‘Giải mã’ hiện tượng học sinh tự tử

22-03-2012 08:42 | Thời sự
google news

Hiện tượng một số học sinh tìm đến cái chết để “ tự giải thoát” đang là vấn đề đáng báo động, cần có sự quan tâm đặc biệt từ nhiều phía. Nhiều chuyên gia tâm lý GD cho rằng các trường học cần phát huy vai trò của nhà tâm lý học đường.

Hiện tượng một số học sinh tìm đến cái chết để “ tự giải thoát” đang là vấn đề đáng báo động, cần có sự quan tâm đặc biệt từ nhiều phía. Nhiều chuyên gia tâm lý GD cho rằng các trường học cần phát huy vai trò của nhà tâm lý học đường.

Thạc sỹ Giáo dục học Lê Thị Loan, Phó trưởng khoa Giáo dục học - HV Quản lý giáo dục và Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp và Nghiên cứu ứng dụng tâm lý - ĐH Giáo dục Hà Nội đặt ra hai vấn đề mấu chốt của sự việc để độc giả có cái nhìn bao quát hơn về hiện tượng học sinh (HS) thường có suy nghĩ bồng bột và tự giải thoát mình bằng cách “tự tử”.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Thạc sỹ Giáo dục học Lê Thị Loan, có những nguyên nhân chính dẫn đến việc HS thường có suy nghĩ tiêu cực và dễ làm những điều bồng bột. Thứ nhất là do đặc điểm tâm lý của lứa tuổi: Từ tuổi 12, 13 các em bước sang một thời kỳ mới với những biến động lớn về sinh lý, tâm lý, các em muốn vươn lên tự khẳng định mình như người lớn nhưng người lớn (cha mẹ, thầy cô) vẫn coi các em là trẻ con nên thường cấm đoán những hành động mà họ cho là không được phép như có bạn khác giới, yêu đương…

Thứ hai là các em còn quá ít kiến thức và kỹ năng sống đặc biệt là kỹ năng ứng phó với những tình huống bất trắc như bị bạn bè ức hiếp, tẩy chay, mất người thân, tai nạn, thất bại trong các kỳ thi… vì vậy gặp những tình huống này các em mất phương hướng, bế tắc. Thứ ba là một số cha mẹ thiếu hiểu biết và ít quan tâm đến những đặc điểm tâm lý lứa tuổi nên thiếu thông cảm, áp đặt ý kiến của mình lên con trẻ.
Một tiết Kỹ năng sống dành cho lớp 7 do phòng Tâm lý học đường của trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội)tổ chức.

Thứ tư là một số giáo viên chưa thực sự coi trọng giáo dục toàn diện cho HS thông qua môn học, chỉ tập trung vào kiến thức, ít chú trọng rèn luyên kỹ năng và hình thành thái độ đặc biệt là kỹ năng và thái độ đối với cuộc sống.

Thứ năm là vai trò của các tổ chức đoàn thể trong một số trường còn mờ nhạt, mới quan tâm đến các phong trào thi đua theo chủ đề, chủ điểm mà ít quan tâm đến tâm trạng, nguyện vọng của đội viên, đoàn viên.

Vì vậy, khi phải đối mặt với những trắc trở của cuộc sống, các em rất khó khăn trong việc tìm ra những giải pháp tích cực, đó chính là cơ hội cho những suy nghĩ và hành động tiêu cực như chống đối lại người lớn, tìm đến thế giới ảo, nghiện ngập, và có thể tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Theo nhận định của Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh, ở tuổi vị thành niên (VTN), các em rất nhạy cảm về mặt tâm lý, đó là đặc điểm phát triển của VTN. Hơn nữa, các em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, nhận thức cũng chưa chin chắn như người lớn. Bởi vậy có những chuyện mà người lớn nghĩ là nhỏ nhặt, nhưng đối với người khác, nhất là đối với trẻ em là không nhỏ nhặt. Việc nhiều em tự tử từ những lý do nhỏ nhặt như vậy cần báo động cho người lớn (giáo viên, phụ huynh) nên cân nhắc lại cách mình đã ứng xử như thế nào, khiến các em cảm thấy tuyệt vọng, mất niềm tin và đi đến kết thúc buồn như vậy.

"Tôi cũng cho rằng đây là lỗi chung của người lớn, chúng ta không thể đỗ lỗi hết toàn bộ cho nhà trường được. Giáo dục trẻ em là nhiệm vụ của toàn xã hội, cả nhà trường, gia đình và xã hội. Theo tôi, hiện nay nói chung giáo dục phổ thông có nhiều bất cập. Các hoạt động kỹ năng sống, giáo dục giới tính... được tổ chức nhiều, nhưng đều không đồng bộ, không có hệ thống, không có mục tiêu rõ ràng. " - Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh cho biết.
Khi tìm đến tư vấn tâm lý, điều các em HS cần nhất có người lắng nghe và thông cảm với mình. (Ảnh minh họa).

Giải pháp như thế nào?

Theo Thạc sỹ Lê Thị Loan, để hạn chế những hậu quả do những hành động tiêu cực của một số HS như trên,ngoài việc tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi của những bên liên quan như cha mẹ, thầy cô và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đối với HS mỗi trường học và cơ sở giáo dục cần có một nhà tâm lý học đường. Đó phải là một người có hiểu biết về tâm lý HS và các thành viên trong nhà trường, có kỹ năng phát hiện những vấn đề, những mâu thuẫn giữa giáo viên - HS, giữa HS với HS và những diễn biến bất thường trong tâm lý HS và biết tham vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động giúp các em vượt qua những cú sốc tâm lý, lấy lại cân bằng tâm lý và hạn chế những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Tiến sỹ Đặng Hoàng Minh cho rằng cần có cán bộ tư vấn tâm lý học đường trong trường học để tư vấn trực tiếp cho HS, tư vấn cho giáo viên, cán bộ giáo dục, phụ huynh về phương pháp giáo dục, dạy dỗ trẻ em cũng như xây dựng các chương trình giáo dục, định hướng về kỹ năng sống, giáo dục nghề nghiệp, điều phối các hoạt động với các bên, sao cho tạo được một môi trường học tập lành mạnh - chú trọng cả mặt học tập, thể chất và tinh thần.

Cần cách giáo dục hiệu quả

Theo cô giáo Mai Thị Lan Anh, Chủ tịch Hệ thống trường Ban Mai (Hà Đông- Hà Nội) thì hiện nay, tuy chưa phải là phổ biến, nhưng đã xảy ra hiện tượng một số giáo viên có những lời nói,hành vi không làm chủ được trước học sinh, và đã có những hậu quả đáng tiếc từ phản ứng của HS. Vấn đề này đặt ra cho các nhà trường câu hỏi lớn về môi trường giáo dục.

Lứa tuổi HS THCS là lứa tuổi có những thay đổi mạnh mẽ, đột ngột về tâm sinh lí, đặc biệt là nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân, nhu cầu được thừa nhận. Có thể nói, mọi hành động của HS dù là tích cực hay tiêu cực đều xuất phát từ mục đích đó. Hiểu như vậy để giáo viên có thể tiếp nhận những phản ứng và hành động của HS một cách bình tĩnh, ôn hòa hơn. Mỗi HS lại có một hoàn cảnh riêng với những mong muốn khác nhau. Nếu giáo viên thực sự gần gũi và lắng nghe HS nhiều hơn, tôn trọng và tìm hiểu nguyên nhân thì việc giáo dục đạo đức cho HS sẽ dễ dàng hơn, hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Dân trí


Ý kiến của bạn