Qua mỗi cuộc chiến tranh, bao giờ cũng có một đội quân được nhiều người quan tâm, muốn biết cuộc đời cùng những chiến công của họ, đó là đội quân tình báo. Họ thường xuất hiện muộn mằn, phần do yêu cầu của nghề nghiệp, phần vì họ luôn sống trong thầm lặng, ít muốn bộc lộ về mình.
Nhìn lại, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua hơn 15 năm, mới được đọc cuốn Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai, viết về nhà tình báo, thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, người từng làm “cố vấn” cho hai đời tổng thống ngụy Sài Gòn trong vỏ bọc một cha cố từng trải, uyên thâm. Rồi phải đợi đến 32 năm sau ngày đất nước thống nhất, bạn đọc nước ta mới biết đến cuốn Điệp viên hoàn hảo của nhà sử học Mỹ Larry Berman viết về nhà tình báo, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, trong vỏ bọc Trưởng văn phòng đại diện tạp chí Mỹ Time ở Sài Gòn. Đó là hai nhà tình báo tiêu biểu của quân đội ta. Và bạn đọc còn mong muốn được tìm hiểu về nhà tình báo của riêng ngành công an trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã qua...
Thiếu tướng, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc (giai đoạn cuối đời).
Buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng tình báo đã được hình thành, chung cho cả quân đội và công an, rồi đến giai đoạn cuối mới tách làm hai. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng tình báo của riêng ngành công an, cũng có hai bộ phận là an ninh thuộc Bộ Công an và an ninh miền của Trung ương Cục miền Nam.
Ở Đại học khoa học Sài Gòn, từ năm 1966 đến ngày đất nước thống nhất 30/4/1975 có một giáo sư toán học tên là Nguyễn Đình Ngọc, ông nổi tiếng cả về chuyên môn và cách sống. Chuyên môn: ông có tài và đa năng, từng 10 năm tu nghiệp bên Pháp, sở hữu 3 bằng kỹ sư và 2 bằng tiến sĩ, trong đó có bằng tiến sĩ quốc gia (tương đương tiến sĩ khoa học hiện nay) về toán học. Ông từng là thành viên của Viện Khoa học cao cấp Pháp INET, là bạn với nhà toán học nổi tiếng thế giới A.Grothendeck, đoạt giải Filds (được gọi là Nobel Toán học) năm 1966. Đồng nghiệp đều rất phục ông về kiến thức, sự tận tụy với nghề. Ông sống một mình, vợ con đều ở lại Pháp, nhưng đó là cách sống rất khác người, nên họ còn gọi ông là “giáo sư lập dị”. Có thể kể ra những “lập dị” của ông: ngày ăn có một bữa; cửa buồng khóa những 7 khóa; đi lại toàn cuốc bộ hoặc bằng xe đạp; ăn mặc thì xuềnh xoàng; không rượu, bia, thuốc lá, nhà không có thứ đồ đạc gì đáng giá, toàn sách. Đôi khi ông cũng có những thể hiện ra bên ngoài khác thường, đó cũng có thể hiểu là bản lĩnh cao cường của người điệp viên trong việc tạo ra một “vỏ bọc” vững chắc. Sau cuộc tổng tấn công của quân giải phóng vào Sài Gòn Tết Mậu Thân (1968), ông đề xuất với Ban Toán, nơi ông làm việc, là thư viện của ban có rất nhiều sách quý, địa điểm lại gần một đồn cảnh sát rất có thể bị tấn công, nên sơ tán toàn bộ kho sách đó về nhà ông cho an toàn. Thế là ông thồ sách trên booc-ba-ga, ghi-đông, chủ yếu dắt bộ trên đường ngược chiều, sau hàng tháng trời kẽo kẹt như thế mới chuyển hết vài nghìn cuốn sách. Còn chuyện này nữa. Đầu tháng 9/1969, tin Bác Hồ qua đời loan khắp thế giới, hôm đó vào đầu giờ họp của Ban Toán, bỗng ông đứng lên, với vẻ mặt nghiêm nghị, nói: “Một vĩ nhân vừa qua đời, đề nghị Ban ta đứng lên, một phút mặc niệm!”. Mọi người trong Ban có chút ngỡ ngàng, rất ít khi “Giáo sư lập dị” phát biểu, vậy mà...Nhưng rồi mọi người đều đứng dậy mặc niệm theo yêu cầu của ông. Sự việc loang nhanh toàn trường. Giáo sư Ngọc tỏ rõ sự ngưỡng vọng Cụ Hồ, rồi sự việc cũng dần rơi vào quên lãng bởi mọi người đều có chung ý nghĩ, ở một xã hội dân chủ, tự do về tư tưởng, thì “Giáo sư lập dị” có thể tỏ thái độ khuynh tả của mình chứ!
Ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, CIA và đặc vụ Sài Gòn đã có nghi vấn “Giáo sư lập dị”, cử người bám đuôi đêm ngày. Song chỉ thấy ông đi dạy liên miên, vùi đầu vào sách vở và không giao du với ai, có chăng chỉ là mấy người trong họ hàng vợ, hoặc bạn học cũ ngoài Hà Nội, toàn những kẻ có máu mặt trong giới thượng lưu Sài thành, như: Phó đề đốc hải quân Nghiên Văn Phú, cựu Thủ tướng Phan Huy Quát; Thủ lĩnh Đảng Đại Việt Đặng Văn Sung, Tham mưu trưởng biệt khu thủ đô, Đại tá Phan Huy Lương…...
Thế rồi sau ngày nước nhà thống nhất, “Giáo sư lập dị” là “công chức lưu dung” thêm vài năm nữa mới chính thức rời giảng đường. Đến một ngày, ông xuất hiện trên đường phố thành phố Hồ Chí Minh với bộ quân phục sĩ quan an ninh, lon Trung tá. Bạn bè, đồng nghiệp bán tín bán nghi: hay ông ấy là người của công an từ trước? Cũng có thể do có chuyên môn cao, ông được tuyển dụng vào ngành công an và cái lon ấy chỉ là phản ánh đồng lương được hưởng của ông, v.v... Rồi những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ trước, ông chuyển hẳn ra Hà Nội, làm ở bộ phận nghiên cứu kỹ thuật của Bộ Nội vụ (sau đổi là Bộ Công an), đến những năm cuối thập kỷ 90, ông đeo lon Thiếu tướng, là Cục trưởng Cục Viễn thông tin học, Bộ Công an và còn có thời kỳ biệt phái, làm Phó ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Nhà nước... Thế rồi, mãi khi ông đã nghỉ hưu (2002), nhiều người mới biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua, khoa học chỉ là vỏ bọc, ông là một “Việt Cộng nằm vùng”. Đôi khi ông có tiết lộ đôi điều với bạn bè về đời tư, như việc người cha của ông, bác sĩ Nguyễn Đình Diệp, đầu năm 1947 bị giặc Pháp giết trong một trận càn và sau đó vì nợ nước thù nhà ông gia nhập Công an Liên khu 4. Lần từ Khu 4 về nội thành hoạt động ông suýt bị lộ, bị Phòng Nhì Pháp bắt... Chuyện ông “tiết lộ” đại loại chỉ có vậy, hé mở việc ông từng là một điệp viên của ngành công an. Nhiều nhà văn, nhà báo đã sốt sắng tìm ông khai thác, nhưng đều thất bại, “giáo sư lập dị” chỉ thích nói về toán học, tin học mà chẳng kể chút gì về việc làm tình báo của mình. Tháng 5/2006 ông bị bệnh hiểm nghèo từ trần, hưởng thọ 74 tuổi. Đến lúc đó một người bạn thân thiết của ông, đồng thời là người trực tiếp chỉ huy ông trong gần 10 năm hoạt động đơn tuyến là Trung tướng Nguyễn Phước Tân, tức Hai Tân, Tổng cục phó Tổng cục An ninh, Bộ Công an trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Công an nhân dân, đã kể lại cụ thể những chiến công của ông. Năm 1970, Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đã báo trước 72 giờ cho Trung ương Cục miền Nam kịp thời sơ tán tránh được trận đánh úp của Mỹ ngụy, định “cất vó” toàn bộ đầu não cách mạng; ông còn kịp thời báo cho Trung ương cục biết, Lonon, Siricmatắc sẽ lật đổ Quốc trưởng Sihanúc, ngay sau khi đảo chính chúng sẽ phong tỏa cảng Sihanúcvin, chặn đường tiếp tế của ta qua cảng này, đồng thời tấn công vào bộ chỉ huy ta đang đóng trên “vùng lõm” thuộc đất Campuchia. Và ông đã báo trước 24 giờ cho bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, quân Mỹ sẽ không trở lại cứu quân ngụy Sài Gòn khi ta tấn công vào sào huyệt cuối cùng của chúng... Đó toàn là những tin quan trọng, ở tầm chiến lược.
Bìa tiểu thuyết Đơn tuyến.
Thì ra, ông là nhà tình báo cùng thời với Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, song rất kín tiếng, đã mang theo về thế giới bên kia toàn bộ những gì là bí mật trong những năm tháng hoạt động sôi nổi, quên mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều người tỏ ý tiếc, một nhà tình báo công an, kiêm nhà khoa học xuất sắc và độc đáo như thế, mà không có cuốn sách nào viết để lưu danh hậu thế!
Thế rồi, cuối năm 2013, Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành cuốn tiểu thuyết Đơn tuyến của nhà văn Phạm Quang Đẩu. Nhiều người, nhất là các nhà văn công an hoàn toàn bất ngờ. Tác giả lấy đâu tư liệu để viết về nhà tình báo, kiêm khoa học gia “lập dị” ấy nhỉ?
Hơn 300 trang sách khổ lớn, miêu tả cụ thể cuộc đời từ thuở thiếu niên dấn thân vào cuộc chiến, đến cuối đời tuổi ngoại 70 nằm trên giường bệnh và đi vào thế giới bên kia của giáo sư Nguyễn Đình Ngọc. Tác giả có những bộc bạch về cách viết: “Tiểu thuyết Đơn tuyến với nhân vật chính là Thiếu tướng Tình báo công an, GS.TSKH.Nguyễn Đình Ngọc dựng lại theo năm tháng cuộc đời ông. Sự kiện, nhân vật lịch sử được tôn trọng tối đa, bảo đảm tính chân thực có được từ tư liệu, ký ức của người thân, bạn bè ông; bên cạnh đó hư cấu đóng vai trò kết nối, tô đậm tính cách.” Cuối cùng thì chân dung nhà tình báo kiêm khoa học gia được hiện ra một cách sinh động, hấp dẫn, đầy sức thuyết phục. Nhà văn lão thành Ma Văn Kháng nhận xét về cuốn sách: “Từ chất liệu có thực đến một chế phẩm văn chương. Đó là tài nghệ và công phu sáng tạo của tác giả. Lịch sử thì bề bộn một dòng chảy sôi sục. Còn con người thì nhỏ bé nhưng đã neo vào lịch sử và tác động vào lịch sử bằng một sức mạnh giản dị mà thật lớn lao. Đây là chân dung một nhà tình báo đặc sắc ít thấy mà tôi đã được thấy.”
Vậy là gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, mới có thêm một tiểu thuyết tình báo và đây cũng là tác phẩm đầu tiên viết riêng về nhà tình báo công an thời chống Mỹ. Và tác phẩm này đã thực sự gây được tiếng vang, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Cuốn tiểu thuyết Đơn tuyến của nhà văn Phạm Quang Đẩu đã được trao giải A trong Cuộc thi viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống năm 2012-2015 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Hồng Phúc