Ngày 2 tháng 3 năm 2014, tại Los Angeles (Mỹ) đã diễn ra lễ trao giải lần thứ 86 của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ. Bộ phim của đạo diễn Steve McQueen 12 years a slave (12 năm nô lệ) đã đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm 2013.
Cuộc đua Oscar năm nay thêm một lần nữa chứng minh sự sáng suốt của Hollywood, và rộng hơn, điện ảnh Anh ngữ nói chung. Bởi Oscar là giải thưởng điện ảnh chính không chỉ của nước Mỹ mà cả cộng đồng Anh ngữ. Oscar là cuộc biểu dương những thành tựu thực tế của nền công nghiệp Hollywood, hơn bất cứ một giải thưởng điện ảnh nào khác trên thế giới, nó biết nắm bắt tâm trạng xã hội. Quan sát các đề tài của những bộ phim chính đoạt Oscar 2014, có thể rút ra kết luận: âm hưởng chủ đạo là sự mất niềm tin vào ngày mai.
Đạo diễn xuất sắc nhất Alfonco Cuaron.
Đề tài xuyên suốt
Dường như cuộc khủng hoảng đã trôi qua, nhưng xét theo Hollywood và giải Oscar thì hiện nay, mọi người vẫn sợ cái mới. Trong 9 bộ phim Oscar được ưa chuộng thì có 4 phim nói về những thử thách tàn khốc đối với con người: 12 năm nô lệ (con người tự do bị bán làm nô lệ), Gravity (nhân vật đơn độc tìm cách sống sót sau tai họa trên một con tàu vũ trụ), Dallas Buyers Club (nhân vật biết mình bị bệnh AIDS và chỉ còn sống được 1 tháng), Captain Phillips (nhân vật bị bọn cướp biển Somalia bắt làm con tin).
Còn 4 phim nữa – American Hustle, The Wolf of Wall Street, Philomena, Nebraska - cũng là những toan tính khác nhau thu xếp với quá khứ không xa, tìm hiểu vì sao chúng ta đã sa ngã đến như vậy (có thể bổ sung 2 phim nói về nỗi ám ảnh của quá khứ - Blue Jasmine và August: chúng không được giới thiệu ra tranh giải Phim hay nhất của năm nhưng giữa chúng đã diễn ra cuộc tranh giành đề cử vai Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất).
Ngoại lệ duy nhất trong số những phim chính được ưa chuộng – phim khoa học viễn tưởng Her của đạo diễn Spike Jonze – kể về mối tình của một nhà văn với hệ điều hành máy tính. Những bộ phim khác biệt về thể loại như vậy chỉ có thể được đề cử giải Oscar hàng đầu từ khi Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ mở rộng danh mục các bộ phim được giới thiệu ra tranh giải phim hay nhất từ 5 lên 10.
Tuy nhiên, bộ phim của Spike Jonze cũng không mâu thuẫn với đề tài của giải Oscar năm nay bởi chính nó nói về nỗi cô đơn của một con người, về sự điên rồ mà những quái thai của thời hiện đại có thể gây ra trong tương lai. Suy cho cùng, đó cũng là sự khủng hoảng.
Vai Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất
Năm nào cũng vậy, trừ một vài ngoại lệ - cuộc tranh giành vai nữ diễn viên chính xuất sắc của giải Oscar kém thú vị hơn vai nam. Trong các vở kịch cổ điển – từ Shakespeare đến Chekhov – cứ 7 - 8 vai nam thì có 2 - 3 vai nữ. Những năm gần đây, Hollywood có ý định khắc phục xu thế này, mặc dù ở đấy nhân vật nữ thường chỉ là bạn gái của nhân vật nam chính. Các bộ phim, nơi nhân vật nữ là trọng tâm ngày càng xuất hiện nhiều hơn nhờ sự ra đời của thế hệ các ngôi sao điện ảnh trẻ từ Natalie Portman (đã 32 tuổi) đến Jennifer Lawrence (mới chỉ 23).
Dù sao thì lần này, sự lựa chọn cũng không lớn lắm. Với giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn Jasmine trong phim Blue Jasmine (Hoa nhài xanh), nữ diễn viên Úc Cate Blancher đã trở thành nữ diễn viên thứ năm nhận tượng vàng nhờ bàn tay đạo diễn của Woody Allen. Đây là lần thứ hai chị giành được giải Oscar, không tính 3 lần chị nhận giải Quả cầu vàng.
Vai Nam diễn viên chính xuất sắc nhất
Ở đề cử này, sự cạnh tranh lớn hơn. Thực chất, cả 5 ứng cử viên đều xứng đáng và bất cứ sự lựa chọn nào của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ, than ôi, cũng đều bất công. Buồn nhất là diễn viên thực sự tài năng Leonardo DiCaprio không được nhận Oscar với vai diễn của mình trong phim The Wolf of Wall Street của đạo diễn Martin Scorsese. Đây là đề cử Oscar thứ năm của anh. Nói chung, 5 lần đề cử là một vinh dự. Nhưng đối với Leonardo DiCaprio, đây quả là một sự xúc phạm. Anh có thể xứng đáng cả 10 đề cử. Lẽ ra anh đã được nhận danh hiệu này từ lâu. Nhưng người ta không thể tha thứ cho siêu thành công quá sớm của anh trong phim Titanic, nơi thậm chí anh không được đề cử.
Năm nay, giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất đã thuộc về diễn viên Matthew McConaughey với vai diễn trong phim Dallas Buyers Club. Nhân tiện cũng xin nói, vì vai diễn, nơi nhân vật không chết vì bệnh AIDS sau 1 tháng như được dự báo mà tiếp tục sống sôi nổi, năng động, chiến đấu chống lại bọn maphia của các hãng dược phẩm, Matthew McConaughey đã giảm cân đến mức trở thành một kẻ da bọc xương. Oscar thường khích lệ những chiến công của các diễn viên.
Giải đạo diễn xuất sắc nhất
Ở đề cử này, mọi chuyện đơn giản hơn. Giải đạo diễn phim xuất sắc nhất đã được trao cho đạo diễn người Mexico Alfonso Cuaron làm việc tại Hollywood với phim Gravity (Cuộc chiến không trọng lực). Trong suốt thời gian tồn tại của Hiệp hội các đạo diễn Mỹ, bắt đầu từ năm 1948, chỉ có 6 bộ phim được trao giải xuất sắc nhất của năm, sau đó lại không nhận được giải đạo diễn xuất sắc nhất. Vì vậy, các ứng cử viên còn lại như David O. Rusele với phim American Hustle, Alexander Payne với phim Nebraska, Martin Scorsese vĩ đại với phim The Wolf of Wall Street, kể cả Steve McQueen với phim 12 years a slave cũng đều rơi vào thế “việt vị”.
Bộ phim xuất sắc nhất năm 2013
12 years a slave đã trở thành bộ phim đầu tiên của đạo diễn da màu đoạt giải phim hay nhất trong lịch sử Oscar suốt 86 năm. Bộ phim khắc họa cảnh đời có thật đầy cay đắng của nghệ sĩ dương cầm da màu Solomon Northup, bị lừa tới Washington, bị bắt cóc và đem bán làm nô lệ ở các bang miền Nam. Ký ức hãi hùng về những ngày bị bắt cóc và bị bán đi như một kẻ nô lệ được ông thuật lại trong cuốn tự truyện viết ngay sau khi ông được giải phóng 12 năm sau đó.
12 years a slave chiến thắng vì: Thứ nhất, đây là đề tài rất quan trọng và vẫn khép kín như xưa đối với nước Mỹ, đề tài về sự áp bức người nô lệ da đen. Thứ hai, tính chính trị đúng đắn của bộ phim. Thứ ba, Hollywood thường xuyên bị chỉ trích về nạn phân biệt chủng tộc. Rốt cuộc, một người Anh gốc Phi có thể bước lên sân khấu để nhận một giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh! Đây quả là một con át chủ bài đối với giải Oscar năm nay.
(Theo báo Nga)