Theo các chuyên gia về truyền nhiễm và dịch tễ học thì tháng 4 bắt đầu là thời điểm thuận lợi cho các bệnh viêm não phát triển trong đó đáng lưu ý là viêm não Nhật Bản. Mặc dù là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhưng với sự xuất hiện của vaccin viêm não Nhật Bản đã đem lại cho trẻ em sự bảo vệ vững chắc trước sự tấn công của bệnh. Một nghiên cứu bài bản, khoa học về hiệu quả của vaccin này tại Hà Nam được công bố tại hội nghị Y học dự phòng toàn quốc năm 2009 đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của vaccin viêm não Nhật Bản đối với sức khỏe cộng đồng.
Đường lây truyền của virut viêm não Nhật Bản. |
Khẳng định hiệu quả bảo vệ trẻ em
PGS.TS. Phan Thị Ngà - Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương - một chuyên gia hàng đầu về các bệnh viêm não virut cho biết, viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm virut cấp tính ở hệ thống thần kinh trung ương, ổ chứa virut trong thiên nhiên là chim, lợn nhà và một số động vật có xương sống khác. Các loài muỗi Culex là trung gian truyền bệnh từ ổ chứa đến người. Trong số các nguyên nhân viêm não virut thì viêm não Nhật Bản chiếm tới 30% số ca bệnh mỗi năm. Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả. Tỷ lệ tử vong do VNNB ở khoảng từ 0,3-60% tùy theo thời gian phát hiện bệnh sớm và trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm. Nhiều trường hợp trẻ được cứu sống nhưng để lại di chứng nặng nề ở hệ thần kinh như hạn chế vận động, chậm phát triển trí tuệ... Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh VNNB, vì vậy điều trị trợ sức và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Yến - Chủ nhiệm Chương trình TCMR phía Bắc, để cắt đứt nguồn lây bệnh ở nhiều nơi trên thế giới người ta tính đến sử dụng hóa chất diệt vectơ VNNB là muỗi Culex nhưng đây chỉ là biện pháp giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định với giá thành rất cao. Việt Nam là nước nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước. Vì vậy việc phòng trừ vectơ VNNB lại càng khó khăn hơn không chỉ vì thiếu kinh phí mua máy móc, hóa chất mà còn là những cánh đồng lúa rộng lớn chứa đựng quần thể muỗi vectơ phong phú này. Do đó biện pháp phòng trừ bệnh VNNB bằng phòng trừ vectơ, kể cả dùng hóa chất là hoàn toàn không thực tế và không có hiệu quả.
Gây miễn dịch phòng bệnh là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, điều đó đã được chứng minh ở tất cả các quốc gia sử dụng vaccin VNNB để phòng bệnh. Tại Việt Nam, đứng trước sự hoành hoành của VNNB đối với trẻ em, Chính phủ đã quyết định đưa vaccin này vào trong TCMR ở những khu vực có nguy cơ cao. Thực tế cho thấy, những năm qua nơi nào có sự bao phủ của vaccin này ở đó giảm rõ rệt số trẻ mắc bệnh.
Tiêm vaccin viêm não Nhật Bản cho trẻ tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. |
Giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng
Để đánh giá hiệu quả của vaccin VNNB sau khi được tiêm, các chuyên gia của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm y tế dự phòng Hà Nam đã có một nghiên cứu suốt 7 năm qua. ThS. Đặng Đình Thoảng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nam cho biết, điều kiện tự nhiên ở Hà Nam có nhiều thuận lợi cho bệnh VNNB phát triển, hằng năm có rất nhiều ca tử vong vì căn bệnh này nhưng mãi đến năm 1995 vaccin VNNB bắt đầu xuất hiện ở Hà Nam nhưng dưới hình thức dịch vụ nên tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp. Từ năm 2003 vaccin này mới được đưa vào TCMR cho trẻ từ 1- 5 tuổi ở những khu vực có nguy cơ cao đã tạo ra sự thay đổi lớn về miễn dịch trong cộng đồng, tỉ lệ mắc bệnh giảm đi rõ rệt. Các đối tượng mắc chủ yếu chưa được tiêm vaccin.
Theo ThS. Đặng Đình Thoảng, để nâng cao hiệu quả phòng chống các bệnh truyền nhiễm về nguyên tắc cần tác động vào một hoặc cả 3 yếu tố của quá trình dịch đó là nguồn truyền nhiễm, đường truyền bệnh và khối cảm thụ bệnh. Đối với bệnh VNNB, tiêm vaccin để bảo vệ khối cảm thụ là biện pháp hiệu quả nhất. Nhưng để có thể ngăn ngừa được bệnh thì tỷ lệ tiêm vaccin phải đạt được trên 80% trên phạm vi rộng. Nhờ có sự triển khai 3 mũi vaccin VNNB trong TCMR từ năm 2004 mà tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ đã giảm đi 2,03 lần so với trước đó. Trên những bằng chứng nghiên cứu khoa học, chúng tôi khẳng định rằng việc giảm tỷ lệ mắc VNNB ở Hà Nam những năm qua chủ yếu là do can thiệp bằng vaccin. Việc đưa vaccin này vào TCMR đã giảm bớt gánh nặng về chi phí phòng bệnh và điều trị cho người dân, nơi đa số là những người làm nông nghiệp có thu nhập thấp.