Ngay sau khi tàu lặn Titan mất liên lạc với tàu mẹ vào hôm chủ nhật, Hải quân Mỹ đã phát hiện ra âm thanh phù hợp với một vụ nổ, một quan chức hải quân đã tiết lộ với CBS News. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã dựa trên dữ liệu âm thanh này để thu hẹp phạm vi tìm kiếm tàu lặn Titan.
CBS News cho biết, trước đó, vào hôm thứ 3 theo giờ địa phương, có tin tức lộ ra rằng thiết bị dò tìm âm thanh của máy bay Canada và phao sonar đã nghe thấy âm thanh phát ra 30 phút/lần từ vị trí tàu lặn Titan mất tích, mang đến hy vọng rất có thể các nhà thám hiểm còn sống và có thể giải cứu tàu lặn. Tuy nhiên, thực chất âm thanh này là tiếng của các con tàu khác phát ra trong khu vực.
Vụ nổ tàu lặn Titan khá giống với thảm họa tàu ngầm hải quân Argentina từng xảy ra vào năm 2017. Khi đó, tàu ngầm San Juan mất tích ngoài khơi bờ biển của Argentina. Cũng có những báo cáo về âm thanh leng keng như tiếng gõ vào thành tàu ngầm nhưng sau đó giống như Titan, tàu ngầm San Juan đã được xác định phát nổ.
Microphone được đặt dưới đáy biển đã ghi lại dữ liệu âm thanh vụ nổ tàu ngầm San Juan năm 2017. Loại máy thu âm dưới nước này (hay còn gọi là hydrophone) thường được sử dụng để thu thập bằng chứng về những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Rất có thể một thiết bị tương tự của hải quân Mỹ đã thu âm được kết cục của tàu lặn Titan. Những bằng chứng tại hiện trường cho thấy vụ nổ tàu lặn Titan có thể đã xảy ra ngay sau khi Titan mất liên lạc với tàu mẹ.
Theo ông Ryan Ramsey-cựu thuyền trưởng tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh, thảm kịch Titan giống với một vụ rơi máy bay nhưng không có hộp đen nên không thể theo dõi những chuyển động cuối cùng của tàu lặn.
Tuy nhiên càng thu thập được nhiều mảnh vỡ và đưa lên mặt nước, có thể phân tích cấu trúc, vết nứt và có thể ghép lại và tái hiện lại điều gì đã thực sự xảy ra trong khoảnh khắc cuối cùng đó.
5 bộ phận chính của tàu lặn Titan đã được robot điều khiển từ xa dưới nước (ROV) tìm thấy hôm thứ 5, cách mũi tàu Titanic 487m. Theo Chuẩn Đô đốc John Mauger, mô hình các mảnh vỡ phù hợp với một vụ nổ thảm khốc bởi có hai mảng mảnh vỡ gồm phần đuôi tàu hình nón cùng khung hạ cánh của tàu.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã điều 9 tàu cùng nhân viên y tế và kỹ thuật viên túc trực tại hiện trường.
Theo các chuyên gia, chìa khóa của cuộc điều tra sẽ là cấu trúc các mảnh sợi carbon tạo nên một phần thân tàu Titan. GS. Blair Thornton từ Đại học Southampton cho biết, trong trường hợp đây là sự cố nghiêm trọng ở lớp vỏ chính, tàu lặn Titan sẽ phải chịu áp suất cực lớn, tương đương với trọng lượng của tháp Eiffel nặng hàng chục nghìn tấn ép bẹp tàu ngầm. Đây là một vụ nổ rất mạnh.
Sau vụ tai nạn tàu lặn Titan, ông Tim Martin - một chuyên gia về Titanic cho rằng các tour tham quan xác tàu Titanic cần hoãn lại để đảm bảo an toàn cho du khách. Các tour lặn biển sâu, đặc biệt thám hiểm xác tàu Titanic cần hoãn lại. Theo ông, các công ty cung cấp dịch vụ tàu lặn nên được chứng nhận ở độ sâu lớn hơn cả mức đưa du khách xuống.
Trong cuộc giải cứu tàu lặn Titan vừa qua, phạm vi tìm kiếm trải dài trên diện tích biển ở Bắc Đại Tây Dương rộng tương đương bang Connecticut của nước Mỹ.
Sự trùng hợp kỳ lạ vụ tàu lặn Titan: Vợ hành khách xấu số là cháu nạn nhân thảm kịch Titanic