Với tâm lý lo sợ sao xấu chiếu mệnh, nhiều người dân đã đến đăng ký dâng sao giải hạn, cầu an với nhà chùa. Nhiều người cho rằng chuyện này là bình thường, không ít quan điểm lại xem việc này là một dấu hiệu của sự mê tín, sùng bái quá mức, đến nỗi đáng lo ngại...
Quan điểm thứ hai cho rằng những việc đám đông túm tụm lễ bái, thậm chí đứng tràn kín cả lòng đường là biểu hiện của những tập thể tỏ ra bất an, họ tin rằng mình đang bị những vì tinh tú cách xa có khi đến hàng ngàn năm ánh sáng tác động đến. Chưa biết là những tác động từ các tinh tú đó tốt hay xấu, chỉ thấy rằng trước mắt, những hình ảnh đó đang khiến nhiều ngôi chùa trở nên ồn ã, náo nhiệt hơn cả những khu chợ. Vì muốn giảm nhẹ vận hạn, cầu cho gia đình bình an, nhiều người chọn cách làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm tại chùa.
Không chỉ có vậy, “sức ép dâng sao giải hạn” từ đám đông còn khiến nhiều ngôi chùa vốn quanh năm vắng vẻ bỗng chốc phủ kín đủ các loại dịch vụ mang đầy hơi hướng của tiền bạc. Từ dịch vụ thu tiền lễ dâng sao vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/lượt người đến những dịch vụ cho thuê bàn, ghế đặt lễ, để ngồi, trông xe máy, ôtô, bán vàng hương, đổi tiền lẻ, viết sớ...
Người dân chen chúc nhau, đứng tràn ra cả phố để dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh.
Các nhà tu hành cho rằng trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn. Đối với Phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như nhiều người lầm tưởng. Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cũng khẳng định điều đó. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu...
Mỗi dịp đầu năm mới, hàng vạn người dân lại đổ về các ngôi chùa để làm lễ dâng sao giải hạn. Tại chùa Phúc Khánh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), người dân đứng tràn ra cả đường phố, thi nhau vái vọng, cầu khấn với niềm tin sẽ hóa giải được các vận hạn trong năm.
Những hiện tượng đổ xô đi cúng lễ giải hạn, đội mưa xếp hàng mua vàng ngày Thần Tài... để mong cả năm được “nhận vàng” chỉ chứng tỏ người dân đang có tâm lý bất an, mất niềm tin và rơi vào trạng thái vô thức tập thể. Khi đó, họ sẽ rất dễ bị lợi dụng, gieo rắc những tệ nạn mê tín dị đoan.
Trước những hình ảnh người dân vẫn tấp nập đến các chùa để “Cúng sao, giải hạn”, Thượng tọa Thích Nhật Từ đưa ra lời khuyên: “Xui hay hên, hạnh phúc hay khổ đau đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người. Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa. Các tăng ni nên tập trung vào việc hướng dẫn Phật pháp, hướng con người tu dưỡng đạo đức để quần chúng được bình an thật sự chứ không phải là việc trấn an tạm thời.