Rau an toàn có lợi ích to lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng, nhưng trên thực tế, người tiêu dùng thường không tin tưởng vào rau an toàn được bán trên thị trường hiện nay. Vậy yếu tố nào khi người trồng rau và cả người tiêu dùng quay lưng lại với rau an toàn?
Rau an toàn gồm các loại rau ăn lá, thân, hoa, quả và rau ăn củ; Theo quy định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn: Rau an toàn phải đảm bảo các yêu cầu: dư lượng các hoá chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng...), hàm lượng đạm nitơrat, hàm lượng các kim loại nặng như đồng, chì, thủy ngân, asen..., mức độ nhiễm các vi sinh vật ký sinh. Tất cả các chỉ tiêu này trong các loại rau tiêu dùng phải đạt dưới mức cho phép đối với từng loại rau (theo quy định của Bộ NN&PTNT). Ngoài các quy định trên, các loại rau an toàn dùng cho xuất khẩu phải tuân thủ các qui định khác của nước nhập khẩu như độ an toàn cao, mẫu mã, danh mục kiểm dịch thực vật của từng nước nhập khẩu...
Để người tiêu dùng không quay lưng với rau an toàn, cần thực hiện nhiều biện pháp quản lý đồng bộ.
Để tìm ra nguyên nhân vì sao rau an toàn chưa thực sự đi vào cuộc sống và các giải pháp khắc phục tình trạng này cho phù hợp thì chúng ta mới có cơ sở và tiền đề để phát triển, mở rộng diện tích rau an toàn và chỉ khi đó rau an toàn mới thực sự đi vào cuộc sống người dân.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, cơ chế thị trường, thị hiếu cũng như trình độ hiểu biết còn hạn chế của không ít người dân và phương pháp quản lý rau an toàn hiện nay nổi nên những nguyên nhân chính mà người tiêu dùng không tin tưởng rau an toàn, đó là:
Để trồng được rau an toàn, phải có chi phí cao từ qui hoạch đất trồng, nước tưới, chế độ phân bón, các qui trình bảo vệ thực vật... so với rau trồng thông thường của người dân; Nhưng mẫu mã rau an toàn thường kém hấp dẫn người tiêu dùng so với các loại rau thông thường do phải khống chế phân bón, nhất là phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng giá thành lại cao hơn rau bình thường do phải tăng chi phí theo yêu cầu kỹ thuật trồng trọt đối với rau an toàn.
Đa số các vùng trồng rau tập trung chưa thực hiện tốt vấn đề qui hoạch về trồng trọt, thu hoạch, đóng gói và đề ra mã vạch tiêu chuẩn cho từng loại rau an toàn.
Chưa thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chương trình quảng bá, đảm bảo uy tín của rau an toàn đối với người tiêu dùng, đây là một yếu tố đóng vai trò quan trọng hiện nay.
Hiện nay, chúng ta chưa có cửa hàng bán rau an toàn thực sự đảm bảo uy tín đối với người tiêu dùng (kể cả một số siêu thị). Trong các cửa hàng bán rau an toàn, cần phải có sự giám sát hàng ngày của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Phải có người, tổ chức hoặc cơ quan chức năng đứng ra chịu trách nhiệm khi người tiêu dùng có ý kiến không đồng tình với sản phẩm rau an toàn và đứng ra giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng (nếu có), thậm chí phải bồi thường thích đáng cho người tiêu dùng khi rau bán ra của cửa hàng không đảm bảo an toàn như khuyến cáo.
Chỉ khi chúng ta thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp trên thì rau an toàn sẽ là một sản phẩm quan trọng được người tiêu dùng đón nhận như là một phần không thể thiếu trong các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày. Đó là cơ sở để chúng ta qui hoạch, mở rộng diện tích rau an toàn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phạm Văn Phú