Hà Nội

Giải pháp bền vững giúp người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc điều trị ARV

08-11-2024 06:22 | Y tế

SKĐS - Bảo hiểm y tế là giải pháp bền vững giúp người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với thuốc điều trị ARV liên tục, suốt đời và các quyền lợi khám chữa bệnh khác...

Vai trò của bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV/AIDS

Là một thành viên Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), Đồng Đức Thành - người 30 năm sống chung với HIV cho biết: "Có bảo hiểm y tế, tôi được nhiều quyền lợi. Mỗi lần khám bệnh tôi được cơ quan bảo hiểm chi trả hỗ trợ điều trị đúng tuyến đến 80%, chi trả cho cả những xét nghiệm đắt tiền. Bảo hiểm y tế chính là “cứu cánh” hỗ trợ tôi về kinh tế và thuốc ARV. Nhờ duy trì điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, sức khỏe của tôi được cải thiện, sinh hoạt và công việc không bị xáo trộn nhiều".

Tuân thủ điều trị ARV giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, làm việc bình thường. Mặc dù thuốc ARV không 'tiêu diệt', chữa khỏi được HIV nhưng ngăn HIV sinh sôi và phá hủy các tế bào CD4 (tế bào bạch cầu) chống lại nhiễm trùng. Việc uống thuốc giúp làm giảm tải lượng HIV trong máu đến mức không phát hiện được, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền hoặc không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục.

Đối với người mẹ nhiễm HIV, nếu tuân thủ điều trị ARV, tải lượng virus đạt ngưỡng ức chế hay không phát hiện được cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho con trong quá trình mang thai và cho con bú. Không những thế, người nhiễm HIV thường hay ốm đau do hệ miễn dịch suy giảm, nên bảo hiểm y tế rất quan trọng và cần thiết, giúp giảm gánh nặng liên quan đến chi phí y tế như nằm viện, tiền mua thuốc suốt đời, Đồng Đức Thành chia sẻ.

Điều 40 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: Người đang tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bị nhiễm HIV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định danh mục thuốc kháng HIV do BHYT chi trả. Như vậy, Luật BHYT không phân biệt người nhiễm HIV/AIDS với người mắc bệnh khác (trừ một số trường hợp quy định tại điều 23 của Luật này) và người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT sẽ được hưởng chế độ và được chi trả giống như các bệnh khác. Điều đó có nghĩa là, tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ giảm được chi phí trong điều trị HIV.

Đối với người nhiễm HIV thuộc các đối tượng sau sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh:

  • Người nhiễm HIV thực hiện khám, chữa bệnh tại các tuyến xã, huyện...
  • Nằm trong diện dân tộc thiểu số
  • Thuộc diện hộ nghèo
  • Trẻ em dưới 6 tuổi...
Giải pháp bền vững giúp người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc điều trị ARV- Ảnh 1.

Tuân thủ điều trị ARV giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, làm việc bình thường.

Những dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được bảo hiểm y tế chi trả

Những dịch vụ y tế dưới đây được bảo hiểm y tế chi trả:

- Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả).

- Xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con, nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả.

- Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

- Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng virus HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

- Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh.

- Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả).

- Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các địa phương đã kiện toàn các cơ sở điều trị và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thanh toán khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tích cực tham gia BHYT sau khi tư vấn cho người bệnh về lợi ích khi tham gia BHYT, đồng thời hỗ trợ mua thẻ BHYT cũng như triển khai các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng để người nhiễm HIV yên tâm điều trị.

Ứng phó với cơn đau ở người nhiễm HIV như thế nào?Ứng phó với cơn đau ở người nhiễm HIV như thế nào?

SKĐS - Đau liên quan đến HIV có thể là do triệu chứng của chính HIV hoặc/và triệu chứng của các bệnh tật hoặc nhiễm trùng khác, do tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV… Bất kể nguyên nhân là gì, cơn đau cũng cần được đánh giá và điều trị, giúp người nhiễm HIV có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Bạn hỏi - Chuyên gia trả lời: Tất tần tật về HIV/AIDS I SKĐS


An Minh
Ý kiến của bạn