Giải mã những dấu hiệu “lạ” ở trẻ sơ sinh

28-05-2015 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Nếu bạn lần đầu nuôi con, chưa có kinh nghiệm về trẻ sơ sinh có thể bạn phải lo lắng trước những hành động kỳ lạ của con.

Nếu bạn lần đầu nuôi con, chưa có kinh nghiệm về trẻ sơ sinh có thể bạn phải lo lắng trước những hành động kỳ lạ của con. Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, ở một đứa trẻ khỏe mạnh, có thể gặp những hành động kỳ lạ, cha mẹ không cần lo lắng vì đó chỉ là những biểu hiện bình thường ở trẻ sơ sinh. Vậy hành động nào của trẻ là bình thường? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ điều đó.

Bé hay hắt hơi

Nếu con bạn hắt hơi nhiều, bạn sẽ lo lắng rằng con bị cúm, bị cảm, bị dị ứng... Bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết: ở trẻ sơ sinh, lớp niêm mạc mũi chưa phát triển hoàn thiện, do vậy không khí hoặc một chút cặn sữa có thể gây phản xạ hắt hơi hoặc nghẹt mũi nhẹ ở trẻ. Bé cũng có thể hắt xì nhiều do đã hít phải một chút nước ối trong lúc sinh. Nhờ hắt xì, bé sẽ đẩy hết những chất này ra, do đó, cha mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ khi bé hắt xì kèm theo các triệu chứng: sốt, khó thở (khò khè), ho... cha mẹ mới nên đưa bé đi khám ở bác sĩ để chẩn đoán bệnh và điều trị nếu cần.

Cái gì trẻ cũng cho vào mồm, cho nên không để bé ngậm đồ vật nhỏ dễ gây hóc, nghẹn,...

Bé nếm tất mọi thứ

Bé thường mút tay và bất cứ thứ gì bé cầm được cũng cho vào mồm. Bạn sẽ lo lắng con bị hóc, bị nghẹt thở, bị nhiễm bệnh... Bạn hãy bình tĩnh vì bác sĩ cho biết: các phản xạ mút, gặm, cắn, nhai của bé đều là bình thường trong sự phát triển của bé mới sinh. Bé sơ sinh thường khám phá mọi vật xung quanh thông qua các giác quan: thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác, vị giác. Trẻ cũng học cách làm quen với các cử động của tay như: với, giật, nắm nhưng vẫn chưa thể cảm nhận được mọi vật qua các ngón tay. Vì vậy, khi cầm trong tay bất cứ vật gì, trẻ sẽ có ham muốn khám phá kỹ hơn nên cho ngay vào mồm, bé có thể khám phá được vật liệu đó cứng hay mềm, nhận biết được mùi vị mặn, ngọt... Cha mẹ chỉ cần chú ý tránh cho bé bị hóc, nuốt phải dị vật, cầm phải vật sắc nhọn... bằng cách chỉ cho bé chơi với những đồ vật đủ lớn để bé khó bỏ lọt vào miệng, không để bé tiếp xúc với những đồ vật nhỏ như viên bi, hạt lạc, trái táo...; không để bé cầm phải dao nhọn, kim băng...

Bé nấc nhiều

Bé sơ sinh hay bị nấc cục sau khi bú, sau khi uống nước hay uống nước ép trái cây... Bạn cần biết rằng, bé nấc là dấu hiệu bình thường của trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu. Nguyên nhân gây nấc là do sự co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, làm cho khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín lại. Bé thường nấc kéo dài vài phút và có thể nấc 3-4 lần trong một ngày. Nấc là phản xạ của thần kinh phế vị được hình thành từ trong bào thai để chuẩn bị vận hành các cơ hô hấp cho việc thở ngay sau khi trẻ được sinh ra. Trẻ sơ sinh khỏe mạnh đều có thể bị nấc bất cứ lúc nào, nhất là sau sinh và giảm dần sau khi bé được một tuổi. Nấc thường xảy ra sau khi ăn, thay đổi tư thế, khi bị nóng, lạnh... Nếu trẻ bị nấc mỗi ngày vài lần, mỗi lần 2, 3 phút là bình thường không cần khám và điều trị gì, dần dần tình trạng này sẽ hết.

Bạn có thể giảm nấc cho bé bằng cách: không nên cho ăn hoặc bú quá no, khi cho bé bú bằng bình cần chú ý không để trẻ bú quá nhanh làm dạ dày chứa nhiều hơi. Sau khi ăn nên bế bé ở tư thế đầu cao khoảng 10 phút. Nếu bé bị nấc mật độ dày và kéo dài, có thể cắt cơn nấc bằng cách cho bé uống một vài thìa nước hay bú mẹ, bế bé đứng thẳng đỡ đầu và lưng bé, để cằm bé tỳ vào vai mẹ sau đó vuốt lưng hoặc vỗ nhẹ để bé ợ hơi, cũng có thể dùng ngón tay ấn cùng lúc vào hai nắp tai một vài phút.

Bé thường nôn trớ khi ăn

Ở trẻ sơ sinh, việc nôn trớ sau khi ăn là một hiện tượng bình thường, bố mẹ không cần quá lo lắng. Bởi từ sơ sinh đến 6 tuổi, thực quản - dạ dày trẻ gần như là một đường thẳng, chưa tạo thành góc cong rõ rệt như người lớn, do đó, thức ăn đưa vào rất dễ trào ngược lên. Hơn nữa, hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ gây kích thích co bóp dạ dày dẫn đến nôn trớ.

Khi gặp trẻ sơ sinh bị nôn trớ, bạn nên cho bé uống 2-3 muỗng cà phê nước oresol để bù nước, 15 - 20 phút/lần. Nếu bé không nôn trớ tái diễn trong ít nhất một vài giờ, bạn có thể tăng dần số lượng oresol cho trẻ uống. Sau 8 giờ mà bé không nôn trớ, bạn có thể bắt đầu áp dụng công thức cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên với số lượng thức ăn tăng dần.

Bé gây âm thanh lạ khi đang ngủ

Khi ngủ, trẻ sơ sinh có thể gây ra các âm thanh lạ, bạn hãy xem đây là hiện tượng bình thường của trẻ. Trẻ có thể phát ra âm thanh cực kỳ lạ trong khi chúng ngủ như tiếng gầm gừ của động vật. Lý giải hiện tượng này, các nhà chuyên môn cho biết: mũi trẻ sơ sinh rất nhỏ, do vậy chỉ một chút đờm dãi cũng sẽ gây tắc và khiến tiếng thở tạo nên âm thanh khác thường. Khi đó, bạn chỉ cần nhỏ một chút thuốc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ để thông mũi cho bé là ổn.

BS. La Thị Nhung

 

 

 


Ý kiến của bạn