Nói mơ
Khoảng 5% người lớn nói mơ trong khi ngủ. Hiện tượng này có tên tiếng Anh là somniloquy, thường chỉ kéo dài khoảng 30 giây. Nói mơ khi ngủ thường xuất hiện trong vòng 1-2 giờ đầu tiên của giấc ngủ khi cơ thể bước vào giai đoạn ngủ sâu, nhưng vẫn có đủ cơ bắp để phát ra âm thanh hay những chuyển động cùng giấc mơ. Hiện tượng này thường gặp nhất ở trẻ em, ở người trưởng thành. Nói mơ thường xảy ra khi cơ thể mệt mỏi hoặc căng thẳng thần kinh như bị sốt cao, stress, thiếu ngủ...
Khi căng thẳng mệt mỏi, nhịp thở nhanh, các cơ bị căng thẳng và không ngừng cử động, hoạt động của vỏ não tăng, giấc mơ xuất hiện, có người nói thành tiếng, có người không. Tuy nhiên, người nói mơ không hề ý thức được những chuyện mình nói và khi tỉnh dậy không nhớ về việc mình nói mơ.
Nói mơ thường xảy ra khi cơ thể mệt mỏi hoặc căng thẳng thần kinh.
Việc nói mơ ở mỗi người khác nhau, có người nói rõ ràng, thành tiếng có người nói những câu không đầy đủ, lộn xộn. Theo các chuyên gia, nói mơ không phải là một dạng bệnh lý và không nguy hiểm, tuy nhiên nó gây tâm lý lo lắng cho người nói mơ và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, người nói mơ phải có một thể trạng và tâm lý khỏe mạnh bằng cách ăn uống đủ chất, làm việc và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Mộng du
Hầu hết những người trưởng thành bị mộng du cũng từng bị khi còn nhỏ, rất ít người bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng này khi đã trưởng thành. Mộng du là một trong nhóm những hoạt động được gọi là parasomnia - là nhóm những hoạt động bất thường diễn ra trong khi ngủ. Những hoạt động parasomnia thường gặp nhất là nghiến răng khi ngủ hoặc “mộng tinh”...
Các nhà khoa học coi những hiện tượng này là “những lỗi trong cân bằng và tính toán thời gian”. Hiện tương này thường bắt đầu vào khoảng 1/3 thời gian đầu tiên của giấc ngủ, rất khó để đánh thức người bị mộng du. Họ thường không thể nhớ về những gì đã xảy ra. Những cơn mộng du thường kéo dài vài giây đến nửa tiếng đồng hồ. Người trong cơn mộng du thường hành động vụng về, họ có thể sẽ đứng dậy và đi dạo vòng quanh, nhưng có trường hợp họ lái xe hoặc chơi nhạc. Các nhà khoa học cho biết, mộng du xảy ra do một điều gì đó tác động vào hệ thần kinh khiến cho người bị mộng du lẫn lộn giữa trạng thái ngủ và thức.
Sex trong khi ngủ
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Toronto, Canada cho thấy trong 800 bệnh nhân tại Trung tâm rối loạn giấc ngủ thì 8% thừa nhận mình có hành vi liên quan đến hội chứng quan hệ tình dục trong khi ngủ (tên tiếng Anh là sexmonia). Đây được xem là một dạng rối loạn giấc ngủ với biểu hiện có hành vi sex trong khi ngủ. Hiện tượng này thường diễn ra khi cơ thể dần rời khỏi giấc ngủ sâu đủ để cử động và có thể nói chuyện nhưng não bộ chưa hoàn toàn tỉnh táo. Theo các nhà nghiên cứu, những người gặp hiện tượng này chỉ mơ hồ nhớ về những gì đã xảy ra hay tỉnh dậy khi mọi việc còn đang dang dở. Điều này có thể xảy ra, khi mong muốn được thỏa mãn hay đi ngủ với ham muốn mạnh mẽ.
Giật cơ trong lúc ngủ
Hiện tượng giật cơ hay giật mình khi ngủ là phản xạ của cơ thể xảy ra vào giai đoạn chuyển tiếp giữa trạng thái tỉnh và ngủ. Hiện tượng này được các nhà khoa học lý giải do lao động và hoạt động quá sức vào ban ngày, kể cả làm việc chân tay hay lao động trí óc. Sự lo âu căng thẳng gây áp lực đè nặng lên hệ thần kinh phản xạ truyền tới não trong khi ngủ. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, hơn 70% dân số thế giới mắc phải chứng giật mình khi ngủ do họ luôn phải đối mặt với sự lo lắng, mệt mỏi, stress ở trường học hoặc nơi làm việc.
Tê cứng khi tỉnh dậy
Một số người sau giấc ngủ dài ban đêm, khi tỉnh dậy vào buổi sáng phát hiện mình không thể cử động tay, chân hoặc thậm chí không thể nói. Nhiều người còn cảm thấy không thể thở nổi giống như một vật nặng đè lên ngực mình. Hiện tượng này có thể kéo dài vài giây đến vài phút. Nguyên nhân là do một phần của não bộ giúp kiểm soát cơ bắp vẫn chưa làm việc khiến cơ thể không thể cử động.