Giai điệu tự hào tháng 9 có chủ đề Bài ca hy vọng phát sóng trên VTV1 tối 26/9 đã đem lại cho người xem nhiều xúc cảm thông qua 6 ca khúc đi cùng năm tháng. Chương trình đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước khi tái hiện những hình ảnh hào hùng của phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, Giai điệu tự hào tháng 9 vẫn để lại không ít thất vọng.
Đại gia đình trên sân khấu và nước mắt rơi
Với chủ đề Bài ca hy vọng, Giai điệu tự hào tháng 9 đã chọn 6 nhạc phẩm gắn bó với nhiều thế hệ, được khán giả yêu thích và biết đến gồm: Tự nguyện, Bài ca hy vọng, Dậy mà đi, Hát cho dân tôi nghe, Nối vòng tay lớn, Người mẹ Bàn Cờ. Những nhạc phẩm này khi được các nghệ sĩ, ca sĩ cất lên kết hợp với các màn múa phụ họa, màn hình LED phía sau đã tái hiện rõ nét khí thế, ký ức về một Sài Gòn anh hùng mãi mãi không phai mờ.
Đáng chú ý, các ca sĩ Hà My, Đinh Tuấn Khanh, Thái Châu, CLB truyền thống Thành đoàn TP.HCM đã cất vang ca khúc Dậy mà đi (tác giả Nguyễn Xuân Tân) đầy khí phách và hùng tráng. Ở hàng ghế khách mời bình luận trẻ, thiếu tá quân đội – nhà thơ Nguyễn Minh Cường cho biết, khi nghe xong Dậy mà đi, dù không sinh ra ở thời điểm phong trào học sinh sinh viên bãi khóa chống chiến tranh trước năm 1975 ở Sài Gòn, nhưng anh vẫn cảm nhận được không khí thời điểm đó. Nguyễn Minh Cường thấy phần dàn dựng ca khúc này rất hay khiến tất cả đều xúc động. Nếu là sinh viên miền Bắc thời đó, anh sẵn sàng bất chấp tất cả để sát cánh cùng các bạn trẻ miền Nam đương thời tham gia các hoạt động xuống đường chống chiến tranh. Đối với thế hệ trẻ hôm nay, sau mỗi lần vấp ngã thì luôn cần ai đó bên cạnh hát vang “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi...!”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Phú Quang - khách mời hội đồng lớn tuổi khi nghe xong Dậy mà đi thể hiện sự xúc động rõ ràng với những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt. Nhạc sĩ Phú Quang nhận thấy một điều, thời điểm lịch sử trước đây, tấm lòng con người rất trong sáng. Vị nhạc sĩ cho biết, Dậy mà đi không phải là ca khúc cổ động, ngày xưa mọi người hát bằng chính trái tim - điều mà thời nay vẫn còn đang rất thiếu. Với phần trình diễn bằng chính trái tim của những người nghệ sĩ, Dậy mà đi đã nhận được 88,37% số lượng bình chọn của khách mời trẻ tuổi, 96,47% bình chọn của khách mời lớn tuổi và đây là tiết mục được bình chọn cao nhất.
Cũng trên sân khấu Giai điệu tự hào tháng 9, lần đầu tiên khán giả cả nước chứng kiến 3 thế hệ trong một gia đình nghệ sĩ cùng thể hiện một ca khúc. Đó là sự kết hợp của NSND Trung Kiên và cháu gái Thiện Thanh trong nhạc phẩm Tự nguyện và người đệm đàn cho phần biểu diễn này là nhạc sĩ Quốc Trung - con trai NSND Trung Kiên và là cha của Thiện Thanh. NSND Trung Kiên tuy đã 77 tuổi nhưng vẫn cho thấy được chất giọng làm nên tên tuổi của ông, với những nốt cao, thấp của Tự nguyện vẫn được NSND Trung Kiên thể hiện đầy nghệ thuật, khỏe khoắn và hào sảng. Người “bạn hát” với ông, cháu gái Thiện Thanh lại khoe được chất giọng nhẹ nhàng, trong sáng. Sự kết hợp đầy mới mẻ này đã làm cho Tự nguyện rất mới nhưng không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của ca khúc.
Cách làm mới còn nhạt nhòa
Tuy đã chọn 6 ca khúc thuộc diện “kinh điển” trong kho tàng âm nhạc tiền chiến Việt Nam để giới thiệu đến khán giả truyền hình, nhưng qua phần làm mới cả về âm nhạc lẫn dàn dựng, Giai điệu tự hào tháng 9 vẫn có những phần thể hiện “nhạt nhòa”. Điển hình là phần thể hiện của ca sĩ Trần Thu Hà (từ Mỹ về tham dự) qua ca khúc Bài ca hy vọng (sáng tác Văn Ký). Khi hát ca khúc này, Trần Thu Hà đã không hát theo kiểu giả thanh, opera như các ca sĩ gạo cội Lê Dung hay Ánh Tuyết trước đó. Trần Thu Hà chọn cách hát nhẹ nhàng, giản dị. Đó là một phong cách mới theo lối đương đại.
Trước khi chương trình lên sóng, Trần Thu Hà được khán giả kì vọng sẽ đem đến phần thể hiện ấn tượng. Tuy nhiên, sự làm mới của Trần Thu Hà đã hoàn toàn thất bại. Sau khi nghe xong Bài ca hy vọng do Trần Thu Hà thể hiện, nhạc sĩ Phú Quang nhận định: “Tôi đồng ý tuổi trẻ phải có cách hát khác. Tôi cũng đồng ý chị Trần Thu Hà hát hay... nhưng chương trình ngày hôm nay nên trân trọng hoài niệm cũ. Vừa rồi người lớn tuổi không thể xúc động được vì nó quá xa lạ với tâm trạng của họ”. Đạo diễn Lê Hoàng lại ngắn gọn: “Nghe chị Hà hát tôi không thấy hay, tôi biết đây là cách hát của ngày hôm nay nhưng tôi không thể cảm được”. Cuối cùng, tiết mục của Trần Thu Hà nhận được kết quả bình chọn từ khán giả trong trường quay thấp nhất với 43,83%.
Bên cạnh đó, ca khúc Nối vòng tay lớn (sáng tác Trịnh Công Sơn) với phần thể hiện của Thái Châu, Hà My và Tuấn Khanh cũng bị chỉ trích cả về cách hát lẫn dàn dựng. Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nói, có thể hip hop, ảo thuật âm nhạc ở bất cứ ca khúc nào nhưng riêng Nối vòng tay lớn thì không vì dân tộc đã chọn ca khúc này là ca khúc cộng đồng. Thậm chí, đạo diễn Lê Hoàng thẳng thắn: “Tôi thất vọng một cách não nề. Ai khen nhạc này của Trịnh Công Sơn thì tôi đồng ý chứ ai khen cái phần trình diễn này thì tôi rất là kinh ngạc”. Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ Phú Quang cho biết đã nghe Nối vòng tay lớn nhiều lần và lần nào cũng xúc động, riêng tiết mục trên sân khấu Giai điệu tự hào tháng 9 thì không. TS. Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu - khách mời lớn tuổi gay gắt hơn: “Cách thể hiện Nối vòng tay lớn hôm nay không thể chấp nhận, nó xa với tinh thần của Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm trong ca khúc”.
Phạm Quỳnh