Chiến tranh và tư tưởng độc tôn của chủ nghĩa toàn trị là con đường ngắn nhất để đi đến vực thẳm diệt vong của loài người. Nhân loại sẽ đi về đâu trong bóng đêm lầm lũi của lòng hận thù sắc tộc, của những ảo tưởng chiến tranh và những tham vọng chính trị mù quáng? Hội đồng Hàn Lâm Thụy Điển trao giải Nobel văn học 2015 cho nữ nhà báo Svetlana Aleksievitch - gốc Belarus trong khung cảnh xung đột gay gắt giữa Nga và phương Tây, giữa thảm họa khủng bố của lực lượng Hồi giáo và làn sóng di cư hỗn loạn, phải chăng đó là cách để gửi thông điệp vừa nêu đến toàn nhân loại?
Bằng sự dồn nén những chiều kích khác nhau của lịch sử, tác phẩm của Svetlana Alexandrovna Aleksievitch là một bản khảo trạng nội tâm về nỗi đau khổ của nhân loại. Đặt ngòi bút vào trung tâm của những vũng xoáy sự kiện, bà đã phản ánh trung thực và xúc động về dư chấn của Thế chiến thứ hai, về thảm họa hạt nhân và những khủng hoảng giá trị trong xã hội toàn cầu hóa.
Svetlana Alexandrovna Aleksievitch là một nữ nhà báo từng sống lưu vong ở các nước như Pháp, Đức, Thụy Điển. Tinh thần phản biện xã hội đầy dung khí và trung thực của một nhà báo, khiến bà phải chịu nhiều đau đớn trước khi được vinh danh giải Nobel văn học. Aleksievitch sinh năm 1948 tại thị trấn Ukraine Stanislav trong một gia đình nhà giáo, tuổi thơ trải qua ở miền Belarus. Bà theo đuổi ngành báo chí và trở thành phóng viên cho một tạp chí ở Minsk. Svetlana Alexandrovna Aleksievitch quan tâm sâu sắc đến xã hội hậu chiến, Thảm họa hạt nhân Chernobyl (1986) ở Ucraina và sự sụp đổ xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu.
Là một nhà báo dấn thân vào con đường lịch sử và chính trị, nhưng Svetlana Alexandrovna Aleksievitch không đứng về bất kỳ một đảng phái nào. Lý tưởng duy nhất mà bà tôn thờ là tinh thần tự do của con người. Chấp nhận sự trả giá về phía bản thân, bà đã phê phán không khoan nhượng những chính thể độc tài - các thế lực vốn kìm hãm giá trị bản thể của con người. Các tác phẩm như: Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ, Những nhân chứng cuối cùng, Sự kết thúc của người đỏ... đã cho thấy một quan điểm chính trị nhất quán của Svetlana Aleksievitch. Dù phức hợp bằng những giọng điệu khác nhau, nhưng cuối cùng tác phẩm của bà vẫn đi đến niềm khao khát của nhân loại: một thế giới không đổ máu, dù dưới hình thức nào. Tinh thần phản biện, đối thoại của Aleksievitch là lý do khiến cho tác phẩm của bà bị kiểm duyệt ở Belarus và bà phải chịu sống lưu vong trong hơn mười năm trời. Có những cuốn sách của Aleksievitch thế giới biết đến trước cả bạn đọc ở nơi chốn mà bà sinh ra.
Việc trao giải Nobel văn học cho nhà báo Svetlana Alexandrovna Aleksievitch đã cho thấy sự mở rộng biên độ thể loại trong việc chấm giải của Hội đồng Hàn lâm Thụy Điển. Tác phẩm của Aleksievitch nằm ở ranh giới giữa báo chí và tiểu thuyết. Các nhà phê bình phương Tây định danh cho bà là: Roman de voix/Tiểu thuyết của những giọng nói. Năm cuốn sách được bà thực hiện trong 30 năm trời, dưới hình thức ghi âm lại tiếng nói của vô số chứng nhân lịch sử. Mỗi nhân vật là một số phận - tuồng như là một vụ án chính trị. Đó là những con người vô danh trong cuộc chiến tranh vệ quốc, là những nạn nhân trong trại tù dưới chính quyền độc đoán của Stalin, những người lính của Nga trong cuộc chiến Afghanistan, những nạn nhân của thảm họa hạt nhân Chernobyl kinh hoàng. Aleksievitch đã thuyết phục người đọc bằng sự thật trần trụi của những nhân chứng lịch sử. Nghĩa là, bà để người trong cuộc - những chứng nhân từng nếm trải nỗi đau tự cất lên tiếng nói của chính mình.
Thuộc dòng văn học hậu chiến, Svetlana Aleksievitch đã nhìn về chiến tranh một cách đa chiều. Bà cho rằng, xưng tụng chiến thắng là một cách hạ thấp đi giá trị của chiến thắng. Con đường đi đến chiến thắng vĩ đại luôn thông qua những tấn bi kịch. Chiến thắng bao giờ cũng trả giá mà người dân là những nạn nhân bước qua thảm máu của chính họ. Dĩ nhiên, bà ca ngợi tinh thần dũng cảm, nhân hậu, vị tha của người Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc; bà đã trân trọng sự hy sinh, nỗi khổ đau và niềm tự hào của dân tộc mình. Trong cuốn Chiến tranh không mang gương mặt người phụ nữ, bà đã dành một vị trí trang trọng cho cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân Nga, mà trên hết là những người phụ nữ. Đó là những nữ bác sĩ, y tá, điều dưỡng: yêu nước, anh dũng, tận hiến vì sự sống của đồng loại. Họ cứu sống con người trong những hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh. Nhưng con người ở đây mang bản chất nhân loại chứ không vì bất kỳ một đảng phái, một chiến tuyến nào. Cách nhìn đa chiều về cuộc chiến là nguyên nhân dẫn đến sự kiểm duyệt gay gắt bản thảo cuốn sách này. Một thời gian sau tác phẩm mới được chính thức xuất bản ở Belarus và nhanh chống được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Sức lôi cuốn của ngòi bút Svetlana Aleksievitch là sự phê phán, phản biện xã hội. Cuốn Sự kết thúc của người đỏ đã mổ xẻ sâu sắc, sinh động và trung thực xã hội hậu Xô Viết. Bà gọi chế độ Nga Hoàng là một thể chế độc đoán, chính quyền hậu Xô viết là sự độc tài. Sau hậu chiến, người Nga bị lừa mị. Họ nuôi một giấc mơ ảo tưởng, một thiên đường trên mặt đất mà không bao giờ với tới được. Nói rõ hơn, đó là một giấc mơ được xây dựng trên những nhà tù, những độc đoán, giết chóc và thanh trừng, nhưng được bao bọc trong những thuyết giáo đạo lý và tinh thần đồng loại cao cả. Người Nga không chuẩn bị cho sự sụp đổ của giấc mơ hoang tưởng ấy và họ choáng váng, mất phương hướng khi sự thật phũ phàng đã bày ra một cách trần trụi...
Tác phẩm của Svetlana Aleksievitch không chỉ là bản khảo trạng nội tâm về tội ác của chiến tranh mà là còn là lời cảnh tỉnh cho những cuồng vọng của các nhà lãnh đạo độc tài. Theo bà, bất kỳ một thể chế nào, nếu thực thi những chính sách độc đoán và chạy theo tham vọng thống trị nhân loại đều có thể gọi là một Hitler Đức Quốc xã.
Có thể nói, chủ đề trung tâm trong các sáng tác của Svetlana Aleksievitch đó là sự tự do và niềm khát khao về một thế giới bình yên. Bà cho rằng, nhân loại đang tiến đến ngõ cụt nếu chúng ta dửng dưng trước những toan tính, những âm mưu hiện hành của chủ nghĩa toàn trị. Tầm tư tưởng ấy của bà hiển nhiên hoàn toàn xứng đáng với vị trí của một giải Nobel văn học cao quí? Alexandrovna Aleksievitch không chỉ là hiện thân cho niềm kiêu hãnh của phụ nữ trên thế giới, mà là niềm tự hào cho giới báo chí - một lĩnh vực chưa một lần được bước lên khán đài vinh danh của Hội đồng Hàn Lâm ở Stockholm.
Trần Huyền Sâm