tật của bệnh nhân tại bệnh viện.
Vi khuẩn đang kháng lại nhiều loại kháng sinh
Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được nghiên cứu và sẽ được kiểm tra thông qua các thử nghiệm lâm sàng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang giúp đẩy nhanh các nỗ lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc, vaccine phòng ngừa và điều trị COVID-19. WHO cũng đã ban hành hướng dẫn không sử dụng liệu pháp kháng sinh hoặc điều trị dự phòng cho bệnh nhân mắc COVID -19 nhẹ hoặc bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh COVID -19 trừ khi có một chỉ định lâm sàng phải sử dụng kháng sinh để điều trị.
Thế giới cần chung tay giám sát sử dụng kháng sinh
Khi đại dịch COVID-19 đang lây lan mạnh mẽ các quốc gia thế giới, trong buổi họp trực tuyến tháng 6/2020, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: Thế giới đang mất khả năng sử dụng các loại thuốc kháng sinh cực kỳ quan trọng”.
Cũng trong buổi họp này, ông Tedros cho rằng: Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng việc sử dụng kháng sinh. Điều này sẽ gây ra tỷ lệ kháng kháng sinh (AMR) cao hơn.
Gọi mối đe dọa của tình trạng kháng kháng sinh là "một trong những thách thức cấp bách nhất của thời đại", ông Tedros kêu gọi thế giới tìm ra những mô hình mới để khuyến khích đổi mới bền vững trong vấn đề này nhằm bảo vệ những thành quả y tế đã đạt được trong thế kỷ trước và bảo đảm một tương lai an toàn.
WHO đã thực hiện chương trình báo cáo Hệ thống giám sát sử dụng và kháng kháng sinh toàn cầu (GLASS) vào năm 2018. Khi đó, mới chỉ có 729 khu vực ở 22 quốc gia tham gia vào hệ thống giám sát này. Hàng năm, số lượng các quốc gia tham gia hệ thống khảo sát đã tăng lên theo cấp số nhân. Chỉ trong 3 năm, GLASS hiện đã tổng hợp dữ liệu từ hơn 64.000 địa điểm giám sát với hơn 2 triệu bệnh nhân ở 66 quốc gia trên toàn thế giới.
TS. Balkhy - trợ lý Tổng giám đốc WHO về vấn đề kháng kháng sinh, cho hay: “Hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng kháng sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ giúp các quốc gia vượt qua COVID-19 hiệu quả và ngăn chặn sự xuất hiện AMR”.
TS.Balkhy cho rằng phải tăng cường hợp tác và đối tác toàn cầu, bao gồm giữa khu vực công và tư nhân để cung cấp các khuyến khích tài chính và phi tài chính nhằm phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.