1. Hậu quả của việc kỳ thị với người có HIV
Anh Đỗ Đăng Đông, Chủ tịch Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), trưởng nhóm nghiên cứu kỳ thị với người có HIV tại Việt Nam năm 2020-2021 cho biết, hơn 30 năm sau khi ca HIV đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận, người có HIV (NCH) và các quần thể nguy cơ tiếp tục phải đối mặt với kỳ thị và phân biệt đối xử (KT&PBĐX).
Các hành vi KT&PBĐX có thể kể đến là cô lập khỏi các hoạt động xã hội hoặc bị loại trừ khỏi xã hội, bị phân biệt đối xử về cơ hội việc làm hoặc nơi ở, bị từ chối cung cấp các dịch vụ y tế, bạo lực, quấy rối và nhiều hành vi khác như xúc phạm bằng lời nói, bị bàn tán, không được tham gia các hoạt động gia đình, xã hội, tôn giáo…
Cô Nguyễn Thị A., 64 tuổi, Hà Nội cho biết, con trai và con dâu kỳ thị, sợ tôi lây bệnh sang cho các cháu nên không cho các cháu đến gần.
Một trường hợp nhiễm HIV khác ở Hà Nội, 31 tuổi cũng tâm sự: Tôi rất sợ bị lộ thông tin người khác biết, tôi sẽ mất cơ hội việc làm, mất hết sự nghiệp, tôi không dám lấy thuốc ARV ở gần nhà sợ người quen nhìn thấy.
KT&PBĐX không chỉ khiến người có HIV dễ rơi vào tình trạng chán nản, trầm cảm mà còn là những yếu tố rào cản đối với xét nghiệm HIV, tiết lộ tình trạng HIV của bản thân cho người khác, cũng như đối với tiếp cận và tuân thủ điều trị.
Ngoài ra, kỳ thị cũng có thể cản trở người có HIV (NCH) tiếp cận các nhu cầu y tế khác, chẳng hạn như gánh nặng các bệnh không lây nhiễm (NCDs) ngày càng gia tăng khi các trường hợp NCH già đi.
2. Tự kỳ thị và hệ lụy
Trong nghiên cứu kỳ thị với người có HIV tại Việt Nam năm 2020-2021 chỉ rõ, tự kỳ thị còn được gọi là kỳ thị "tự cảm nhận" hay "tự kỳ thị bản thân", là có cảm giác xấu hổ, tội lỗi về tình trạng dương tính với HIV của bản thân.
Tự kỳ thị có thể dẫn đến thiếu tự tôn, một cảm giác vô dụng của bản thân và chán nản.
Tự kỳ thị cũng có thể khiến một NCH xa lánh xã hội và những người thân thiết, hoặc từ bỏ cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ và cơ hội được thoát khỏi sự lo sợ rằng tình trạng của họ có thể bị tiết lộ hoặc bị phân biệt đối xử vì tình trạng dương tính với HIV.
3. Giải pháp giảm kỳ thị với người có HIV
Trong nghiên cứu kỳ thị với người có HIV tại Việt Nam năm 2020-2021, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp chính để giảm thiểu KT&PBĐX với HIV trong cộng đồng.
Đối với kỳ thị
- Xây dựng các chiến lược truyền thông giúp nâng cao nhận thức về HIV để họ hiểu và hỗ trợ quyền của NCH và các nhóm quần thể nguy cơ.
- Mở rộng các dịch vụ tư vấn gia đình để tạo điều kiện tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa những NCH và gia đình để hỗ trợ, trang bị cho các thành viên trong gia đình các kỹ năng ứng phó với kỳ thị từ cộng đồng tập trung vào người thân sống với HIV của họ.
- Đa dạng hóa các chiến dịch và can thiệp xóa bỏ kỳ thị đối với HIV để đảm bảo các thông điệp được điều chỉnh sao cho phù hợp với các nhu cầu của mỗi nhóm QTNC.
Đối với tự kỳ thị
- Xây dựng năng lực cho các tổ chức cộng đồng HIV để xây dựng và triển khai các can thiệp đồng đẳng và can thiệp nhóm dành cho NCH và các nhóm quần thể nguy cơ, tập trung giảm tự kỳ thị, nâng cao sức khỏe.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến hiệu quả thông điệp K=K (Không phát hiện= Không lây nhiễm) tại Việt Nam.
Đối với kỳ thị chéo
- Mở rộng và phát triển hơn nữa các mô hình cung cấp dịch vụ được đa dạng hóa trong khu vực nhà nước và tư nhân nhằm cung cấp cho các nhóm quần thể nguy cơ và NCH nhiều lựa chọn và giải pháp tiếp cận dịch vụ y tế dành cho họ.
- Mở rộng chăm sóc HIV thân thiện với người chuyển giới và dịch vụ y tế khẳng định giới (ví dụ: liệu pháp thay thế hormone) được lồng ghép vào các dịch vụ HIV.
- Đào tạo, tập huấn nhân viên y tế để thực hiện các chiến lược giảm hại và tư vấn liên quan đến sức khỏe tình dục, mang quan điểm tích cực về tình dục, theo hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với các nhóm quần thể nguy cơ.
Bên cạnh đó, cần có những sáng kiến giúp nâng cao chăm sóc NCH không phân biệt giới tính và giảm KT&PBĐX do xu hướng tình dục, bản dạng giới và biểu hiện giới để trang bị cho nhân viên y tế trong việc hỗ trợ hiệu quả cho các nhóm quần thể nguy cơ.
Mời bạn xem tiếp video:
Truyền thông về tình dục an toàn, dự phòng HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV/ SKĐS