Stephen Hawking - thiên tài vật lý lý thuyết và vũ trụ học
Theo xác nhận của gia đình Stephen Hawking, ông ra đi vào sáng sớm ngày 14/3 tại nhà riêng ở TP. Cambridge, Anh. Hawking sinh ngày 8/1/1942, hiện đang đảm nhận chức giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết của Đại học Cambridge. Ông là tác giả 15 cuốn sách, trong số này có những tác phẩm nổi tiếng như The Big Bang và Lược sử thời gian đề cập về vấn đề vũ trụ. Ngày Stephen Hawking ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà thiên văn học kiêm vật lý Galileo Galilei. Trong số những công trình khoa học của Hawking, nổi bật nhất là dự án hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát, và tiên đoán lý thuyết hố đen phát bức xạ (tức bức xạ Hawking). Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát với cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải nhiều thế giới về cơ học lượng tử. Cuốn Lược sử thời gian đứng trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times trong thời gian 237 tuần liền. Lược sử thời gian (A Brief History of Time) là ấn phẩm khoa học phổ thông, được xuất bản lần đầu vào năm 1988. Nó trở thành một cuốn sách bán chạy nhất với hơn 9 triệu bản trên quy mô toàn thế giới và là nguồn cảm hứng cho bộ phim tài liệu của Errol Morris.
Stephen Hawking những năm tháng mắc bệnh ALS
Về đời tư Stephen Hawking kết hôn với Jane Wilde tháng 7/1965, hai người có 3 mặt con, Robert, Lucy và Tim. Trong cuốn hồi ký, Hawking có ghi việc Wilde ngày càng trở nên trầm cảm vì tình trạng bệnh tật của ông. Cuối cùng, để giải thoát, ông và Wilde đã ly hôn vào năm 1990. Đến năm 1995, Stephen Hawking kết hôn với Elaine Mason, một y tá chăm sóc cho ông. Với những đóng góp to lớn cho nhân loại, đặc biệt là trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học Hawking đã được trao nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Tự do Tổng thống, Giải Wolf, là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng. Hawking đảm nhiệm vị trí giáo sư toán học tại Đại học Cambridge từ năm 1979 đến năm 2009. Năm 2002, ông được xếp đứng thứ 25 trong cuộc bình chọn 100 người Anh vĩ đại nhất của BBC.
Hawking và 55 năm mang căn bệnh quái ác ALS
Năm 1963, khi mới 21 tuổi đang nghiên cứu sinh, Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS), hay bệnh Lou Gehrig, căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể. Các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ có thể sống thêm 2 năm nữa. Tuy nhiên, dạng bệnh ALS mà Hawking mắc phải lại tiến triển chậm hơn bình thường, nhờ đó ông đã sống tiếp hơn nửa thế kỷ. Nhưng nhờ nghị lực phi thường, niềm tin, sự say mê nghiên cứu khoa học, Hawking cảm thấy lạc quan hơn và ít đau đớn hơn.
Stephen Hawking mắc bệnh năm 1962 khi ông mới 21 tuổi
Căn bệnh ALS khiến ông ngày càng trở nên bất lực trong việc vận động. Nhà khoa học gần như bị liệt toàn thân và phải sử dụng xe lăn cả quãng đời còn lại. Năm 1986, Hawking buộc phải bỏ giọng nói để giữ được mạng sống sau khi bị viêm phổi nặng. Từ đó, ông phải sử dụng hệ thống máy tính trợ giúp đặt trên tay xe lăn để giao tiếp. “Tôi cố gắng điều hướng cuộc sống bình thường nhất có thể, không nghĩ nhiều về tình trạng bệnh tật hay tiếc nuối về những thứ ngăn cản tôi làm việc. Tôi đã có một cuộc sống đầy đủ, thỏa mãn..., đáng tiếc do sức khỏe, không đóng góp thêm một cái gì đó vào sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ”, Hawking viết trong hồi ký.
Mặc dù đã qua đời ở tuổi 76, nhưng Stephen Hawking đã sống một cuộc đời không chỉ để làm nên kỳ tích trong ngành vật lý và thiên văn mà còn là tấm gương “vượt lên số phận” chiến thắng căn bệnh ALS hiểm nghèo trong suốt 55 năm qua.
Thấy gì qua nghị lực và tuổi thọ của Hawking khi mắc bệnh ALS?
Ngoài thiên tài về khoa học, Stephen Hawking còn là người đã thực sự “chiến thắng số phận”, trở thành người sống lâu nhất với căn bệnh ALS bởi theo thống kê của Hiệp hội ALS, tuổi thọ trung bình của người mắc bệnh này không quá 2 - 3 năm sau khi được chẩn đoán. Hơn 50% số người bệnh qua đời trong năm thứ 3 và 20% sống được tới năm thứ 5. Hiếm hoi, có khoảng 10% người sống trên 10 năm và 5% sống được trên 20 năm, nhưng riêng Hawking đã đạt kỷ lục “ngoại hạng” với trên 55 năm.
Cuốn Lược sử thời gian của Hawking, ấn phẩm bestseller
Việc Stephen Hawking “sống chung” cùng ALS được xem là điều “kỳ diệu y học”, nó giúp con người hiểu sâu thêm về những bí ẩn của căn bệnh này. Đây là căn bệnh mà đến nay, khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân cho tới cách phòng ngừa, chữa trị. Điều này cho thấy Hawking là một “hiện tượng”, nếu giải mã được, hy vọng sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhóm người chẳng may mắc phải căn bệnh này. ALS là từ viết tắt cho cụm từ Amyotrophic Lateral Sclerosis. Có thể hiểu ngắn gọn là bệnh xơ cứng teo cơ, hay bệnh Lou Gehrig sau khi VĐV bóng chày người Mỹ được chẩn đoán bệnh năm 1939 ở tuổi 36. Đặc thù của bệnh ALS là làm suy thoái hệ thần kinh, nó xảy ra khi các tế bào thần kinh đặc biệt trong não và tủy sống được gọi là neuron động cơ ngừng hoạt động không đúng cách, chuyên môn gọi là thoái hóa thần kinh (neurodegeneration). Như đã đề cập, tuổi thọ của nhóm người ALS rất ngắn, nhưng tiến trình bệnh diễn ra rất chậm như Hawking quả là hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% số ca mắc bệnh ALS.
Trường hợp của Hawking đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, ALS là căn bệnh tiến hóa mạnh hơn so với giả định, với nhiều dạng bệnh, và được chia thành bốn loại:
Một, ALS (làm yếu các nơ-ron vận động trên, các nơ-ron vận động dưới hoặc cả hai). Hai, PMA (chủ yếu làm suy yếu các nơ-ron vận động dưới). Ba là PLS (chủ yếu làm yếu các nơ-ron vận động trên) và bốn là chứng bại liệt tràn lan (chủ yếu làm suy yếu cơ xương sọ). Tất cả các dạng này đều có khả năng giết chết bệnh nhân do ảnh hưởng đến hệ hô hấp (cơ hoành) và cơ nuốt (gây suy dinh dưỡng và mất nước). Tuy nhiên, cơ hoành và cơ nuốt của Hawking vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi ông qua đời đầu tháng Ba. Điều này, khoa học cho rằng, nếu đúng như vậy thì bệnh nhân có thể sống lâu hơn dự kiến, ngay cả khi họ mất khả năng di chuyển và nói chuyện. Trường hợp của Hawking một lần nữa khẳng định những người mắc bệnh ALS có thể thoát khỏi những tổn hại tác động tới các bộ phận quan trọng của não.
Stephen Hawking ra đi ở tuổi 76 hôm 14/3 vừa qua
Lý giải về hiện tượng trường thọ của Hawking, có ý kiến cho rằng Hawking đã được được chẩn đoán ở độ tuổi còn trẻ, bởi thực tế bệnh ALS thường được chẩn đoán (chủ yếu là nam giới) trên 40 tuổi, và hầu hết người bị bệnh thường phát triển các triệu chứng ở tuổi 60. Do vậy nếu trẻ vị thành niên mắc bệnh ALS, thì tốc độ phát triển chậm hơn so với nhóm tuổi phát hiện muộn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các yếu tố di truyền, trong đó phần lớn mang đột biến gen có tên A4V làm rút ngắn tuổi thọ và làm cho bệnh tình thêm trầm trọng. Tại Mỹ, những bệnh nhân mang đột biến này chỉ sống được không quá 9 tháng. Hawking là người mắc bệnh ALS nhưng không sử dụng máy thở, không giống như đa số những bệnh nhân ALS khác, điều này cho thấy căn bệnh đã ảnh hưởng đến Hawking theo một cách khác với hầu hết những người còn lại. Về phần mình khi còn sinh thời, Hawking cho rằng công việc nghiên cứu đã giúp ông có nhiều lợi thế hơn các bệnh nhân ALS khác. Ngoài ra, ông còn được chăm sóc đặc biệt, đây có thể là những yếu tố góp phần cho nhà khoa học sống thọ hơn so với những người đồng cảnh ngộ.
FDA vừa phê duyệt hai loại thuốc mới để điều trị ALS, có tác dụng kéo dài thêm thời gian sống cho bệnh nhân
Hiện tại, căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm Mỹ (FDA) mới phê duyệt hai loại thuốc để điều trị ALS, có tên riluzole (Rilutek) và edaravone (Radicava). Mỗi loại thuốc này có thể giúp bệnh nhân kéo dài thêm thời gian sống chừng 6 tháng.