
"Na Tra 2: Ma đồng náo hải" đã phá vỡ hàng loạt kỷ lục, trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Nhìn bề ngoài, “Na Tra 2: Ma đồng náo hải” (2025), phần tiếp theo của bom tấn năm 2019 “Na Tra: Ma đồng giáng thế”, chỉ là một bộ phim hoạt hình võ thuật sôi động, hình ảnh tuyệt đẹp, tràn ngập những khoảnh khắc vui nhộn và cảnh chiến đấu ly kỳ.
Nhưng ẩn sau tất cả lại là một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều: một sự tưởng tượng lại thật táo bạo về thần thoại truyền thống, lịch sử văn hóa và triết lý của Trung Quốc.
Không giống như hành trình của những người anh hùng kinh điển Hollywood, Na Tra 2 bắt nguồn từ tư tưởng truyền thống Trung Quốc, đan xen các triết lý từ Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Mặc gia, Pháp gia, v.v.
Thông qua câu chuyện về một vị thần chiến binh có gương mặt trẻ thơ chiến đấu với quỷ dữ, bộ phim chuyển tải hàng thế kỷ truyền thống Trung Quốc thành một thứ gì đó mới mẻ, phù hợp và mang tính toàn cầu khó có thể phủ nhận.
Thành công của bộ phim tự nói lên điều đó. Được đạo diễn và biên kịch bởi Sủi Cảo, Na Tra 2 đã phá vỡ nhiều kỷ lục phòng vé toàn cầu, thu về hơn 1 tỷ USD tại Trung Quốc chỉ trong một tuần; lọt vào top 10 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất - vượt qua Inside Out 2 (2024).
Nhưng điều gì khiến Na Tra 2 trở nên hấp dẫn ngoài những cảnh tượng thị giác ngoạn mục của nó? Về bản chất, đây là một câu chuyện truyền cảm hứng về bản sắc, ý chí tự do, quyền tự quyết và sự nổi loạn - những ý tưởng vang vọng vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Một anh hùng nhí được hun đúc từ thần thoại và triết học
Na Tra là một vị thần nổi loạn trong văn hóa dân gian Trung Quốc - một cậu bé sinh ra với siêu năng lực, người thách thức cả kỳ vọng của thần thánh và xã hội.
Hầu hết những người biết đến Na Tra sẽ lần theo truyền thuyết về cậu từ "Phong Thần diễn nghĩa", một tiểu thuyết thời nhà Minh kết hợp giữa thần thoại với các yếu tố lịch sử.
Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của Na Tra lại bắt nguồn từ Ấn Độ.
"Na Tra" là phiên âm rút gọn của từ tiếng Phạn Nalakuvara (hay Nalakūbara) - một nhân vật thần thoại Ấn Độ xuất hiện trong thần thoại Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Khi Phật giáo lan truyền đến Trung Quốc vào thời nhà Đường, huyền thoại về Na Tra đã phát triển từ một vị thần hộ mệnh đáng sợ thành chiến binh nhí nổi loạn, cưỡi bánh xe lửa mà chúng ta biết ngày nay.
Trong Na Tra 2, tinh thần chiến đấu chống lại quyền lực và trật tự xã hội này thậm chí còn đi xa hơn, biến câu chuyện thành một cuộc khám phá triết học sâu sắc hơn về đạo đức, số phận, lòng tự trọng và quyền lực.

Thân Công Báo, từng bị coi là nhân vật phản diện, đã chiến đấu với ba con rồng hùng mạnh. Ảnh: Chengdu Coco
Thiện và ác - quan điểm của Đạo giáo
Một trong những khía cạnh khơi gợi suy nghĩ nhất của Na Tra 2 là cách nó thách thức ý tưởng về thiện và ác.
Trong triết học Đạo giáo, ác và thiện (một biểu hiện của triết lý âm – dương) không phải là tuyệt đối, mà là những lực lượng thay đổi, có sự kết nối với nhau.
Thông qua hai nhân vật chính: "Ma đan" (Na Tra) và người bạn hoàng tử rồng cao quý "Linh châu" (Áo Băng), bộ phim phản ánh một cách tuyệt đẹp tư tưởng Đạo giáo về sự cân bằng và tự khám phá này.
Sự hợp nhất của họ làm mờ ranh giới giữa anh hùng và kẻ phản diện, và làm sống dậy một khái niệm cốt lõi từ tác phẩm Đạo Đức Kinh, được viết vào khoảng năm 400 trước Công nguyên bởi Lão Tử.
Lão Tử nhấn mạnh rằng chính nghĩa và tà ác không phải lúc nào cũng như vẻ bề ngoài của chúng. "Khi thế gian biết cái đẹp là cái đẹp, thì sẽ nảy sinh sự xấu xí", ông nói.
Những người mà chúng ta cho là cao quý có thể hóa ra lại đen tối bên trong, trong khi những người bị coi là xấu xa có thể đang đấu tranh cho điều đúng đắn.
Nhân vật Na Tra trong phim thể hiện triết lý Đạo giáo này. Cậu tuyên bố: "Số phận của tôi tùy thuộc vào tôi, không phải Trời".
Na Tra là chiến binh nhí sẵn sàng chết để chiến đấu cho số phận của chính mình, chứng minh rằng ngay cả những cá nhân nhỏ bé nhất, bị đánh giá thấp nhất cũng có thể thay đổi thế giới.
Sự tái sinh của Nho giáo
Trong một cảnh, Na Tra bị "lời nguyền đâm thấu tim" tấn công, một câu thần chú tàn bạo khiến 10.000 chiếc gai bao phủ cơ thể cậu, gây ra nỗi đau không thể chịu đựng được. Mẹ của Na Tra, Âm Thập Nương, bám chặt lấy con khi những chiếc gai đâm vào da bà nhưng bà quyết không buông tay.
Đó là khoảnh khắc đau lòng về tình yêu thương của cha mẹ và sự thức tỉnh bên trong, khi mẹ Na Tra trút hơi thở cuối cùng
Đây là cao trào cảm xúc của bộ phim, trong đó đứa trẻ bị cho quỷ dữ đã thức tỉnh với lòng “Nhân", một đạo đức cốt lõi của Nho giáo.

Na Tra và Ngao Bính hướng tới tương lai. Ảnh: Chengdu Coco Cartoon
Nho giáo dạy rằng đạo đức thực sự không phải do các quy tắc áp đặt mà phát sinh tự nhiên từ bên trong. Na Tra không chỉ tìm cách trả thù, cậu thức tỉnh để chiến đấu vì những người bị áp bức, nắm lấy bản sắc của mình với quyết tâm không lay chuyển.
Nhưng có lẽ sự chuyển đổi sâu sắc nhất đến từ hoàng tử rồng Ngao Bính. Là hy vọng cuối cùng của dân tộc mình, gánh vác nhiều thế kỷ kỳ vọng, cuối cùng cậu đã đưa ra lựa chọn, không phải vì di sản, không phải vì tổ tiên, mà là vì chính mình.
Vào khoảnh khắc này, người cha oai nghiêm của cậu, Vua Rồng, buông tay: “Con đường của con là do con tự tạo ra”.
Sức nặng của truyền thống nhường chỗ cho điều gì đó mới mẻ, phản ánh một Trung Quốc đang thay đổi, nơi những thế hệ trẻ đang tự định nghĩa con đường của riêng mình.
Trí tuệ của chủ nghĩa Pháp gia và Mặc gia
Ngoài lý tưởng của Đạo gia và Khổng giáo, Na Tra 2 còn đan xen cải cách của chủ nghĩa Pháp gia và sự phản kháng của Mặc gia. Những triết lý này thách thức các hệ thống trật tự xã cứng nhắc (hoặc trong trường hợp của Na Tra là "trật tự thần thánh") và ủng hộ công lý tập thể.
Trong suốt ba phiên tòa lớn của Na Tra và cuộc chiến giữa thiên thần và ma quỷ, một sự thật tàn khốc đã xuất hiện: những người bị coi là không xứng đáng - dù là chuột chũi, sinh vật huyền bí hay con người bình thường - đều bị hiến tế để duy trì sự cai trị của giới tinh hoa.

Những con chuột chũi vô hại trong Na Tra 2 bị tiêu diệt nhân danh sự cân bằng của thiên giới. Ảnh: IMDB
Hãy lấy những con chuột chũi nhỏ làm ví dụ. Mặc quần áo vá, sống sót nhờ cháo bí ngô. Chúng chưa bao giờ làm hại ai. Tuy nhiên, chúng bị nghiền nát không thương tiếc nhân danh sự cân bằng của thiên giới.
Sau đó là Thạch Cơ Nương Nương, một ẩn sĩ không làm hại ai. Cô chỉ đắm chìm trong vẻ đẹp của chính mình, nói chuyện với tấm gương ma thuật của mình. Tuy nhiên, thiên đàng đã đóng dấu cô là một con quỷ, định đoạt số phận của cô.

Thạch Cơ Nương Nương, nữ quỷ 10.000 năm tuổi, vốn chỉ là một hòn đá. Ảnh: Chengdu Coco Cartoon
Một sự tàn ác tương tự đã xảy ra với Gia tộc Rồng và người dân Trần Đường Quan, tất cả đều bị cuốn vào một cuộc chiến mà họ chỉ là những quân cờ trên bàn cờ thiên đàng.
Ngay cả trận chiến cuối cùng cũng không chỉ là cuộc chiến của Na Tra, mà là một chiến trường thể hiện tinh thần tập thể của Trung Quốc. Rồng, lính tôm, tướng cua, chiến binh bạch tuộc, con người và hàng triệu yêu tinh sát cánh bên nhau để viết lại vận mệnh.
Bản thân cuộc chiến giữa thiên thần và quỷ dữ diễn ra giống như một bài học trong Binh pháp Tôn Tử, trong đó nêu rằng "Mọi cuộc chiến đều dựa trên sự lừa dối". Chiến tranh là về chiến lược, khả năng phục hồi và ý chí vươn lên không thể ngăn cản.
Na Tra mang trong mình sức nặng của bản sắc văn hóa phương Đông: sự cân bằng của Đạo giáo, đạo đức Khổng giáo, sự phản kháng của Mặc gia, cải cách của Pháp gia và trí tuệ chiến lược của Binh pháp Tôn Tử. Đây thực sự là một câu chuyện đậm Trung Quốc, được kỳ vọng ở giải Oscar năm tới và khơi dậy sự thức tỉnh toàn cầu đối với văn hóa phương Đông.