Hỏi: Xin cho hỏi cách chế biến vị thuốc bạch biển đậu như thế nào?
(Lý Văn Thủy - Vĩnh Long)
Trả lời: Bạch biển đậu còn gọi là đậu ván trắng, đậu bạch biển, biển đậu, bạch đậu.
Tên khoa học Dodichos Lablab L., Lablab vulgaris Sav. L., Dolichsos albus Lour.
Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Bạch biển đậu (Semen Dolichoris) là hạt của cây đậu ván trắng đã chín và phơi khô. Còn có tên nga mi đậu, bạch mai đậu.
Mô tả cây
Đậu ván trắng là một dây leo, sống 1 - 3 năm, có thể leo dài tới 5m hay hơn. Thân leo màu xanh có góc, hơi có rãnh, trên mép của hạt kéo dài chiếm 1/3 - 1/2 chu vi có lông thưa dài, mềm. Lá mọc cách, kép, mỗi lá có 3 lá chét hình trứng, phía dưới hơi bè ra hình quả trám, lá chét dài 5 - 10cm, rộng 4 - 8cm, cuống lá chét giữa dài 2 - 3,5cm, cuống lá chét 2 bên dài chừng 5mm. Cuống chung dài 4 - 13cm, phần cuối hơi phình ra. Hoa mọc thành chùm, ở ngọn cành vá kẽ lá. Cuống cụm hoa dài 6 -15cm mang hoa ở 1/3 - 1/2 trên. Mỗi mẫu có 2 -3 hoa hình bướm màu tím nhạt, cuống của từng hoa dài 2 - 3cm. đài hoa hình ống có 5 răng đều nhau hình tam giác. Tràng hoa 5 cánh, tiền khai hoa cờ 10 nhị xếp thành 2 vòng, 1 nhị đơn độc, 9 nhị khác dính vào nhau thành màng bao quanh nhụy 1 lá noãn. Quả giáp màu xanh nhạt, khi chín có màu vàng nhạt, dài 5 - 9cm, rộng 1,5 - 2,5cm, hơi cong về một phía.
Mùa hoa: cuối hạ đầu thu.
Phân bố, thu hái và chế biến
Đậu ván được trồng ở khắp nơi trong nứơc ta để lấy quả non ăn quả, quả già lấy hạt làm thuốc.
Muốn hái hạt làm thuốc thì vào tháng 9 -10, quả chín già, hái về đập lấy hạt, phơi khô là được.
Từ bạch biển đậu người ta chế ra các vị thuốc: biển đậu y là vỏ hạt bạch biển đậu, biển đậu nhân (nhân hạt bạch biển đậu, chế bằng cách ngâm bạch biển đậu vào nước cho vỏ phồng lên, đãi lấy nhân phơi riêng, vỏ phơi khô riêng), bạch biển đậu sao (nhân biển đậu cho vào nồi gang hay chảo sao cho đến khi có màu vàng đen, lấy ra để nguội mà dùng).
Công dụng liều dùng
Chỉ mới thấy dùng làm thuốc trong phạm vi nhân dân. Theo lý luận đông y, bạch biển đậu có vị ngọt, hơi ôn, không độc vào hai kinh tỳ và vị chủ trị hòa trung, hạ khí dùng làm thuốc bổ tỳ vị, chỉ tả lỵ, phiền khát chữa các chứng đau bụng, xích bạch đới, giải độc, trúng độc, do nhân ngôn.
Ngày dùng 8 - 16g dưới dạng thuốc sắc hay uống bột.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
GS. ĐỖ TẤT LỢi