Ghi nhận tại BV Nhi Đồng 1, TP HCM, thời điểm này đã có một số trẻ nhập viện vì căn bệnh tay chân miệng – vốn có “đỉnh” vào khoảng tháng 5-6 hàng năm. Đây là một căn bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa mà các bác sĩ (BS) khuyên phụ huynh nên cẩn trọng trong mùa hè này.
“Mùa hè còn là thời điểm một số căn bệnh nhiễm khác gia tăng như thủy đậu, quai bị, sởi… gia tăng. Trong đó, bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa nên các phụ huynh cần nhắc nhở các cháu rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ chơi cho các cháu. Phụ huynh cũng cần rửa tay khi chăm sóc các bé nhất là khi trong nhà có bé đang bệnh…” – BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng khuyến cáo.
Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để phòng ngừa tay chân miệng
Riêng với thủy đậu và quai bị, phụ huynh cần lưu ý đây là hai căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có thể phòng ngừa cho con bằng cách đưa bé đi tiêm ngừa.
“Việc điều trị phải tuân theo yêu cầu của BS, đừng bôi, đắp những loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng” – BS Khanh nhắc nhở. Ông cũng cho biết thêm nhiều phụ huynh rất lo lắng về việc bé trai mắc quai bị sẽ vô sinh nhưng thật ra, tình trạng vô sinh chỉ có thể xảy ra nếu bé mắc bệnh trong tuổi dậy thì và gặp biến chứng viêm tinh hoàn cả hai bên mà không được điều trị kịp thời.
Một loại bệnh mà các bé cũng dễ gặp trong mùa này là bệnh hô hấp. Trái với khu vực phía Bắc có khí hậu lạnh và bệnh hô hấp tập trung trong mùa đông, tại TP HCM, các khoa hô hấp lại đông bệnh nhi nhất vào mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 11), tiếp sau đó là những tháng lạnh hoặc quá nóng như hiện nay.
Tại BV Nhi Đồng 1, khi thời tiết bắt đầu nóng cũng là lúc khoa hô hấp tấp nập bệnh nhi. Theo BS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp - BV Nhi Đồng 1, sở dĩ mùa nóng, trẻ vẫn dễ bị bệnh hô hấp là do thói quen sinh hoạt của phụ huynh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công trẻ. Đó là thói quen sử dụng quạt máy, máy lạnh để giải nhiệt nhưng dùng liên tục hoặc không đúng cách.
BS Tuấn khuyên: “Nên chú trọng giải nhiệt cho trẻ bằng cách mặc quần áo vừa đủ, đừng thấy trẻ vừa có biểu hiện ho là mặc cho áo lạnh. Điều quan trọng hơn là trẻ cần được uống đủ nước. Quạt máy nên để chế độ quay qua lại, không thổi trực tiếp vào người trẻ; máy lạnh không nên để chế độ quá chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài".
BS Tuấn cho biết thêm trẻ cũng dễ đổ bệnh khi vừa chơi đùa đổ mồ hôi xong liền chạy vào ngồi quạt máy, máy lạnh hoặc dầm nước trong thời gian quá lâu dưới trời nắng nóng…
A.Thư