Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh trong những tháng đầu năm, đến tháng 5, giá hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu đa giảm nhẹ. Với xu hướng này, dự báo hàng hóa thiết yếu trong những ngày tiếp theo của tháng 5 và sang tháng 6 tới sẽ tiếp tục được đảm bảo và ổn định.
Chung tay giữ bình ổn giá
Một yếu tố góp phần vào bình ổn giá là việc các doanh nghiệp, đặc biệt là các hệ thống siêu thị đã kiên quyết không tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của một số nhà cung cấp, phân phối, bán ký gửi. Thậm chí nhiều mặt hàng trong siêu thị ngoài việc được đảm bảo an toàn, giá cả còn thấp hơn bên ngoài. Việc từ chối yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp hoặc điều chỉnh giá phải theo mức hợp lý và người tiêu dùng chấp nhận được bởi một số hệ thống siêu thị như BigC, Trung tâm thương mại Lotte Mart Phú Thọ, siêu thị Maximart 3/2, quận 10… đã thể hiện thái độ tôn trọng người tiêu dùng. Ngay cả khi các nhà cung cấp sau khi không thỏa thuận được việc tăng giá đã ngừng cung cấp hàng thì siêu thị như BigC đã dán thông báo nói rõ việc thiếu hàng là do các nhà cung cấp đã cố tình tăng giá và nhà cung cấp ngừng giao hàng do siêu thị từ chối yêu cầu tăng giá. Hiện tại, các hệ thống siêu thị lớn như đang có hàng nghìn nhà cung cấp hàng hóa, do vậy các đơn vị này dễ dàng chọn lựa những nhà cung cấp uy tín với mức giá phải chăng.
Những việc làm này của các hệ thống siêu thị ngoài việc giải thích một cách rõ hơn để tránh hiểu nhầm, đảm bảo thương hiệu, giữ uy tín với khách hàng đã thể hiện thái độ “chung tay” trong cuộc chiến chống lạm phát của Chính phủ, không để người tiêu dùng bị bắt chẹt.
![]() Người tiêu dùng cần có sự hỗ trợ giá cả từ hệ thống siêu thị. |
Giá cả sẽ ổn định
Theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại miền Bắc trong tháng 5/2011, giá thóc, gạo đã tiếp tục ổn định so với cùng kỳ tháng 4/2011. Tại miền Nam, giá lúa, gạo thành phẩm xuất khẩu tăng so với cùng kỳ tháng 4/2011. Theo dự báo, do nhu cầu gạo thế giới thấp trong khi nguồn cung khá lớn nên giá gạo thế giới và giá thóc, gạo trong nước trong thời gian tới sẽ ổn định như hiện nay hoặc giảm nhẹ. Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, theo dự báo của Cục Quản lý giá, từ nay đến cuối tháng, giá mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng giảm do nguồn cung tăng lên.
Đối với thuốc chữa bệnh, mặt bằng giá thuốc hiện tương đối ổn định. Với việc số lượng hàng hoá dồi dào, cùng với sự gia tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinhdoanh dược phẩm và sự tăng cường kiểm tra kiểm soát của các cơ quan chức năng đã góp phần bình ổn giá thuốc. Dự báo, thị trường dược phẩm trong thời gian tới sẽ tương đối ổn định, chỉ có một số ít thuốc ngoại và nội có thể tăng với biên độ hẹp theo lộ trình do tác động của các yếu tố đầu vào.
Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm trong tháng 5 là việc thực hiện hiệu quả các giải pháp của Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ, trong đó có việc ổn định thị trường vàng, giữ thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Việc đẩy mạnh bán hàng bình ổn (cả về số lượng hàng, cả về số điểm bán hàng) ở các thành phố lớn cũng như một số tỉnh, thành phố khác cũng góp phần giảm sức ép đối với giá cả. Chính phủ, các cấp, các ngành đã chủ động kịp thời đưa ra một lượng lương thực, hàng hóa hỗ trợ một số địa phương gặp khó khăn trong thời điểm giáp hạt và tác động của thiên tai. Cùng với đó là các yếu tố đầu vào cũng có xu hướng giảm nhẹ như giá dầu thô, giá thép, giá đường, giá lương thực… cũng có xu hướng giảm góp phần giảm sức ép làm tăng chi phí trong nước.
TRỌNG NGUYÊN