Giải mã mối quan hệ kinh tế rắc rối giữa Triều Tiên và Trung Quốc

30-08-2016 14:39 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay cả khi ngày càng bị cô lập quốc tế một cách sâu sắc, Triều Tiên vẫn có thể dựa vào Trung Quốc để duy trì nền kinh tế của mình. Bởi từ lâu nay, Trung Quốc vốn là đồng minh hỗ trợ đến 70% nền kinh tế của Triều Tiên.

Nhà kinh tế học hàng đầu Atsushi Ijuin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản vừa chuyến thị sát tới Triều Tiên để tìm hiểu xem mối quan hệ kinh tế Triều Tiên – Trung Quốc đang tiến triển hay xấu đi trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Báo Sức khỏe & Đời sống xin lược dịch bài viết về chủ đề này của nhà kinh tế học Atsushi Ijuin. Bài viết đã được đăng trên báo Nikkei (Nhật Bản) hạ tuần tháng 8.2016.

Những dòng chữ Trung Quốc bị xóa

Vào đầu tháng 8 này, tôi đã tới Rason – một đặc khu kinh tế ở phía đông bắc Triều Tiên. Có thể tới khu này bằng đường bộ từ thành phố Hunchun của Trung Quốc, khi bạn băng qua một cây cầu và đi xuyên qua khu nhập cư là có nghĩa bạn đã đặt được chân tới đất nước đầy bí ấn Triều Tiên.

Sau khi ngắm nghía quanh khu vực biên giới, chúng tôi bắt xe buýt đi dọc theo một con đường dài gần 50 km, do Trung Quốc xây, dẫn tới trung tâm thành phố Rason. Tại thành phố này, phương tiện đi lại từ Trung Quốc có thể ra vào tự do nếu như họ đã đăng ký trước. Và ở đây, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều xe tải, xe buýt và xe ô tô cá nhân mang biển số Trung Quốc ra ra vào vào Rason. Ngay cả những biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc áp dụng đối với Triều Tiên từ hồi tháng Ba vừa qua cũng không có tác dụng làm ngừng dòng chảy du khách Trung Quốc tới thành phố này của Triều Tiên. Trong những ngày mà tôi đến thăm Rason, có đến 370 du khách cũng tới thăm thành phố này, theo số liệu do các quan chức địa phương cung cấp.

Thế nhưng cũng có sự thay đổi nhỏ đáng chú ý so với thời điểm tôi đến thăm thành phố này vào năm ngoái. Những biển báo giao thông hướng dẫn đường đi từ biên giới vào thành phố từng được viết không chỉ bằng tiếng Hangul mà còn bằng tiếng Anh và cả tiếng Trung Quốc. Thế nhưng, năm nay, những dòng chữ bằng tiếng Trung Quốc đã bị cạo đi. Bên phía biên giới Trung Quốc cũng có sự thay đổi. Những tháp truyền tải điện được xây dựng theo bên đường bị bỏ dang dở. Được biết, những tháp này được xây dựng theo khuôn khổ của một dự án hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Triều Tiên, mà theo đó Trung Quốc sẽ cung cấp điện cho những nhà máy điện Triều Tiên – thứ mà nước này luôn thiếu thốn. Thế nhưng, một quan chức Rason cho hay phía Trung Quốc đã ngưng việc xây dựng các tháp truyền tải điện này kể từ hồi tháng Tư năm nay.

Chính quyền địa phương không hề đưa ra ý kiến thảo luận tại sao những dòng chữ Trung Quốc trên các biển báo giao thông chỉ đường đã bị cạo đi, tại sao các tháp truyền tải điện lại bị ngừng lại... Vì vậy, các lý do chính xác vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, những tin đồn ở Rason cho hay các biển báo giao thông chỉ đường bị cạo đi các ký tự Trung Quốc ngay sau khi Moranbong Band, một nhóm nhạc pop toàn nữ Triều Tiên do nhà lãnh đạo Kim Jong Un thành lập, đột ngột hủy bỏ lịch biểu diễn một buổi hòa nhạc tại Bắc Kinh vào hồi tháng Mười Hai năm ngoái. Còn, cũng theo những tin đồn, các tháp truyền tải điện bị đình trệ là do các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên.

Tôi rất ngạc nhiên khi được nghe từ chính miệng một doanh nghiệp địa phương cho hay rằng các ngân hàng Trung Quốc, vốn hiện diện rất nhiều ở Rason, đang dần dần biến mất khỏi thành phố này. Quả thật, các cánh cửa của ngân hàng Tumangang đã đóng chặt và những dòng chữ Trung Quốc trên đó, cũng giống như trên các biển báo giao thông chỉ đường, cũng bị xóa sạch.

Các ngân hàng Trung Quốc giúp các giao dịch chuyển tiền quan trọng qua biên giới tại đây trở nên dễ dàng hơn, và dường như không có lý do nào cho thấy Triều Tiền muốn đẩy các ngân hàng này ra khỏi nước này, để bị rơi vào tìn trạng cô lập ngoại tệ. Trước đó, khi tôi từng ở thành phố này, tôi từng chứng kiến một chi nhánh của Ngân hàng địa phương Golden Triangle thúc đẩy các giao dịch tiền gửi ngoại tệ. Vậy điều gì đã dẫn tới tình trạng ngân hàng Trung Quốc “biến mất” như vậy?

Biến thể thứ ba trong phương trình phức tạp

Tất nhiên, mối quan hệ kinh tế giữa Triều Tiên và Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi quốc tế, như lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các mối quan hệ song phương chẳng mấy tốt đẹp giữa Triều Tiên với các quốc gia khác. Tuy nhiên, một giáo sư thuộc một trường Đại học ở thành phố Dandong chỉ ra rằng: “Chính trị nội bộ của mỗi quốc gia đóng vai trò rất lớn”. Theo vị giáo sư này, xin được giấu tên, rất nhiều dự án chung giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã bị đình chỉ kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Các dự án này vốn do ông Jang Song Thaek – chú của ông Kim – vốn đã bị chính ông Kim tuyên án tử hình. Đơn cử, dự án phát triển chung Trung Quốc – Triều Tiên tại đảo Hwanggumpyong trên sông Áp Lục Giang, vốn gần như đã hoàn tất, cũng đã bị đình hoãn. Do đó, chính trị nội bộ cũng được coi có thể là nguyên nhân khiến các ngân hàng Trung Quốc tại Rason “biến mất”.

Trong khi đó, một quan chức Rason lại nhận định rằng có thể có một nguyên nhân khác: đó là kết quả từ cuộc đấu tranh quyền lực trong chính nội bộ chính quyền Trung Quốc. “Các giám đốc điều hành của các ngân hàng bị đình chỉ đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trong công tác điều tra tham nhũng. Do đó, đấy là vấn dề của Trung Quốc, không phải Triều Tiên” – vị quan chức này nói.

Thật vậy, mặc dù nhiều ngân hàng Trung Quốc đã rút khỏi Rason, một số ngân hàng khác vẫn còn hoạt động. Tên các ngân hàng Trung Quốc, vẫn có thể được nhìn thấy trên các bảng hiệu sòng bạc địa phương, thông báo cho khách hàng quen ghi nợ thẻ hoặc sử dụng dịch vụ chuyển tiền có sẵn. Tháng Sáu vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với ông Ri Su Yong – Phó Chủ tịch Đảng Công nhân cầm quyền Triều Tiền và một phụ tá thân cận của lãnh đạo Kim Jong Un tại Trung Quốc. Trong cuộc gặp này, hai bên đã cam kết thắt chặt hơn nữa mối quan hệ lịch sử giữa hai nước.

Dường như có thể an toàn để nói rằng, giống như các vị giáo sư ở Dandong đã quan sát, chính trị nội bộ đã thực sự trở thành một biến thể thứ ba trong phương trình vốn đã phức tạp của mối quan hệ kinh tế Triều Tiên – Trung Quốc. Và mối quan hệ này, theo thời gian, còn có thể đổi thay bởi nhiều tác động bên ngoài khác.


Hà Anh lược dịch
Ý kiến của bạn