Giải mã sự vắng bóng ca khúc thiếu nhi mới

06-09-2019 07:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thiếu vắng ca khúc thiếu nhi mới giàu tính giáo dục và nhân văn là thực tế “biết rồi, nói mãi” trong nền âm nhạc nước ta thời gian qua.

Thế nhưng lỗ hổng này đến nay vẫn chưa được lấp đầy, các em nhỏ vẫn “khát” những bản nhạc mới chất lượng, vẫn phải tìm về những ca khúc cũ hoặc hát ca khúc không phù hợp với lứa tuổi trong nhiều chương trình trên truyền hình.

Nếu như trước đây, các ca khúc dành cho các em nhỏ xuất hiện hàng loạt tác phẩm đặc sắc, ấn tượng và có giá trị theo thời gian thì vài năm trở lại đây dường như không có sáng tác mới nào được các em nhỏ biết đến và yêu mến. Những ca khúc đã có tuổi đời, ra đời từ lâu như Em mơ gặp Bác Hồ, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng, Trường cháu là trường mầm non, Con chim vành khuyên, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Đi học về, Chú ếch con, Cháu yêu bà, Hổng dám đâu, Bụi phấn, Múa cho mẹ xem, Em như chim câu trắng, Bố là tất cả, Gọi trâu, Diều ơi, Em là bông hồng nhỏ... vẫn là những bản nhạc được các em yêu mến và thuộc nằm lòng chứ không phải là sáng tác mới.

Theo nhiều nhạc sĩ, sự thiếu vắng ca khúc mới trong mảng âm nhạc thiếu nhi ở nước ta là thực tế không thể phủ nhận. Chính vì điều này, trong nhiều chương trình giải trí, truyền hình thực tế đã đến với người xem gồm Thần tượng tương lai, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Giọng hát Việt nhí..., các em nhỏ đã lựa chọn những bài hát dành cho người lớn, với những lời hát về tình yêu, về chia ly, đau khổ... khiến cho người lớn không khỏi giật mình. Chưa kể, nhiều em nhỏ còn lựa chọn các ca khúc tiếng nước ngoài để biểu diễn dù không hiểu hết ý nghĩa, nội dung ca khúc ấy. Bởi vậy, các em chẳng khác gì một con rối bị giật dây trên sân khấu, đang ca hát phục vụ người lớn chứ không phải ca hát nhằm thỏa niềm đam mê lứa tuổi.

Giải mã sự vắng bóng ca khúc thiếu nhi mớiVì thiếu tác phẩm mới chất lượng, các em nhỏ trong nhiều chương trình tài năng âm nhạc phải hát ca khúc không hợp tuổi hoặc của nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Việc thiếu vắng ca khúc mới cho thiếu nhi, theo các nhạc sĩ, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, hiện nay các em nhỏ có nhiều sự lựa chọn trong việc giải trí, được tiếp cận với công nghệ từ sớm. Bên cạnh đó, ngay cả phụ huynh rất thích nghe những bài hát tình cảm, dẫn đến các em nhỏ bắt chước và nhập vào đầu những bài hát đó. Cũng phải thừa nhận, hiện nay rất ít bố mẹ hát cho các con nghe những bài hát thiếu nhi để tạo thói quen và hình thành sự yêu thích của con với thể loại âm nhạc này. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ trẻ thời gian qua không mặn mà với sáng tác cho thiếu nhi và đồng thời viết nhạc cho thiếu nhi không phải dễ. Nhạc sĩ Đoàn Đăng Đức cho rằng, không phải ai cũng có thể sáng tác được nhạc cho thiếu nhi. Người sáng tác nhạc cho thiếu nhi cần phải có một tình yêu đặc biệt với tuổi thơ, phải có một tâm hồn thật trong sáng, khi sáng tác ca khúc phải hóa thân vào chính các em mới có thể sáng tác được những tác phẩm đi vào tâm hồn và cuộc sống của lứa tuổi này. Ngoài ra, ca từ trong bài hát mới cho thiếu nhi hiện nay còn thiếu sâu sắc, hình ảnh chưa sinh động và các đề tài chưa thật gần gũi với đời sống hiện nay của các em.

Ngoài ra, vấn đề phát hành ca khúc mới cho thiếu nhi cũng là điều mà nhiều nhạc sĩ lo ngại. Theo nhiều nhạc sĩ, nước ta hiện nhiều kênh truyền hình từ trung ương và địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có một kênh truyền hình chuyên biệt nào dành cho âm nhạc thiếu nhi. Đa số là kênh phim truyện, phim hoạt hình thiếu nhi chứ không phải ca nhạc. Lý giải điều này, theo nhạc sĩ Quỳnh Hợp, các đài phát thanh - truyền hình ở nước ta đã giảm ngân sách cho việc dàn dựng, thu thanh những sáng tác mới cho thiếu nhi. Trong khi đó, bản thân các tác giả cũng không có điều kiện kinh tế để tự thu thanh và quảng bá những sáng tác của mình. Do đó, không ít ca khúc mới ra đời cũng chỉ nằm trên giấy và cất tủ chứ không thể lan tỏa, quảng bá rộng rãi.

Nhiều cuộc bàn tròn nhằm tìm sự khởi sắc cho âm nhạc thiếu nhi thời gian qua đã diễn ra, thế nhưng mảng nhạc này vẫn là nốt trầm buồn đối với các em nhỏ và công chúng. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho rằng, rất cần những chiến lược dài hạn, đầu tư cho ca khúc thiếu nhi. Nhạc sĩ viết cho thiếu nhi cần được giúp đỡ, quan tâm nhiều hơn. Bởi đầu tư cho các em là đầu tư cho một thế hệ tương lai. Bản thân các nhạc sĩ cứ làm việc đơn lẻ, cô độc thì khó có thể tạo nên một sự thay đổi mạnh mẽ.

PGS - nhạc sĩ Thế Bảo lại đưa ra quan điểm, cơ quan chức năng phải xây dựng một kho tư liệu công nghệ thông tin để mọi người có thể truy cập, tìm được các sáng tác thiếu nhi và cũng cần có một kênh âm nhạc truyền hình Việt 24/24 dành riêng cho thiếu nhi để tạo sự tác động và thay đổi đời sống âm nhạc thiếu nhi hiện nay. Với các chương trình văn nghệ, cần mời ca sĩ nổi tiếng hát nhạc thiếu nhi để thu hút các em nghe, xem, tiếp cận, giúp ca khúc thiếu nhi được lan tỏa rộng hơn. Ngoài ra, nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc cũng cho rằng cần khuyến khích hơn nữa yếu tố “động” trong chương trình học tập và giảng dạy âm nhạc trong nhà trường, cũng như ngoài đời sống để tăng cường nét nhạc mới, phong cách nhạc mới, tính hiện thực cho phù hợp với thời đại.


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn