Testosterone không chỉ giúp cho đời sống tình dục trở nên viên mãn mà còn hoàn thiện sức khỏe nền tảng của phái mạnh, bao gồm các cơ quan của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiết niệu, xương khớp, thần kinh và não bộ.
Testosterone được sinh ra ở đâu?
Testosterone được bài tiết chủ yếu ở tinh hoàn, chỉ có một lượng nhỏ từ những steroid do vỏ ngoài của tuyến thượng thận tạo nên. Ở phụ nữ cũng có một lượng nhỏ testosterone được bài tiết ra từ buồng trứng (và cả tuyến thượng thận) nhưng rất ít so với nam giới. Testosterone chịu trách nhiệm cho sự phát triển bình thường của cơ quan sinh dục nam như: dương vật, tinh hoàn, bìu, tuyến tiền liệt, túi tinh...
Nội tiết tố này cũng ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển các đặc tính sinh dục nam như: tăng mọc lông tóc, giọng trầm, gây hưng phấn và ham muốn tình dục, sự trưởng thành của tinh trùng... Ngoài ra, testosterone làm tăng tổng hợp protein, thúc đẩy quá trình phát triển của cơ bắp, kích thích tạo hồng cầu...
Có thể nói testosterone là nhiên liệu cho bộ máy sinh sản của nam giới hoạt động, nên khi bị thiếu hụt sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Nồng độ testosterone thấp (thiếu hụt) không chỉ đi kèm với giảm ham muốn giới tính và kém cương dương ở mức độ nào đó mà còn gây ra tình trạng kém hăng hái, giảm nghị lực sống, mỏi mệt, giảm khả năng trí tuệ.
Testosterone ở nam giới trưởng thành được phóng thích khoảng 4 – 10 mg/ngày. Từ 30 tuổi trở đi, lượng Testosterone có xu hướng giảm nhẹ mỗi năm.
Những dấu hiệu giảm testosterone ở nam giới
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của tình trạng giảm testosterone là: Giảm ham muốn tình dục, cương dương kém, giảm số lượng tinh trùng và khả năng sinh sản hoặc thấy vú to ra, tinh hoàn có thể nhỏ và mềm. Nam cũng có thể có những triệu chứng tương tự như nữ ở thời kỳ mãn kinh, đó là cơn bốc nóng, dễ cáu giận (tăng sự kích thích), khó tập trung và trầm cảm.
Một số nam giới có thể bị giảm bài tiết testosterone nhiều và kéo dài, khi đó bị rụng lông trên cơ thể và giảm khối cơ, xương có thể giòn hơn và dễ gẫy… Ở người trẻ, sự bài tiết testosterone ít có thể làm giảm sự mọc râu và lông trên cơ thể, giảm phát triển khối cơ và cơ quan sinh dục, giọng nói cũng không trầm…
Vai trò của testosterone
Testosterone bắt đầu hoạt động ngay cả khi cơ thể chưa được sinh ra đời. Lúc này, testosterone có vai trò trong sự hình thành bộ phận sinh dục nam. Ở tuổi dậy thì, testosterone chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các thuộc tính nam như giọng nói trầm hơn, kích thích mọc râu và lông trên cơ thể. Ngoài ra, testosterone cũng thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp và hình thành cảm giác "ham muốn tình dục".
Ở tuổi dậy thì, khi nồng độ testosterone tăng lên, tinh hoàn và dương vật phát triển mạnh mẽ. Tinh hoàn tạo ra một lượng testosterone ổn định và cung cấp tinh trùng mới mỗi ngày. Nam giới có lượng testosterone thấp có khả năng bị mất ham muốn tình dục. Testosterone có thể giảm trong một thời gian dài không hoạt động tình dục.
Testosterone có một vai trò cần thiết trong một số hành vi nhất định. Nếu testosterone thấp dẫn đến mất tự tin, gây rối loạn giấc ngủ, thiếu năng lượng và giảm động lực. Chưa hết, tình trạng này còn làm giảm khả năng tập trung và gây ra cảm giác buồn bã.
Testosterone làm tăng dẫn truyền thần kinh, kích thích sự tăng trưởng mô. Ngoài ra, nó cũng tương tác với các thụ thể trong gen, dẫn đến sự tổng hợp protein. Testosterone làm tăng nồng độ của hormone tăng trưởng, giúp cho việc luyện tập ở nam giới có nhiều khả năng cải thiện cơ bắp.
Bên cạnh đó, testosterone còn làm tăng mật độ xương và có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu từ tủy xương. Những quý ông có lượng testosterone đạt mức rất thấp có nhiều khả năng bị chấn thương và gãy xương.
Duy trì nồng độ testosterone?
Việc duy trì nồng độ testosterone bằng các giải pháp sao cho vừa an toàn mà thiết thực là mục đích mà quý ông nên hướng tới. Giải pháp tốt nhất đối với đại đa số đàn ông muốn ổn định mức testosterone là thay đổi lối sống.
Việc ăn uống không điều độ, ngủ ít, không tập thể dục… là những yếu tố sẽ "nhấn chìm" testosterone. Đặc biệt, khi bị stress thì hormone căng thẳng cortisol tăng cao, testosterone sẽ bị giảm sút nhanh.
Vì vậy nam giới nên cân bằng cuộc sống của mình giữa làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn và năng tập luyện thể dục thể thao. Một số môn thể dục đòi hỏi tăng cường độ làm việc của cơ bắp có thể tăng testosterone hiệu quả nhất như: nâng tạ, chạy nước rút, đạp xe đạp…
Tăng cường dinh dưỡng: Ăn thêm dầu mỡ, những chất béo không bão hòa đơn, tốt cho sức khỏe như trứng, bơ, ô liu, dầu dừa, các loại hạt…Cần ngủ đủ giấc, tắm nắng nhiều hơn cũng có thể tăng cường testosterone.
Cả nước ghi nhận 3.943 ca COVID-19 mới, Hà Nội xử phạt 14,3 tỷ đồng vi phạm COVID-19.