Giải pháp gia tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với một số nhóm

13-07-2015 07:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Để đạt mục tiêu bao phủ 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2015, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tập trung triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng,

Để đạt mục tiêu bao phủ 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2015, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tập trung triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tập trung chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60%, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương để cùng chung tay tháo gỡ tồn tại, làm gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với một số nhóm đối tượng...

Theo BHXH Việt Nam, tính đến 31/5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4%, so với cùng kỳ năm 2014), đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh gồm An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ đạt độ bao phủ BHYT trên 55% dân số. Lo ngại trước mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 sẽ gặp khó khăn, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, ở những nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức thì tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp. Việc tuân thủ pháp luật trong tham gia BHYT của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa cao.

Tăng cường tuân thủ pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp. Ảnh: TM

Đối với nhóm người lao động trong các doanh nghiệp

Con số thống kê còn cho thấy, có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động với tổng số tiền nợ lên tới hơn 3.100 tỷ đồng. Do đó, ngoài nỗ lực của ngành y tế, ngành BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các Bộ, ngành và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp để tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp, bảo đảm 100% người lao động trong các nhà máy, công trường, xí nghiệp, khu công nghiệp được tham gia BHYT và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Đối với nhóm BHYT theo hộ gia đình

Theo thống kê đến hết tháng 5/2015, nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đã có sự gia tăng theo hướng tích cực. Theo đó, nếu so với thời điểm cuối năm 2014 số người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400 nghìn người, tương đương 5,4%, chứng tỏ chính sách, pháp luật mới về BHYT đã dần đi vào cuộc sống và được người dân chấp nhận. Tuy nhiên, để gia tăng nhóm đối tượng này tham gia BHYT, BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến phát triển đối tượng tham gia BHYT nói chung, tham gia BHYT hộ gia đình nói riêng theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. Không bắt buộc người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình phải xuất trình các giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã.

Đánh giá hiệu quả của hệ thống đại lý bán thẻ BHYT của xã, phường, đại lý bưu điện và chủ động tổ chức hệ thống đại lý theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu BHYT thông qua hợp đồng với trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình...

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các quy định về việc khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu về lợi ích, về quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ UBND cấp xã, đại lý thu về nhiệm vụ lập danh sách, rà soát đối tượng, thu tiền và trả thẻ BHYT cho đối tượng này.

Đối với nhóm hộ gia đình cận nghèo, hộ có mức sống trung bình

Để nâng cao tỷ lệ người thuộc nhóm đối tượng này tham gia BHYT, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam nghiên cứu đề xuất phương thức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo hướng vừa được hỗ trợ mức đóng vừa được giảm mức đóng khi toàn bộ thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT.

Về phía UBND các tỉnh, thành phố cần huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; đẩy nhanh việc xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015 theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để cơ quan BHXH có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này.

Đối với nhóm học sinh, sinh viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển BHYT tại mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, đề xuất nâng mức cho vay ưu đãi và thực hiện các giải pháp mở rộng BHYT đối với học sinh, sinh viên, phấn đấu trong năm 2015 đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Kiện toàn hệ thống y tế trường học, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên.

Lực lượng quân đội, công an: Đề nghị sớm trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn tham gia BHYT của các đối tượng này...

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn