Giải pháp đẩy lùi ô nhiễm không khí ở Hà Nội

18-11-2024 12:12 | Xã hội
google news

SKĐS - Để khắc phục ô nhiễm không khí ở Hà Nội, ngoài trồng thêm cây xanh, tăng cường trạm quan trắc, tích cực phun sương rửa đường... Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo quy chuẩn Việt Nam khí thải ô tô, xe máy.

Những con số giật mình về ô nhiễm không khí ở Hà NộiNhững con số giật mình về ô nhiễm không khí ở Hà Nội

SKĐS - Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Sẽ có tiêu chuẩn khí thải với ô tô và xe máy

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TPHCM có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết các quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ô nhiễm không khí là vấn đề không mới nhưng rất nóng và rất cấp bách. Bà đề xuất lựa chọn mục tiêu ngắn hạn trong 3-5 năm, tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu đó và xây dựng công cụ giám sát thực hiện.

Giải pháp đẩy lùi ô nhiễm không khí ở Hà Nội- Ảnh 2.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ xử lý ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.

Một trong các giải pháp được các nhà quản lý, chuyên gia đề cập nhiều nhất là vấn đề kiểm soát các nguồn phát thải. Đầu tiên là từ hoạt động giao thông - nguồn phát thải được nhận diện là lớn nhất hiện nay. Với nguồn thải này, tại hội thảo về giải pháp quản lý tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành và áp dụng quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ô tô, xe máy sản xuất mới và nhập khẩu.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT cho biết bộ này đã xây dựng dự thảo quy chuẩn Việt Nam khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, đang được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, đồng thời xây dựng dự thảo Lộ trình áp dụng quy chuẩn Việt Nam khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Bên cạnh đó là xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao và phủ sóng khắp các khu vực đô thị, giúp người dân có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân. Trong đó có việc thiết lập các khu vực hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố. Khuyến khích sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ bao phủ rộng, thuận tiện cho người dân.

Đối với các nguồn thải lớn phát sinh từ hoạt động công nghiệp, làng nghề, Bộ TN&TN yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc tại nguồn. Thực hiện kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đồng thời đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định để kiểm soát chặt chẽ.

Rà soát quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Để giảm phát thải, cải thiện không khí, cải thiện môi trường, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như: Triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, vượt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và tiếp tục trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong kiểm soát chất lượng không khí là cùng hành động, tổ chức thực thi các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó cần xác định các mục tiêu ưu tiên, giải pháp trọng tâm, tập trung nguồn lực để thực hiện.

"Có thể nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật cần thiết như tăng cường phun sương hoặc rửa đường thí điểm, có thể dưới hình thức tự động, trong khung thời gian từ 00 giờ đêm đến 6h sáng để xử lý tình huống trong thời gian xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng, báo động", Bộ trưởng đề xuất.

Theo ông Lê Hoài Nam, thực tế hiện nay đòi hỏi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cần phải được rà soát, sửa đổi theo hướng nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn để đảm bảo đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

Vì vậy, Bộ TN&MT đã tổ chức nghiên cứu, rà soát hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia của Việt Nam, xây dựng một dự thảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải công nghiệp chung thay thế cho các quy chuẩn nêu trên nhằm kiểm soát thống nhất khí thải công nghiệp phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

"Trong đó, đã quy định cụ thể hơn đối với việc kiểm soát thông số ô nhiễm theo loại hình thiết bị xả thải và quy định giá trị giới hạn cho phép trong khí thải theo hướng nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn", ông Nam nói.

Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trong đó, xác định rõ đối tượng phải chịu phí và phương pháp tính phí tập trung vào các cơ sở phát sinh khí thải công nghiệp với lưu lượng lớn, xả thải nhiều bụi, chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Đồng thời quy định về mức phí ưu đãi khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý khí thải tiên tiến. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn phát sinh bụi, khí thải lớn.

Bộ Y tế và UNDP, WHO trao đổi, thúc đẩy hỗ trợ giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt NamBộ Y tế và UNDP, WHO trao đổi, thúc đẩy hỗ trợ giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam

SKĐS - Tại trụ sở Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi làm việc với bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện UNDP và TS Angela Pratt - Trưởng đại điện WHO tại Việt Nam về vấn đề giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 17/11: Tá hỏa phát hiện thi thể nam giới đang phân hủy trên kênh Tham Lương - Bến Cát


Tô Hội
Ý kiến của bạn