Giải pháp giúp vận tải hành khách 'hồi sức' khi trở lại hoạt động sau giãn cách

31-10-2021 14:54 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Dù đã hoạt động trở lại nhưng nhìn chung các loại hình vận tải hành khách tại Hà Nội vẫn hồi phục rất chậm do một số vướng mắc gây khó khăn trong việc phục hồi vận tải hành khách đường bộ.

48 tỉnh đồng ý khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô 48 tỉnh đồng ý khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô

SKĐS - Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Chính phủ về công tác triển khai thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Doanh nghiệp vận tải hành khách trở lại sau giãn cách

Giải pháp giúp vận tải hành khách “hồi sức” khi trở lại hoạt động sau giãn cách - Ảnh 2.

Khách vẫn thưa thớt ở Bến xe Giáp Bát dù một số tuyến xe liên tỉnh đã hoạt động trở lại.

Từ ngày 14/10, Hà Nội đã cho phép vận tải khách cả công cộng và liên tỉnh hoạt động lại từng phần, với tần suất hạn chế, 50% đối với xe buýt, từ 10 - 20% đối với xe khách liên tỉnh.

Theo khảo sát, sau gần 2 tuần thí điểm, tại các bến xe như Giáp Bát, Nước Ngầm… đã có nhiều nhà xe hoạt động, phục vụ nhu cầu hành khách, tuy nhiên lượng khách vẫn khá mỏng.

Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, hiện ở bến đã có các nhà xe Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh... hoạt động. Tuy nhiên, số lượng hành khách rất vắng, chỉ 400 - 500 hành khách/ ngày. Trong khi trước đây, mỗi ngày trung bình có 1,5 vạn hành khách. "Tỷ lệ xuất bến của các nhà xe đa phần chỉ vài ba hành khách, tuyến nào nhiều thì 5 - 7 hành khách", ông Thành thông tin.

Hiện nay, tại các bến xe ở Hà Nội, những biện pháp phòng, chống dịch được triển khai nghiêm ngặt, đúng quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT nhưng tình trạng thường thấy là lượng hành khách đi xe không nhiều. Hà Nội hiện đang thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT và không ban hành tiêu chí riêng. TP cũng đã lấy ý kiến thỏa thuận với 6 tỉnh, TP cho phép mở lại tần suất 5% số chuyến của DN tuy nhiên, qua một thời gian thí điểm, chỉ có khoảng 3.300 hành khách đã được vận chuyển.

Trước thực tế vận tải hành khách đang từng bước khôi phục nhưng còn vướng nhiều rào cản, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, các tỉnh đã công bố vùng xanh, vùng vàng theo Nghị quyết 128/CP của Chính phủ có thể xem xét để các Sở GTVT căn cứ vào cấp độ phòng, chống dịch của địa phương mở lại vận tải, mà không cần có sự thống nhất mở tuyến của Sở GTVT đối lưu. Thay vào đó, chỉ cần gửi kế hoạch mở lại vận tải khách cho Sở GTVT đầu tuyến.

Theo đoàn kiểm tra của Bộ GTVT, người dân cần nắm rõ thông tin đang ở vùng cấp độ dịch nào, đi đến vùng cấp độ dịch nào và tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Gỡ được những khúc mắc này, vận tải hành khách liên tỉnh sẽ trở lại trạng thái bình thường mới. Thời gian qua, nhiều người tâm lý e ngại đi xe khách vì chưa biết diễn biến dịch của các địa phương cuối tuyến như thế nào. Điều này khiến vận tải hành khách vẫn trong tình trạng "đóng băng" dù các cơ quan quản lý đã nỗ lực phục hồi.

Sau khi kiểm tra các tuyến vận tải hành khách tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình... ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cách làm của Hà Nội là phù hợp, nhất là việc lưu trữ danh sách hành khách để phục vụ truy vết. Các địa phương cần thống nhất trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc trong điều tiết, tổ chức vận tải và công tác phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đảm bảo mở lại vận tải hành khách liên tỉnh nhưng kiểm soát chặt chẽ hơn theo quy mô điểm, tới tận cấp xã.

Doanh nghiệp đề xuất, chính quyền vào cuộc gỡ khó

Giải pháp giúp vận tải hành khách “hồi sức” khi trở lại hoạt động sau giãn cách - Ảnh 3.

Khách bắt buộc phải khai báo y tế và thực hiện nghiêm thông điệp 5K khi di chuyển từ Bến xe Mỹ Đình đi ngoại tỉnh. Ảnh: TTXVN

Để giải quyết những khó khăn đang tồn tại của các doanh nghiệp vận tảo hành khách, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị thành phố các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, trong đó có đề ra giải pháp cụ thể như giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bùi Danh Liên nhận định, phía cơ quan chức năng cần căn cứ tình hình dịch bệnh để có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh, đó không chỉ là phí bến, bãi mà còn là phí cầu, đường để doanh nghiệp bớt được gánh nặng tài chính.

Song song với việc tìm giải pháp giúp vận tải hành khách "hồi sức", Hà Nội cũng đã đề ra quy trình vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe, yêu cầu hành khách trước khi lên xe phải khai báo y tế qua mã QR Code dán ở cửa xe; danh sách hành khách sẽ được gửi 3 bản ở hai đầu bến và bến xe để phục vụ truy vết khi có yêu cầu và dữ liệu y tế của hành khách, số điện thoại, địa điểm di chuyển... sẽ được gửi về các cơ sở y tế.

Các chuyên gia vận tải cho rằng, vận tải khách trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước sẽ còn gặp khó khăn thêm một thời gian nữa, khi nào các cơ quan, nhà máy, trường học, cơ sở kinh doanh hoạt động lại bình thường mới có thể khởi sắc. Nhất là khi, vẫn còn một số địa phương chưa thống nhất về cách kiểm soát, quản lý, tổ chức vận tải hành khách, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến đà phục hồi của ngành vận tải cũng như cả nền kinh tế.

Với việc đã phân cấp, người đi/về từ vùng 3, vùng 4 không khó khăn để kiểm soát tuy nhiên ngay cả đối với các vùng 1, 2, nguy cơ lây nhiễm dịch vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, từng đơn vị, địa phương thực hiện tốt trách nhiệm kiểm soát đối với cả vận tải hành khách liên tỉnh cũng như nội tỉnh. Cùng với đó, các địa phương tập trung thực hiện biện pháp quản lý di chuyển của người dân, thực hiện khai báo y tế thay vì kiểm soát thông qua các chốt kiểm soát dịch COVID-19. Bởi thực tế, kiểm soát lưu thông tại các chốt, nếu thực hiện không tốt, kém linh hoạt sẽ trở thành hình thức, là rào cản trong lưu thông hàng hóa, gây khó khăn cho người dân và DN.

Một trong những giải pháp nữa được Bộ GTVT nêu ra là chủ động kiểm soát dịch ở các địa phương, tổ dân phố, gia đình. Trong đó rà soát, quản lý chặt chẽ di biến động dân cư, yêu cầu khai báo đối với người từ những địa phương khác, nhất là các vùng dịch trở về.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Nguyễn Tuấn
Ý kiến của bạn