Giải mã những tin đồn liên quan đến hoá trị ung thư

15-08-2023 09:50 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nói tới hoá trị, ai cũng có phần lo sợ vì quá nhiều tin đồn không 'thiện cảm'. Đúng là việc sử dụng hoá chất để diệt ung thư có thể kèm theo tác dụng phụ, nhưng cần biết những điều sau…

1. Không phải ai cũng bị "thuốc hành"

Hoá trị ung thư là một phương pháp điều trị ung thư phổ biến, sử dụng các loại thuốc đặc biệt để tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể. Các loại thuốc hóa trị có thể làm giảm sự phân chia của tế bào ung thư, ngăn chặn khả năng phát triển, lây lan và di căn sang các bộ phận khác.

Có rất nhiều thuốc hóa trị với một số tác dụng phụ khác nhau, nhưng tỉ lệ xuất hiện không phải là 100%, tức không phải ai cũng bị tác dụng phụ này. Cơ bản thuốc đã được nghiên cứu và phê duyệt với liều lượng thuốc an toàn nhất cho người bệnh.

Gải mã những tin đồn liên quan đến hóa trị ung thư - Ảnh 1.

Hoá trị là một phương pháp điều trị ung thư phổ biến.

2. Tác dụng phụ của hóa trị ung thư thường là nhẹ và có cách xử trí

Khi bác sĩ, dược sĩ giải thích về các loại tác dụng phụ, nhiều bệnh nhân rất lo lắng tưởng tượng là tất cả sẽ xảy đến với mình. Thật ra, tác dụng phụ phần lớn là không xảy ra hoặc chỉ ở mức nhẹ và có thể kiểm soát. Tác dụng phụ nặng vẫn có thể xảy ra nhưng hiếm hoặc rất hiếm bởi đa phần nếu thuốc gây tác dụng phụ nặng trên người đều bị cấm.

Bác sĩ, dược sĩ giải thích về tác dụng phụ để bệnh nhân hiểu những gì có thể xảy ra để ứng phó. Ví dụ, táo bón nên uống thêm thuốc nhuận tràng, buồn nôn thì thuốc giảm nôn... Đây là phần quan trọng để đảm bảo an toàn y tế và để bệnh nhân bớt khó chịu khi hóa trị. Một số thuốc có tác dụng phụ làm tê tay chân, bệnh nhân cũng cần phải báo cáo để bác sĩ giảm liều - giãn liều hoặc dừng thuốc.

Việc giải thích những gì có thể xảy ra cũng là một cách tôn trọng với người bệnh. Nghệ sĩ guitar không muốn tê tay hay thầy giáo trẻ không chấp nhận việc bị rụng tóc thì bác sĩ phải chọn thuốc khác không có tác dụng phụ đó. Vì thế, hiểu đúng về hóa trị có rất nhiều cái lợi.

Biết thuốc của mình tên là gì, có thể gặp tác dụng phụ nào để chuẩn bị luôn cách ứng phó chứ không phải sợ… vu vơ. Nhiều bệnh nhân bị thuốc "hành" cũng vì thiếu chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng song hành, kịp thời.

Gải mã những tin đồn liên quan đến hóa trị ung thư - Ảnh 2.

Mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân sống lâu nhất cùng với căn bệnh với chất lượng cuộc sống tốt nhất.

3. Hóa trị ung thư có tác dụng phụ, vậy có nên điều trị?

Đây là câu hỏi rất hay và rất quan trọng! Câu trả lời nằm ở mục tiêu của hóa trị là để làm gì. Bác sĩ có kinh nghiệm sẽ lựa chọn có lợi nhất trên tổng thể cho người bệnh.

Trong ung thư dạng đặc như K dạ dày, đại tràng, phổi… vấn đề này thường tùy theo giai đoạn bệnh.

- Nếu là ung thư giai đoạn sớm: Mục tiêu điều trị thường là chữa lành. Hóa trị bổ trợ (adjuvant chemotherapy) thường được đề nghị thực hiện sau mổ, trong một thời gian để giảm thiểu tỉ lệ tái phát (ví dụ từ 60% nâng lên 75%). Thời gian sống mà bệnh không tái phát dài hơn. Tuy nhiên, nếu hóa trị làm bệnh nhân gặp tác dụng phụ nguy hiểm, có nên tiếp tục hay không, theo hình thức nào sẽ tùy vào tình huống bệnh và tùy quan điểm của từng người bệnh: Người trẻ khỏe sẽ chọn khác người yếu già.

- Nếu là giai đoạn muộn và khó chữa lành: Hãy chấp nhận rằng mục tiêu điều trị sẽ là giúp bệnh nhân sống lâu nhất cùng với căn bệnh với chất lượng cuộc sống (QOL) tốt nhất. Định nghĩa QOL không rõ ràng và có thể thay đổi theo thời gian ở cùng một người, nhưng có thể hiểu nôm na là giúp bệnh nhân sống "bớt đau khổ".

Đây là quan điểm rất quan trọng, liên quan mật thiết với chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) song hành. Hóa trị ở giai đoạn này là trở thành công cụ. Ngược lại, nếu hóa trị ức chế được ung thư, bệnh nhân không gặp tác dụng phụ gì ghê gớm hoặc vẫn kiểm soát được để sinh hoạt ổn định thì hóa trị sẽ có ích. Nhiệm vụ của bác sĩ không phải là hóa trị hay không hóa trị, mà là giúp bệnh nhân bảo vệ cuộc sống của họ.

Nếu thuốc có tác dụng phụ phải có cách giảm nhẹ kết hợp. Nếu bệnh nhân vẫn bị thuốc "hành" phải đề xuất giảm liều hoặc bỏ chuyển thuốc khác.

Hoá trị ở giai đoạn này thực chất là "một cuộc dạo chơi" với bệnh nhân để họ có trải nghiệm tốt nhất trong thời gian còn lại. Nếu không có chăm sóc giảm nhẹ song hành, bệnh nhân có dùng hóa trị, thuốc đích, thuốc miễn dịch đắt tiền để ức chế khối u thì vẫn mệt mỏi, đau đớn.

Như vậy, hóa trị là con dao hai lưỡi. Nhưng vấn đề không phải ở hóa trị, mà là ở người sử dụng hóa trị không được hỗ trợ chăm sóc đa ngành, trong đó có vai trò của người thân, cộng đồng, đặc biệt quan trọng.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Thực Hư Uống Nước Lá Và Hoa Đu Đủ Trị Được Bệnh Ung Thư? |SKĐS

TS. BS Phạm Nguyên Quý
(BV Trung ương Kyoto Miniren)
Ý kiến của bạn