Như báo Sức khỏe&Đời sống đã đăng tải liên tục trên các số báo 129, 130,... về rừng đầu nguồn Ba Bể đã bị chặt phá tan hoang dẫn đến việc hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới sẽ bị san phẳng vì phù sa bồi lắng. Theo ước tính, với tốc độ phá rừng như hiện nay và lượng bồi lắng hơn 70 vạn tấn phù sa mỗi năm, dự báo đến năm 2090, hồ sẽ không còn. Nhiều đoàn khoa học đã đến nghiên cứu khảo sát, tính toán và đưa ra những giải pháp để "cứu" hồ Ba Bể, nhưng đến nay, tất cả vẫn chỉ nằm trên... giấy và rừng vẫn đang "chảy máu".
Rừng đầu nguồn bị phá, bồi lắng phù sa lớn.
|
Theo các nhà khoa học, hồ Ba Bể nằm trong vùng địa hình caxtơ, hồ được hình thành do một sự biến động địa chất rất lớn và đột ngột, làm lở các khối núi đá vôi tạo thành. Thắng cảnh nổi tiếng này đang dần bị thu hẹp do lượng phù sa từ các con sông đổ vào hồ. Trong chuyến khảo sát quy hoạch du lịch hồ Ba Bể, quan sát được rất nhiều khu vực của hồ bị bồi lắng với tốc độ "phi mã", nhiều điểm hiện đo được còn sâu chưa đến 5m. Ông Triệu Văn Đô, 74 tuổi ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) - một người dân gắn bó với hồ Ba Bể từ nhỏ, tâm sự: Cách đây 60 năm, hồ Ba Bể rộng hơn ngày nay rất nhiều, ngay cả nơi tổ chức hội xuân Ba Bể hiện nay, trước kia cũng là hồ. Với tốc độ bồi lắng hiện nay, chỉ vài chục năm nữa con cháu chúng ta sẽ chỉ còn biết tới hồ Ba Bể qua chuyện kể và những bức ảnh còn lưu lại!
Qua đo đạc các bãi hồ, nhóm chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác định lượng bồi lấp tại các cửa sông chợ Lèng là 18,37 vạn m3, cửa sông Bó Lù 11,06 vạn m3, cửa sông Tà Han 9,70 vạn m3... Với tốc độ bồi lắng nhanh từ các cửa sông đã làm cho bãi bồi lấp hồ mỗi năm lấn ra từ 10 đến 60m, nâng đáy hồ lên trung bình 30cm. Nguyên nhân chính dẫn đến việc hồ Ba Bể bị bồi lắng với tốc độ nhanh như hiện nay do rừng già ở đầu nguồn đã bị chặt phá tan hoang, trong khi chưa có diện tích trồng mới rừng nơi đầu nguồn xung yếu này.
Rừng đầu nguồn Ba Bể bị phá tan hoang.
|
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, nhiều đoàn chuyên gia đã đến khảo sát, tính toán đưa ra những giải pháp để "cứu" hồ Ba Bể. Sau khi xác định thực trạng, nguyên nhân, năm 2003, Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra nhóm giải pháp "cứu" hồ được đánh giá có tính khả thi nhất: Ngăn chặn ngay việc chặt phá rừng đầu nguồn những con sông, suối cung cấp nước cho hồ, đồng thời triển khai trồng cây để phục hồi rừng đầu nguồn; hạn chế việc canh tác của người dân và xây dựng những công trình cơ bản ở những sông, suối đầu nguồn; nắn dòng suối Nam Cường cho chảy thẳng vào hồ thuỷ điện Tuyên Quang và xây đập để tạo lắng trên sông Chợ Lèng và suối Tà Han; nạo vét lòng hồ Ba Bể... Tuy nhiên, ông Nông Thế Diễn, quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết: Cho tới thời điểm này, nhóm giải pháp trên vẫn nằm trên giấy vì không có kinh phí?
Quang Đán