Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài Khốn đốn vì vé máy bay giả phản ánh tình trạng nhiều công nhân ở quận 12 (TP HCM) bị một người tên Hoàng Quốc Việt (27 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên, tạm trú quận 12, TP HCM) lừa mua vé máy bay giả đã có nhiều bạn đọc điện thoại đến báo thông tin vụ việc.
Rất nhiều người thắc mắc vì sao khi giao dịch vé họ đã kiểm tra mã code đều có thông tin chính xác nhưng đến ngày bay bất ngờ không có tên mình trên chuyến bay?
Để giúp bạn đọc tránh bị lừa gạt, mua nhầm vé giả, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với anh Hoàng Văn Quốc (chủ một đại lý bán vé máy bay tại quận Tân Bình) về cách phòng tránh bị lừa khi đặt vé máy bay.
PV: Thưa anh, dịp Tết năm nay rất nhiều người bị các đối tượng xấu lừa đảo mua vé máy bay giả. Tại sao lại xảy ra vụ việc?
Anh Hoàng Văn Quốc: Tại Việt Nam có 3 hãng phục vụ đường bay nội địa là Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific. Việc đặt vé qua mạng còn một số kẽ hở nên vô tình tạo điều kiện cho một số đại lý làm ăn chụp giật, đối tượng xấu có cơ hội lừa đảo những người không hiểu biết.
Dịp Tết nhu cầu mua vé máy bay tăng cao. Để tránh bị lừa gạt, người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi mua
Anh có thể cho biết rõ hơn về những kẽ hở?
- Đối với hãng VietJet không cần phải thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng rồi mới có vé mà chỉ cần đăng ký ghế, chuyến bay sẽ được VietJet cho mã đặt chỗ với thời gian, tên họ chính xác. Nếu trong vòng 23 giờ khách hàng không ra phòng vé VietJet thanh toán xem như vé bị hủy.
Như vậy, trong vụ công nhân quận 12 bị lừa, đối tượng Hoàng Quốc Việt đã đăng ký phiếu đặt chỗ sau đó in ra bán cho các công nhân. Để tạo lòng tin, Việt cho họ kiểm tra trực tiếp trên hệ thống website của hãng VietJet. Nhưng ngày hôm sau vé sẽ hủy vì không thanh toán tiền. Đến ngày bay khách hàng kiểm tra sẽ phát hiện thông tin đã bị đổi tên và bán cho một khách hàng khác.
Sau khi mua vé máy bay, đến ngày đi một công nhân mới phát hiện phiếu đặt chỗ không tồn tại.
Riêng 2 hãng Jetstar Pacific và Vietnam Airlines cho phép khách hàng hoàn vé, đổi thông tin. Lợi dụng điều này, các đối tượng sẽ xuất vé bán cho khách hàng sau đó hủy vé hoặc chuyển sang chuyến bay khác.
- Như vậy làm cách nào để tránh bị mua nhầm vé giả, vé không tồn tại?
- Khách hàng nên mua vé ở những đại lý uy tín, lâu năm. Nhiều đối tượng thuê mặt bằng mở phòng vé đàng hoàng, bán vé cho hàng loạt khách hàng nhưng đến ngày bay thì cuỗm sạch tiền, biến mất.
Ngoài ra, để tránh bị lừa đảo, khách hàng có thể lên mua trực tiếp trên website của các hãng máy bay. Đối với việc mua vé ủy quyền, vé nhượng lại, người mua cần phải kiểm tra kỹ bằng cách đến các phòng vé riêng của hãng bay nhờ họ kiểm tra.
Trong trường hợp mua vé lại từ những người lạ, phải đợi vé xuất mã code sau 7 ngày. Bởi quá 7 ngày vé máy bay không thể hoàn vé hay đổi tên được.