Giải Nobel Văn học năm 2017: Bất ngờ của sự bất ngờ

12-10-2017 11:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có người ví Giải Nobel Văn học hàng năm nhiều khi còn bất ngờ hơn cả những trận bóng đá đỉnh cao. Vẫn biết rằng chúng hoàn toàn khác nhau, vì Giải Nobel Văn học không phải là một trận thi đấu mang tính chất đối kháng như bóng đá.

Vậy mà nó cũng gây nên sự bất ngờ thú vị không kém cho các nhà cái, giới chuyên môn và hàng chục triệu người yêu thích văn chương trên toàn thế giới.

Có những cái ngờ mà không bao giờ ngờ được

Vẫn biết rằng Giải Nobel Văn học 2017 đã có chủ với chiến thắng của Kazuo Ishiguro, một công dân Anh, gốc Nhật. Vẫn biết rằng nếu không phải là Ishiguro nhận giải năm nay thì sẽ có một người khác thế chỗ. Vì trong thực tế, lịch sử 110 năm Giải Nobel Văn học chỉ có 4 năm từ 1940-1943 là không trao giải vì lý do Chiến tranh Thế giới II, nên Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển không tổ chức chấm và trao giải. Còn lại 106 năm, đều đặn, năm nào Giải Nobel cũng được trao. Nhưng phần lớn các lần trao Giải Nobel Văn học đều gây sự bất ngờ cho tất cả mọi phía: giới chuyên môn, nhà cái cá cược, chủ nhân được giải và cả công chúng yêu thích văn chương. Giải Nobel Văn học năm nay cũng không phải là một ngoại lệ.

Nên nhớ cho đến trước ngày công bố hai hôm, cái tên Kazuo Ishiguro không hề có trong bảng cá cược của các nhà cái có máu mặt ở tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là Anh và Mỹ. Ngay cả giới chuyên môn về văn chương cũng rất ít bình luận về nhà văn này. Có người cho rằng đây chính là cách mà Hội đồng Giải Nobel luôn quan tâm, ngõ hầu mang đến sự bất ngờ, hấp dẫn cho giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh này. Có người đồ đoán rằng Hội đồng Giải Nobel luôn biết cách mở các chiến dịch truyền thông hướng sự quan tâm của giới chuyên môn, các nhà cái và dư luận chú ý đến một số gương mặt nào đấy, còn người có khả năng đoạt giải bao giờ cũng là con át chủ bài, phải được “giấu” rất kỹ đến mức có thể để tránh “đòn hiểm” từ mọi phía các đối thủ, các nhà cái, giới chuyên môn và dư luận.

Chân dung nhà văn Kazuo Ishiguro.

Chân dung nhà văn Kazuo Ishiguro.

Viết đến đây, tôi lại liên tưởng đến các cuộc thi trên truyền hình Việt Nam. Hình như các nhà tổ chức của nước ta cũng học được miếng võ này từ Hội đồng Giải Nobel, hoặc mọi cuộc thi đều có chung đặc tính ấy tôi cũng không biết nữa (!?). Ở các cuộc thi trên truyền hình của nước ta, người đoạt giải quán quân thường là những cái tên mà ít ai ngờ tới, kể cả giới chuyên môn, lẫn công chúng, ngoài một số nhân vật có quyền định đoạt của ban tổ chức. Đấy mới chỉ là ở phạm vi một nước đang phát triển như Việt Nam làm sao có thể so sánh với Giải Nobel Văn học mang tầm cỡ quốc tế có tuổi đời hàng trăm năm. Vì thế sự bất ngờ ấy khiến rất ít người có thể ngờ được.

Chỉ biết rằng, đùng một cái, bà Sara Danius, Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển tuyên bố xanh rờn cho rằng: Bằng những cảm xúc dạt dào, văn chương của Kazuo Ishiguro đánh thức những góc tối tăm, thầm kín trong tâm hồn chúng ta trong mối liên hệ với thế giới. Và cũng trong buổi lễ công bố này, bà Danius đã không quên đổ lỗi cho ông chủ của giải thưởng danh giá này rằng việc dự đoán Giải Nobel Văn học ngày một khó lường có lẽ cũng là do lỗi của... Alfred Nobel. Và ngay chính nội bộ các thành viên trong Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng chưa bao giờ thống nhất quan điểm về khái niệm tác phẩm nổi bật nhất theo lý tưởng định hướng là như thế nào theo ý của nhà sáng lập Giải Nobel đề ra hơn 100 năm về trước.

Chỉ riêng Kjell Espmark, một trong số các thành viên của Viện từng tìm thấy tới 7 cách giải thích khác nhau cho khái niệm lý tưởng định hướng trong thế kỷ 20. Có lẽ cũng vì thế mà vào các năm 2015 và 2016, Viện này đồng ý cho mở rộng khái niệm văn học, mà theo truyền thống trước đây chỉ dành cho các tác phẩm văn chương hư cấu như tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ ca, nay đã tràn sang cả các thể loại bán hư cấu, mà các nhà chuyên môn thường gọi là ái văn chương như hồi ức, tư liệu hay ca từ của các ca khúc để tiện bề trao giải cho Svetlana Alexievich và những phóng sự của bà hay cho những lời bài hát của Dylan, thứ vốn có nhiều sức mạnh trong ngôn ngữ âm thanh của các ca sĩ hơn là ngôn ngữ chữ viết của văn chương.

Chủ nhân Giải Nobel Văn học 2017 là ai?

Trước hai ngày công bố giải, trong danh sách ở nhà cái lớn nhất Anh quốc là Ladbrokes các tỷ lệ đặt cược xếp theo thứ tự là nhà văn Kenya Ngugi Wa Thiong’o với tỷ lệ 4/1 với các tác phẩm bao gồm nhiều thể loại như: tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình văn học và xã hội văn học thiếu nhi. Đây là nhà văn có nhiều kỳ vọng nhất nhiều năm liền, nhưng năm 2017 ông mãi vẫn chỉ là kỳ vọng mà thôi. Tiếp sau vị trí số một Ngugi Wa Thiong’o là nhà văn người Nhật Haruki Murakami (5/1), xếp sau thứ ba là nữ nhà văn Margaret Atwood (6/1), sau đó là nhà thơ người Hàn Quốc Ko Un (8/1) và nhà văn, ký giả người Israel nổi tiếng với những tác phẩm về xã hội Israel hiện đại Amos Oz (10/1). Còn cái tên Kazuo Ishiguro không hề thấy xuất hiện trên bảng cá cược năm nay.

Nhưng dường như Hội đồng chấm giải năm nay muốn sửa sai qua kết luận của bà Danius: Hy vọng lựa chọn năm nay làm thế giới hạnh phúc. Nhưng tôi là ai mà có quyền phán xét. Chúng tôi chỉ chọn ra người mà chúng tôi nghĩ rằng đó là một thiên tài văn chương. Và thế là cái tên Kazuo Ishiguro được xướng lên, làm cả thế giới bàng hoàng.

Kazuo Ishiguro sinh ngày 8/11/1954 tại Nagasaki, Nhật Bản. Lên 6 tuổi (1960) ông và gia đình chuyển đến Anh định cư. Kazuo tốt nghiệp Đại học Kent năm 1978 và nhận bằng Thạc sĩ sáng tác văn chương của Trường đại học East Anglia năm 1980.

Nhưng phải 2 năm sau đó ông mới khởi nghiệp văn chương bằng việc cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay A Pale View of Hills (tạm dịch: Vòng quanh khu đồi), và ngay sau đấy, cuốn sách này đoạt giải thưởng Winifred Holtby của Viện Văn học Hoàng gia Anh. 7 năm sau (989), ông giành giải Man Booker cho tiểu thuyết  The Remains of the Day (tạm dịch: Những điều còn lại mỗi ngày). Năm 2008, ông được tạp chí Times xếp vào danh sách một trong 32/50 nhà văn vĩ đại nhất nước Anh kể từ năm 1945. Tạp chí này cũng từng gọi cuốn Never let me go (Mãi đừng xa tôi) của ông là một trong 100 cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Hai cuốn tiểu thuyết Never let me go The Remains of the day của Ishiguro từng được chuyển thể thành phim. Ngoài ra, ông còn là biên kịch nhiều bộ phim khác. Những tác phẩm của Kazuo Ishiguro từng được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam như: Người khổng lồ ngủ quên, Mãi đừng xa tôi, Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông...

Khách quan mà nói, nhìn vào sự nghiệp sáng tác của Kazuo Ishiguro không có gì là quá nổi trội so với các ứng viên có mặt trong bảng cá cược ở các nhà cái. Có ý kiến cho rằng chắc là những cái tên được cho là ứng viên sáng giá nói ở trên, chỉ có ý nghĩa với các nhà cá cược, còn với Hội đồng chấm giải, chúng đã quá nhàm tai, nên họ chẳng quan tâm. Vả nếu Giải Nobel được trao cho một trong những cái tên ấy thì còn gì là thú vị của sự bất ngờ nữa, khiến Giải Nobel Văn học hàng năm kém hấp dẫn chăng? Cũng có người cho rằng Giải Nobel Văn chương những năm gần đây đã khoác lên mình tấm áo mang tính chất địa chính trị rất rõ nét hơn thay vì tính văn chương vốn có của nó như những năm trước đây.

Và Giải Nobel Văn học là như vậy, xin ai đừng quá bận tâm.


Đỗ Ngọc Yên
Ý kiến của bạn