Giải pháp giúp nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới dễ dàng tiếp cận với dịch vụ PrEP

18-10-2023 19:37 | Y tế
google news

SKĐS - PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giám sát, quản lý nhóm MSM vô cùng khó khăn vì đây là quần thể ẩn.

Nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng nhanh

Đến cuối năm 2022, ước tính số người nhiễm HIV trên toàn quốc là 242.000, trong đó số phát hiện mới năm 2022 là 11.037. Đã có 112.572 người nhiễm HIV tử vong.

PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay, nếu những năm 2010-2011, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục và máu có sự cân bằng nhau thì hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010-2020 đã có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.

Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Mặc dù trong nhiều năm qua tình hình dịch HIV/AIDS khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được khống chế, nhưng trong 3 năm gần đây tình hình nhiễm HIV trong nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) đang gia tăng nhanh và số ca phát hiện ở khu vực này chiếm hơn 36% số ca phát hiện mới của cả nước.

Giải pháp giúp nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới dễ dàng tiếp cận với dịch vụ PrEP - Ảnh 1.

Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

ThS.BS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhóm nam quan hệ đồng giới chỉ bắt đầu được ghi nhận từ năm 2011 với khoảng 4%, bằng 1/3 so với tiêm chích ma túy (13,4%) đã tăng mạnh lên 12,1% vào năm 2022, cao hơn so với tiêm chích ma túy và mẹ lây truyền sang con.

Theo giám sát mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ 2017 đến tháng 3/2022, ca nhiễm HIV là nam giới tại 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh như: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Tại Vũng Tàu, giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ lây truyền qua đường máu từ 28,3% giảm xuống 12,9%, trong khi đó, lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 69,3% lên 86%.

Giải pháp giúp nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới dễ dàng tiếp cận với dịch vụ PrEP - Ảnh 2.

PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Thách thức trong tiếp cận điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV và giải pháp khắc phục

Theo ThS.BS. Hoàng Nam Thái - Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, hiện nay, còn tồn tại một số rào cản đối với nhóm MSM trong tiếp cận dịch vụ PrEP. Trong đó có thể kể đến như thiếu thông tin, kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV và dịch vụ dự phòng PrEP; lo ngại bị lộ thông tin và lo ngại bị kỳ thị nếu sử dụng PrEP; lo ngại bị bạn tình bạo lực nếu sử dụng PrEP.

Ngoài ra, với các bạn là công nhân, đang làm việc tại nhà máy, khu công nghiệp, khó tiếp cận với dịch vụ PrEP nếu dịch vụ chỉ được cung cấp tại cơ sở y tế trong giờ hành chính.

Theo ông Thái, để vượt qua được những rào cản này, từ phía chương trình, cần đẩy mạnh truyền thông về HIV và tạo cầu cho dịch vụ PrEP cho các bạn trẻ, như học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Đồng thời nêu bật lợi ích của PrEP, gồm lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Từ đó, tạo thêm động lực cho các bạn trẻ có thể tham gia. Ngoài ra, cũng cần thực hiện giáo dục giới tính để giảm kỳ thị với nhóm MSM, góp phần giúp các bạn tự tin hơn trong tiếp cận dịch vụ PrEP.

Các chuyên gia cho rằng, hành vi nguy cơ của nhóm MSM cảnh báo dịch lây lan trong nhóm và có thể nhanh chóng lây ra cộng đồng. Nếu không có các biện pháp can thiệp sớm, thế hệ F1 bị lây nhiễm HIV sẽ ngày càng trẻ hóa.

Theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới còn có thể sử dụng PrEP theo một cách khác, đó là sử dụng PrEP theo tình huống (ED-PrEP).

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ED-PrEP là an toàn và hiệu quả cao trong giảm nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đặc biệt ở những người có quan hệ tình dục không thường xuyên (ví dụ trung bình dưới 2 lần/tuần) và có khả năng đặt kế hoạch 2h trước khi có quan hệ tình dục hoặc có thể trì hoãn quan hệ tình dục ít nhất 2h.

  • Uống 2 viên cho liều đầu tiên trong vòng từ 2-24h trước khi quan hệ tình dục; 
  • Uống viên thứ 3 sau liều đầu 24; 
  • Uống viên thứ 4 sau liều đầu 48h. 
  • Những ngày tiếp theo nếu có quan hệ tình dục, người sử dụng ED-PrEP có thể tiếp tục uống 1 viên mỗi ngày và ngừng uống sau lần quan hệ tình dục cuối cùng 2 ngày.
PrEP có phải vaccine phòng lây nhiễm HIV không?PrEP có phải vaccine phòng lây nhiễm HIV không?

SKĐS - PrEP cần phải được sử dụng một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ, khi dừng, thuốc sẽ hết tác dụng bảo vệ. Vậy PrEP có phải vaccine phòng lây nhiễm HIV không?


Dương Hải
Ý kiến của bạn