Trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, trò chơi dân gian không chỉ là những sản phẩm mang tính vận động đặc trưng mà còn biểu hiện tinh thần xuất phát từ trong lao động sản xuất của người Việt xưa. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, loại hình di sản văn hóa này ngày càng mai một. Sự giao lưu và tiếp biến những ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp của nhiều trào lưu văn hóa đương đại đã dẫn tới sự đổi thay mang tính tiêu cực đối với trò chơi dân gian của các dân tộc. Bảo tồn trò chơi dân gian vốn đã khó, phát huy nó trong xã hội hiện đại còn nhọc nhằn hơn.
Nhận thức đúng về trò chơi dân gian
Trong cuộc sống hiện đại, hình thức giải trí của trẻ em và cả người lớn đều theo xu hướng "công nghệ hóa" như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Rất khó bắt gặp những đứa trẻ chơi trò kéo co, ô ăn quan hay đánh khăng... Thậm chí trẻ em ở các làng quê hiện nay cũng rất hiếm khi túm 5 tụm 3 để chơi bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba.
Trò chơi dân gian giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ.
Ngày nay, trò chơi dân gian chỉ có thể xuất hiện thường xuyên trong các lễ hội của địa phương tổ chức. Các trò chơi quen thuộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đấu vật, đua voi, đua bò, đua ghe... có vẻ đang được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, các phong trào tổ chức ngày hội văn hóa thể thao diễn ra sôi nổi cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn các trò chơi dân gian. Nhưng theo các nhà quản lý, chúng ta cần tổ chức thường xuyên những lễ hội như thế để tạo thành nếp sinh hoạt của người dân. Thông qua đó, để mọi người có thể tham gia cùng nhau thi tài, là cơ hội truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng như gìn giữ được nét văn hóa tốt đẹp trong đời sống.
Thực tế, trò chơi văn hóa dân gian của các dân tộc như: nu na nu nống, thả đỉa ba ba, trồng nụ, bịt mắt bắt dê, chơi u, chắt chuyền, ô ăn quan... kèm theo các câu đồng dao khuyến khích sự khéo léo, vui đùa tập thể chứ không hề nhàm chán như hình thức giải trí hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ. Bên cạnh đó, các trò như: đánh khăng, trốn tìm, cướp cờ, ống phóc, nhảy dây... còn thể hiện sự khéo léo, tính tập thể. Lớn dần lên theo lứa tuổi lại có các trò chơi có tính chuyên môn hơn như: bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, thi bơi, vật, ném còn... Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, mỹ.
Bảo tồn thế nào?
Thực tế hiện nay cho thấy, việc hướng giới trẻ quay về với văn hóa giải trí dân tộc không phải là một bài toán dễ, nhất là khi công nghệ đã và đang tác động quá sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, việc bảo tồn và duy trì trò chơi dân gian trong các lễ hội dường như chưa đủ để hấp dẫn những người trẻ. Những ngày vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức chương trình hoạt động với chủ đề: Cùng chơi trò chơi dân gian các nước. Chương trình này tạo cơ hội cho trẻ em tăng cường hiểu biết về văn hóa Việt Nam và một số nước trên thế giới với các hoạt động vui chơi, khám phá như: trẻ em trình diễn trang phục các nước, múa rối nước, rối cạn, làm đồ chơi dân gian, chơi trò chơi dân gian… Đây được coi là một trong những sáng tạo mới nhằm giúp trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận với trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, hình thức giao lưu trò chơi dân gian giữa các nước cũng sẽ giúp trẻ em Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình với di sản văn hóa của dân tộc.
Trong khuôn khổ chương trình, hoạt động khám phá các trò chơi dân gian giới thiệu đến công chúng nhỏ tuổi sự đa dạng trò chơi của các nước. Cùng một trò chơi, các em có thể khám phá bằng nhiều cách chơi khác nhau như: chơi lò cò có kiểu chơi khác nhau của Ấn Độ, Indonesia, Oman, Jordan, Việt Nam… Trò chơi kéo co có kiểu kéo hai góc của Việt Nam và ba góc, bốn góc của Thái Lan; trò chơi ô ăn quan của Indonesia, Philippines và Việt Nam có sự khác nhau về dụng cụ chơi, cách chơi… Những hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng giúp các em khám phá những nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa của Việt Nam và các nước, đồng thời tự cảm nhận và thêm yêu những di sản văn hóa của quê hương mình.
Qua lần tổ chức đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mong muốn tạo một sân chơi bổ ích cho các em nhỏ. Quan trọng hơn cả, các em sẽ ý thức rằng, trò chơi dân gian các dân tộc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học vô cùng lớn. Đặc biệt và thú vị hơn khi chính các em phát hiện ra trò chơi dân gian chỉ được bảo tồn và phát huy bằng hình thức truyền miệng, truyền tay và được học hỏi trong quá trình biểu diễn hoặc thi đấu... Điều đó khác hẳn với những trò chơi được lưu giữ trong ổ cứng của các thiết bị công nghệ hiện đại.
Tùng Lâm