Nhìn trên bản đồ đất nước, sẽ thấy dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, trầm mặc tựa lưng vào biên giới Lào, Campuchia hướng nhìn ra biển cả tựa như chiếc xương sống của con rồng khổng lồ và những nhánh núi chạy hướng ra biển lớn là những dẻ xương sườn kiến lập nên một hình thế núi sông vững chãi. Lại cũng có cảm giác cái phần đất nước Việt Nam sừng sững ấy chợt mềm như động mạch chủ và những dòng sông là những huyết mạch chở khí thiêng ngàn năm hội tụ của đại ngàn chảy dọc thân thể nước Nam. Dáng núi trải dài trong tư thế bảo vệ đất nước và con người thuộc nhiều thành phần dân tộc.
Nghệ nhân Mai Hoa Sen cùng đội văn nghệ bản Tà Rụt, Hướng Hóa (Quảng Trị) biểu diễn dân ca. |
Các công trình nghiên cứu về nhân loại học đã khẳng định, những cư dân bản địa sinh sống trên dải Trường Sơn, có thể đã có mặt ở nơi đây từ thời đại đồ đá. Ước tính đến nay quy tụ khoảng trên 20 sắc dân với nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau, tập trung trong hai hệ chính là Mã Lai - Ða đảo và Môn - Khơmer. Có thể nói, dải Trường Sơn là nơi nương tựa an toàn cho các bộ tộc thiên di từ hải đảo hoặc đất liền. Chính những sắc dân này đã tạo nên những nếp sống và nền văn hóa hết sức đặc thù và đa dạng. Có thể kể ra đây biết bao điệu dân ca, dân vũ làm say đắm lòng người. Những người anh em Pa Cô sống trên địa bàn biên giới các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế lưu giữ vốn cổ của mình trong cuộc sống thường ngày. Trai gái tìm hiểu nhau dùng đàn talư và bài A dà lúc tha thiết nhớ thương, lúc trách hờn; bài Păn tưi (lẻ loi) da diết kể về nỗi buồn của chàng trai vượt núi băng sông tìm bạn yêu nhưng người ấy đã bị chàng trai khác giành mất. Trong niềm vui, nỗi buồn của bản làng có sự hòa nhịp của đủ bộ chiêng cồng, đàn talư, khèn bè ciên, đàn a-ben với điệu Hiê réo rắt... Từ những bài hát nồng nàn của cô Ajư Tươi vùng A Sao - A Lưới đến điệu khèn môi da diết của nghệ nhân Mai Hoa Sen vùng Hướng Hóa đều khiến cho người nghe xao xuyến.
Xứ trầm hương Quảng Nam lại là nơi lưu giữ những thanh âm tuyệt vời của dân tộc Jẻ-T’riêng và Cơ Tu ở 73 thôn bản thuộc 12 xã của 2 huyện Nam Giang và Tây Giang. Văn hóa tộc người Cơ Tu không chỉ đa dạng và phong phú mà còn tiềm ẩn trong đó biết bao triết lý nhân sinh quan của con người đã quen sống khoáng đạt giữa núi rừng. Ngoài các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, mừng nhà mới hay cưới hỏi, còn có ngày hội dân ca dân vũ tân’tung, da’dă, chơi đàn abel, khèn..., độc đáo nhất có lẽ là điệu p’rá pr’ma, têng bh’noóch, tr’a (nói lý - hát lý truyền thống)... Già làng Cơlâu Nâm ở thôn Pơr-ning, huyện Tây Giang tâm sự: “Nói lý - hát lý là hình thức ứng khẩu sử dụng vào mục đích sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong đời sống người Cơ Tu. Nói lý hát lý không nhất thiết là phải dùng triết lý để phân tích một sự việc hiện tượng, mà dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa ví cái này hiểu nghĩa cái kia. Vì thế nói lý hát lý luôn kích thích người nghe, giúp đối phương hiểu sâu công việc và đồng cảm với nhau.
Nghệ nhân Hơ - mon A Lưu hát kể bản trường ca Đăm Giông chiến thắng thần Sét, bảo vệ buôn làng. |
Nếu người Cơ Tu tự hào về điệu p’rá pr’ma, têng bh’noóch, tr’a thì người anh em Jẻ T’riêng sống dọc theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại lại sở hữu một kho tàng thơ ca mang đậm chất trữ tình và giàu nhạc cảm. Một số vũ khúc cổ truyền thường được diễn trong các lễ hội của buôn làng. Các nhạc cụ truyền thống như bộ cồng chiêng gồm 7 chiếc, 6 chiếc, 4 chiếc, 3 chiếc, kèn ống bầu (kơmbuat), đàn ống tre (kơrla), trống (sơgơr)... có khả năng hòa âm với lời ca hoặc độc tấu cũng là nét đẹp văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây.
Rồi dãy núi kiêu hãnh ấy sau biết bao ghềnh cao, vách dựng lại mở lòng hiền hòa, ấm nóng với màu đất đỏ bazan tạo nên cao nguyên huyền thoại. Theo dòng sông Auna hiền hòa, thơ mộng chảy giữa cao nguyên, sẽ tuyệt vời biết bao nếu được nghe nghệ nhân A Lưu, A Bek (dân tộc Banar), Y Yon (dân tộc Jarai) rỉ rả những bản trường ca của đất trời Tây Nguyên từ đầu hôm đến sớm mai. Để nhận ra tâm hồn người Tây Nguyên đâu hẳn lúc nào cũng gầm gào, đầy sức mạnh thể hiện nội tâm như trong các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường mà trầm lắng êm ả hòa theo bài Kdor đối đáp dưới dạng đồng ca, xướng xô, kể câu chuyện ngàn năm trước đây các dân tộc đến với đất nước này. Nghệ nhân A Lưu hát mà giọng Hơ-mon của ông làm hiển hiện trước mắt tôi tiếng nước reo, lửa cháy, tiếng sấm rền trong những cơn giông đầu mùa hạ, tiếng hổ gầm trong vách núi, cả tiếng chim hót trong trẻo và cả tiếng hát của những cô gái Banar bên dòng suối. Đặc biệt những trường ca Giông, Giở qua lời hát kể của ông đã hoàn thành sứ mạng của mình là nối liền quá khứ nghìn năm và hiện tại một cách đầy sinh động.
Một trong những nét độc đáo và đa dạng của nền âm nhạc dân gian trên dãy Trường Sơn là những loại nhạc cụ truyền thống của các sắc dân nơi đây. Thật khó để có thể thống kê hết được các loại nhạc cụ cùng những tính năng chuyên biệt của chúng. Điểm tương đồng dễ nhận thấy là đa phần các nhạc cụ đều được chế tác từ tre nứa và thân cây rừng, nhưng không vì thế mà làm giảm đi nhạc cảm của những người được thưởng thức. Các nghệ nhân đã ghép những ống nứa dài ngắn khác nhau để tạo nên dàn nhạc đinh tút (thổi vào đầu miệng ống), klôngpút (vỗ bằng tay lùa hơi vào ống), đinh jơi, ciên (bè ống nứa tròn), goong (đàn dây), hay t’rưng (nhạc gõ)... Mỗi dân tộc một màu sắc, một âm điệu đã khiến cho bài ca của núi rừng thể hiện mọi trạng huống cảm xúc của con người trước thiên nhiên và cuộc sống.
Song, điều kỳ diệu nhất mà các sắc dân của dãy Trường Sơn mang lại cho kho tàng văn hóa và âm nhạc nước nhà có lẽ chính là sự hùng tráng bất tận của dàn cồng chiêng. Hầu hết các dân tộc dù có số dân đông đảo như với những dàn cồng chiêng quy mô như Jarai, Êđê, Banar, đến các dân tộc ít dân nhất như Brâu, Rơmăm tỉnh Kon Tum đều có tài sản quý của riêng mình. Nếu được chứng kiến Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên, hẳn sẽ không ai không ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đầy hoang sơ và quyến rũ. Gần 100 tiết mục diễn tấu cồng chiêng đa dạng được diễn tấu bởi hàng trăm nghệ nhân đến từ 13 dân tộc Vân Kiều, Cơ Tu, H"rê, K"dong, Chăm roi, Răk Lây, Giẻ Triêng, H"mông, Banar, K"ho, Jarai, Xê Đăng và Êđê thuộc 12 tỉnh trong khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Dường như không có sinh hoạt văn hóa nào của họ mà lại thiếu đi tiếng cồng chiêng. Nó ngân nga trong lễ mời ông bà đi gieo hạt, lễ ăn cơm mới, lễ bỏ mả hay những ngày hội mừng bản làng, đất nước đổi mới.
Đi trên quốc lội 14, ngang qua biết bao tượng đài, đền miếu tưởng niệm, được nghe nhiều câu chuyện về đồng bào các dân tộc nơi đây đã kề vai sát cánh chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, sẽ càng thấy được quyết tâm của các dân tộc đã kiên gan gìn giữ nét văn hóa của cộng đồng mình dù trải qua chiến tranh, ly loạn hay những thiếu khó, cam khổ nơi xa xôi, khắc nghiệt. Người Jarai, Êđê, Banar... đánh cồng chiêng theo bài bản và quy định chặt trong cách đánh theo từng hoàn cảnh. Dàn cồng chiêng có thể lên đến hàng chục chiếc được tấu lên theo từng bè ổn định. Dân tộc Brâu chỉ với hơn 200 người lại có niềm tự hào về bộ chiêng Tha trân quý, mỗi lần đánh chiêng chỉ có hai người ngồi hai bên nhưng cũng không vì thế mà kém đi giai điệu. Một đêm nhảy múa quanh đống lửa bên nhà rông - nơi trước đây từng là hố bom cày, nghe dàn cồng chiêng dân tộc Rơ Măm ở biên giới Kon Tum đã khiến trái tim tôi rộn ràng những nhịp đập nồng nàn, để thấy tiếng cồng chiêng là hơi thở, là máu huyết của các dân tộc trên dãy Trường Sơn.
"Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu", câu nói cách đây gần 100 năm của nhà Tây Nguyên học Jacques Dournes khiến tôi nhận ra nhiều điều. Đi dọc con đường Hồ Chí Minh lịch sử, cùng hòa mình vào các điệu dân ca, dân vũ của đại ngàn, bạn sẽ tìm thấy trong lịch sử, trong tự nhiên, trong văn hóa, trong con người nơi đây bao điều để suy ngẫm về lẽ đời, về cuộc sống giữa thế giới đang rối bời xung đột hôm nay.
Bài và ảnh: Tuệ Lâm