Sự ra đi vĩnh viễn của đại văn hào Nga Maxim Gorky đã khiến 3 người phải ra hầu tòa và bị kết án tử hình. Những tưởng câu chuyện sẽ không còn gì để bàn cãi nhưng hàng chục năm sau, nhiều tình tiết mới liên quan đến cái chết này lại xuất hiện khiến dư luận lại sục sôi với câu hỏi: Maxim Gorky thực sự đã chết vì lý do gì?
Các bác sĩ là kẻ sát nhân?
Ngày 18/6/1936, cả thế giới bàng hoàng nghe tin nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới đã qua đời tại dinh thự riêng. Bấy giờ, các báo Liên Xô đăng kết luận như sau:“Alekxey Maximovich Gorky bị nhiễm cúm nặng từ ngày 1/6, sau đó lại thêm viêm niêm mạc đường hô hấp và viêm phổi. Xét nghiệm máu nhiều lần cho thấy đây là một viêm nhiễm ở mức độ nặng... Đêm 17/6, Gorky lâm vào trạng thái hôn mê. 11 giờ 10 phút sáng ngày 18, tim và hô hấp ngừng hoạt động. Nhà văn ra đi vĩnh viễn ở tuổi 69. Trụy tim và phổi là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong”. Những người ký dưới biên bản kết luận nói trên là Ủy viên Nhân dân Y tế liên bang CHXHCN Xô Viết (tức Bộ trưởng Y tế) Grigori Kaminsky, Vụ trưởng Vụ Y tế điện Kremli Joseph Khodolovsky và bác sĩ y khoa Lev Raven.
Cái chết của nhà văn cũng như kết luận y tế đáng ra đã không làm ai nghi ngờ vì từ trước đó rất lâu người ta biết ông mắc bệnh phổi và ốm nặng, báo chí ngày nào cũng đưa tin về tình hình sức khỏe của ông. Thế nhưng, vào tháng 12/1936, khi điều tra băng nhóm phái hữu Trocki chống lại Nhà nước Liên Xô, tướng Gienrich Jagoda - lãnh đạo cơ quan an ninh nhà nước đã tiết lộ một kế hoạch, theo đó, biết rõ uy tín của Gorky ở trong và ngoài nước, Lev Trocki - kẻ đứng đầu âm mưu đảo chính đã quyết định cách ly nhà văn với Stalin. Nhưng khi kế hoạch không mang lại kết quả, hắn đã ra lệnh hãm hại Gorky và các bác sĩ trực tiếp chăm sóc sức khỏe nhà văn là người được giao nhiệm vụ.
Ngay sau đó, thư ký riêng kiêm quản gia của Gorky là Piotr Kriuczkop cùng hai vị bác sĩ được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Gorky là Lev Raven và Dmitri Pletniov đã bị bắt giam. Trước Tòa án quân sự Tối cao, họ đều thú nhận “đã chủ ý áp dụng chế độ điều trị không hợp lý, mà hậu quả là dẫn đến cái chết của nhà văn”. Trong phiên tòa này, gây chấn động dư luận nhất là khẩu cung của Kriuczkop. Ông ta khai rằng, thực hiện mệnh lệnh của Tướng Gienrich Jagoda, bản thân đã “chuẩn bị bệnh nhân vô giá dành cho các bác sĩ - sát nhân”. Để hủy hoại từ từ sức khỏe của Gorky, y đã nhiều lần “chủ tâm mở tung cửa sổ phòng ngủ khi nhà văn đã yên giấc, dụ dỗ Gorky ra vườn trong những ngày thời tiết xấu và đốt lửa trại để tạo ra trạng thái chênh lệch nhiệt độ bất lợi”. BS. Pletniov cũng khai: “Tướng Jagoda đã yêu cầu tôi lợi dụng địa vị bác sĩ để sử dụng các phương pháp điều trị sai nhằm tăng tốc độ chết đối với Gorky”.
Ngay sau phiên tòa, cả ba bị can trên đã bị xử tội tử hình để rồi nhiều thập kỷ sau đó, họ mới được minh oan.
M. Gorky và Joseph Stalin năm 1931. |
Ðâu là sự thật?
Đầu thập kỷ 90, sau khi Liên Xô tan rã, trong kho lưu trữ của Cơ quan An ninh nhà nước, người ta tìm thấy sổ bệnh án cá nhân của Maxim Gorky. Cuốn sổ được chuyển đến bộ phận chuyên môn. Sau khi xem xét, các chuyên gia đã nhất trí đi đến hai kết luận. Thứ nhất, trong quá trình điều trị bệnh nhân Maxim Gorky, Levin và Pletniov không phạm bất cứ sai lầm nào về mặt chuyên môn. Thứ hai, ngoài chứng cứ về tình trạng cơ thể cạn kiệt vì bệnh, kết quả khám nghiệm tử thi không xác nhận bất cứ dấu vết độc tố nào trên cơ thể Gorky.
Ngay sau đó, BS. Levin và Pletniov đã được phục hồi danh dự và gột sạch mọi tội lỗi. Lời khai trước tòa của họ được coi như hành động bị ép cung bằng nhục hình. Mọi tội lỗi còn lại đổ dồn lên đầu Kriuczkop. Ngay cả khi đã chết, trong mắt giới nghiên cứu, Kriuczkop vẫn bị coi là “điệp viên bí mật” được cài vào gia đình Gorky. Chỉ có điều, không rõ kẻ chủ mưu đứng sau Kriuczkop là ai, vì Lev Trocki sau đó đã lên tiếng bác bỏ toàn bộ lời buộc tội đối với ông ta.
Thế nhưng, nếu kẻ thừa hành nhiệm vụ là Kriuczkop thì viên thư ký kiêm quản gia này đã giết Gorky bằng cách nào? Trong khi câu hỏi chưa có ai trả lời vì Kriuczkop đã chết thì đến giữa thập kỷ 90, người ta lại công bố giải thích mới: “Chính Maria Budberg (Mura), tình nhân của Maxim Gorky đã hạ độc nhà văn - đổi lại, Mura được hưởng nhuận bút tất cả tác phẩm của Maxim Gorky xuất bản ở nước ngoài”.
Kết luận này dựa vào hai nguồn tư liệu: thông tin từ cuốn sách Lịch sử gián điệp khẳng định Maxim Gorky bị điệp viên cơ quan an ninh - tình nhân của nhà văn hạ độc và hồi ký của M.Cejtlin - Trưởng ban Quốc tế báo Tin tức, người từng làm trợ lý thư ký cho Gorky vào năm 1936. “Trong ngày Gorky qua đời, tôi luôn ở trong dinh thự để có thể trình diện bất cứ lúc nào theo lệnh của Kriuczkop. Bất ngờ xảy ra nhốn nháo và một nhóm người lạ hoắc xuất hiện, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Jagoda và Mura, nhân vật, như tôi biết là người tình của Gorky. Tất cả được mời vào phòng Gorky. Cuộc tiếp xúc kéo dài khoảng 40 phút. Rồi Mura cùng Jagoda ra khỏi dinh thự. Chừng 20 phút sau, cả khu nhà náo loạn khi bác sĩ trực đứt giọng thông báo Gorky đã qua đời. Tôi cho rằng, chính Mura đã làm chuyện đó dù không có chứng cứ. Tôi còn nhớ, trước lúc Mura đến, trên bàn ngủ nhà văn có ly nước lọc. Ly nước đã biến mất sau cuộc viếng thăm”.
Liệu có thể tin những xác nhận trên? Cho đến nay, người ta vẫn không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào khẳng định rằng, Mura đã làm việc cho cơ quan an ninh và cô ta đã đầu độc Gorky bằng ly nước.
Vậy là trong suốt hơn 70 năm, người ta vẫn chưa tìm ra lời khẳng định chắc chắn về nguyên nhân tử vong phi tự nhiên của Maxim Gorky. Trong khi đó, giới chức y tế đa phần đều cho rằng, vấn đề đã được thổi phồng và làm phức tạp hóa lên như người ta vẫn làm với các nhân vật nổi tiếng. Theo các xác nhận y tế, Gorky đã phải trải qua một thời gian dài khổ sở vì bệnh phổi mạn tính. Đó là căn bệnh đến nay vẫn cướp đi vô số sinh mạng. Trong những năm 30 thế kỷ trước, kiến thức y học chưa thể cho phép các bác sĩ khống chế được căn bệnh này. Đặc biệt là với một người nghiện thuốc lá nặng như Gorky (mỗi ngày ông đốt khoảng 75 điếu thuốc) lại thêm dịch cúm nhà văn mắc phải trước đó thì một cái chết vì nguyên nhân tự nhiên là hoàn toàn có thể xảy ra mà chẳng cần đến một tác nhân hãm hại nào.
Lê Thái An (Theo báo Sự thật - Nga)