Người nông dân sử dụng thuốc kích thích, thuốc BVTV một cách bừa bãi, tràn lan trên hầu hết các loại cây trồng, chính vì lẽ đó mà không chỉ sản phẩm nông nghiệp nói chung đã, đang ngày càng trở nên độc hại, mà đồng ruộng cũng ngày càng bị ô nhiễm tới mức đáng báo động bởi các loại bao bì đựng chế phẩm thuốc kích thích, thuốc BVTV...
Những mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV thế này cần được nhân rộng.
Theo như tôi biết, qua thực tế quan sát cũng như qua các phương tiện truyền thông thì thực trạng “rác” thải nguy hiểm này từ lâu đã trở thành vấn đề đáng báo động ở hầu hết các vùng nông thôn nước ta. Người nông dân vẫn còn có ý thức thấp kém khi họ không nghĩ tới những hậu quả dài lâu mà môi trường sống phải gánh chịu cũng như đất canh tác và nguồn nước bị ô nhiễm. Các loại bao bì đựng thuốc kích thích, thuốc BVTV thường được làm bằng nhựa, nilon - là các chất cực kỳ lâu phân hủy, vì thế, nó sẽ tồn tại trong đất lâu và sẽ tác động, ảnh hưởng tới môi trường rất lớn.
Một số tỉnh như Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương..., ý thức của người nông dân đã cao, sau khi sử dụng thuốc kích thích cây trồng, thuốc BVTV xong, người ta thu gom vào một địa điểm tập kết nào đó, rồi chờ chôn lấp, thiêu hủy. Thế nhưng, số lượng các địa phương mà người nông dân có ý thức, trách nhiệm với cuộc sống của chính họ cũng như môi trường như thế không phải là nhiều.
Chính vì lẽ đó, giải pháp hữu hiệu và bền vững hơn hết cho vấn đề “rác” từ bao bì thuốc BVTV - đó chính là ý thức của người nông dân. Khi tất cả các địa phương, mà phần lớn người nông dân có trách nhiệm và “chăm lo” cho môi trường như thế thì một bộ phận những người còn có ý thức thấp kém trong vấn đề này sẽ dần nhận ra để tự nâng tầm ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Thêm vào đó, chính quyền ở các địa phương cũng phải thường xuyên tác động bằng việc tuyên truyền vận động, giáo dục người nông dân ở địa phương mình có ý thức giữ gìn môi trường. Mặt khác, các địa phương cũng cần chú trọng đầu tư xây dựng các bể chứa loại rác đặc biệt này theo sự phân bổ hợp lý tại các khu đồng ruộng để người dân sau khi sử dụng xong là họ có thể thuận tiện bỏ vào. Việc phân công, cắt cử vài ba người tại mỗi cấp làng, xã trong việc thu gom, vận chuyển loại rác này từ các bể chứa tới nơi chôn lấp, tiêu hủy tập trung cũng là rất cần thiết.
Nếu làm tốt từ khâu tuyên truyền cho tới việc quy hoạch bể chứa, quy trình vận chuyển cũng như việc chôn lấp tiêu hủy như vậy, tin chắc rằng loại rác nguy hiểm từ thuốc BVTV sẽ không còn vương vãi khắp đồng ruộng nữa.
Bài & ảnh: Diễm Hương