Từ lâu, con người đã biết đến sự tồn tại của các hố đen ngoài vũ trụ, nhưng vẫn chưa được tận mắt chứng kiến hố đen hút vật gì vào trong. Tuy nhiên giờ đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế lần đầu tiên trong lịch sử đã chụp được ảnh một hố đen đang “nuốt chửng” một ngôi sao.
Hố đen là một trong những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ. Tuy nhiên trong thời gian qua, các nhà khoa học đã không ngừng nỗ lực để nghiên cứu giải mã hiện tượng này. Việc chụp lại được khoảnh khắc hoạt động của hố đen gần đây có thể được xem là một thành tựu vô cùng có ý nghĩa, mở đường cho nhiều khám phá mới nữa trong tương lai, qua đó giúp sáng tỏ một trong những hiện tượng kỳ bí và quan trọng nhất của vũ trụ. |
“Chúng ta đã biết giả thuyết về hố đen từ những năm 1970 rằng, khi một hố đen phát ra tia sáng là lúc chúng đã hút một ngôi sao. Nhưng kể từ đó tới nay, chúng ta vẫn chưa quan sát được một hiện tượng nào cho thấy một ngôi sao bị nuốt vào hố đen như vậy cả. Cho nên, việc chụp được hình ảnh này có thể xem là một sự kiện rất quan trọng, bởi nó đã góp phần chứng minh được một giả thuyết khoa học nổi tiếng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy khi một ngôi sao bị hố đen hút vào, ánh sáng không bị khuếch tán mà phóng ra giống một chùm tia laser theo một hướng nhất định. Điều này không nằm trong bất cứ giả thuyết nào trước đó và càng cho thấy phát hiện của các nhà khoa học có ý nghĩa khoa học vô cùng to lớn. Tất cả những bằng chứng trên đã chứng minh được sự tồn tại của các hố đen siêu lớn trong vũ trụ”.
Hầu hết, các nhà thiên văn học đều dự đoán các hố đen vũ trụ tồn tại đâu đó ở trung tâm một dải thiên hà và sẽ phát ra ánh sáng khi nó nuốt một ngôi sao, đồng thời khiến các mảnh vụn của ngôi sao rơi vào lực hút cực đại này. Nhưng giả thuyết về một hố đen siêu lớn được đưa ra từ năm 1975 chỉ có 1/1 trăm tỉ cơ hội được chứng minh. Chính vì vậy, phát hiện mới nhất của các nhà thiên văn học về sự tồn tại và trạng thái của hố đen siêu lớn quả là một bước ngoặt trọng đại. Một thành tựu phi thường khác là qua đây, các nhà thiên văn học đã có thể giải thích làm thế nào ánh sáng lại thoát ra từ một hố đen vũ trụ có khả năng hút hết tất cả mọi vật xung quanh nó như vậy. Có thể hiểu rằng, khi một ngôi sao rơi vào hố đen, nó bị vỡ ra do lực hấp dẫn rất mạnh. Khi ấy, khí cùng các mảnh vỡ của ngôi sao hình thành một vành tròn, tạo ra một từ trường lớn xung quanh hố đen. Từ trường ở đó đã tạo ra những chiếc phễu mà theo đó khí gas, các phân tử và các tia sáng có thể thoát ra ngoài theo luồng khí xoáy. Vậy khi bí mật về các lỗ đen vũ trụ đã dần được sáng tỏ thì cộng đồng khoa học thế giới sẽ làm gì tiếp theo với nghiên cứu này?
“Chúng ta đã biết các hố đen sinh ra khi các ngôi sao chết đi. Nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu được làm thế nào một hố đen với khối lượng bằng 2 - 3 lần mặt trời lại có thể phát triển thành một vật khổng lồ với khối lượng gấp hàng tỉ lần so với ban đầu. Các nhà khoa học mới chỉ chớp được một khoảnh khắc rất nhỏ trong cả tiến trình phát triển của nó. Nếu có thể thu thập được nhiều phiên bản hình thành và tiến hóa của hố đen, khi đó sẽ có khả năng hiểu rõ hơn việc một ngôi sao rơi vào hố đen thế nào cũng như tính toán chính xác khối lượng của chúng”.
Quỳnh Diệp (Theo Science et vie)